Thủ khoa khối C phát hoảng với đề Lịch sử đại học

 Thí sinh dự thi đại học 2014. Ảnh: Dân Trí
Thí sinh dự thi đại học 2014. Ảnh: Dân Trí
Mai Ngọc Anh (thủ khoa khối C, ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2013) chia sẻ: “Khi đọc đề thi này bản thân em và nhiều anh chị từng học khối C đều phát hoảng vì rất khó”.

Chiều 9/7, các thí sinh đăng ký dự thi khối C đã hoàn thành môn Lịch sử. Không chỉ thay đổi về cấu trúc, đề thi năm nay còn khiến nhiều sĩ tử bật khóc vì khó. Thậm chí, các thủ khoa, á khoa của nhiều trường đại học lớn cũng bất ngờ với đề thi này.

Mai Ngọc Anh (thủ khoa khối C, ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2013) chia sẻ: “Khi đọc đề thi này bản thân em và nhiều anh chị từng học khối C đều phát hoảng vì rất khó”.

Từng đạt 8,75 môn Lịch sử trong kỳ thi đại học, nhưng đặt mình vào trường hợp thí sinh năm nay, Ngọc Anh nghĩ chỉ làm được 6,5-7 điểm.

Thủ khoa này nhận định: “Năm 2012, cả nước có rất nhiều bài thi đạt điểm 0 môn Lịch sử. Nhưng theo em, đề thi năm nay còn khó hơn. Số lượng bài thi đạt 7-9 điểm sẽ ít, bởi nhiều thí sinh tại điểm thi trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn chỉ làm được 1-2 câu”.

Thậm chí, Ngọc Anh còn cho rằng đề đại học năm nay tương đương với kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử. “Với số lượng câu hỏi yêu cầu phân tích, tổng hợp nhiều như vậy sẽ phù hợp với các thí sinh học chuyên, hiểu sâu về Lịch sử. Những bạn có học lực trung bình, chỉ chăm chỉ học thuộc chắc chắn sẽ không đạt điểm cao”, Ngọc Anh bày tỏ.

Là sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi tại điểm trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, nữ thủ khoa kể lại: “Chiều nay khi kết thúc giờ thi tâm trạng của các thí sinh đều căng thẳng vì không làm được bài. Nhiều bạn học khá do đăng ký vào khoa cao điểm, đã bật khóc vì đề Lịch sử quá khó, chỉ làm được 5-6 điểm”.

Còn Nguyễn Thế Hưng (Á khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2012) lại cho rằng: “Đề thi mang tính sáng tạo ngay từ hình thức câu hỏi đến cấu trúc. Sự thay đổi này sự giúp phân loại thí sinh hiểu bản chất các vấn đề lịch sử chứ không chỉ đơn thuần học thuộc lòng”.

Chàng trai này băn khoăn liệu cách ra đề mở như năm nay thì việc chấm thi sẽ như thế nào. Á khoa ĐH Sư phạm Hà Nội dự đoán chắc chắn các sĩ tử sẽ khó qua được điểm 8. Đây sẽ là môn sẽ làm điểm chuẩn khối C của nhiều trường dao động.

Nhiều năm gần đây, xu hướng ra đề theo hướng kiểm tra năng lực của thí sinh đã được chú trọng. Tuy nhiên, mức độ khó và số lượng câu đòi hỏi tư duy vận dụng nhiều kỹ năng như phân tích, tổng hợp của đề thi này nhiều hơn hẳn so với các năm trước.

Từng đạt 25,5 tổng điểm ba môn khối C (trong đó Lịch sử đạt 8 điểm), Hưng nhận định nếu được làm đề thi này cũng chỉ chắc được khoảng từ 6-8 điểm.

Một ngày thi trôi qua với nhiều cảm xúc, sĩ tử từng vui mừng vì đề Địa lý đơn giản, trúng tủ lại phải rơi nước mắt bởi độ khó của các câu hỏi Lịch sử. Ngày mai, các bạn sẽ bước vào môn thi cuối cùng - Ngữ văn - trong thời gian 180 phút.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết nếu học sinh có suy nghĩ và thói quen học tủ hoặc trông chờ vào một khả năng may rủi nào đó để sử dụng tài liệu trong phòng thi sẽ không làm bài được.

Đề thi không bắt học sinh trình bày chi tiết nhiều sự kiện, ngày tháng năm mà chỉ nêu những kiến thức cơ bản của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX, hoặc trong từng giai đoạn cụ thể như 1945-1946, 1975-1976, từ đó rèn luyện kỹ năng tổng hợp, khái quát hóa kiến thức.

Đặc biệt, phần câu hỏi mang tính gợi mở, rèn luyện kỹ năng thông hiểu, vận dụng để phân loại học sinh khá giỏi.

Thầy giáo này nhấn mạnh: “Điều quan trọng cuối cùng là phải chờ xem đáp án của Bộ GD-ĐT có tương xứng với đề thi hay không. Bởi trong nhiều kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng gần đây, giữa đề thi và đáp án vẫn còn đó những bất cập gây tranh cãi và bất lợi cho học sinh”.

Tuy nhiên, với đề thi năm nay, thầy Hiếu hy vọng và tin tưởng tỷ lệ các em có điểm 5 trở lên khá cao, tỷ lệ điểm 0 sẽ ít hơn so với các kỳ thi trước.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG