Ghi chép về Xuân Diệu

Ghi chép về Xuân Diệu
Bài viết này tôi muốn bộc bạch đôi điều về những non nớt của tôi lúc mới làm thơ và đã được anh Xuân Diệu chỉ vẽ cho.

Năm 1953, khi học lớp đệ lục ở Hà Nội, tôi được nghe thầy Nguyễn Xuân Huy, vốn cũng là một nhà thơ, giảng bài Đây mùa thu tới  của Xuân Diệu. Bài thơ gây cho tôi một ngạc nhiên là mùa thu vẫn tới hàng năm mà sao đến lúc học bài thơ đó, tôi mới biết nó có những nét quyến rũ đến thế.

Từ thơ, tôi bắt đầu quan sát mùa thu, tìm ra chỗ tiếp giáp của thời tiết hay gây xao xuyến lòng người. Và cũng do quan sát như vậy, tôi nghĩ bài thơ Xuân Diệu phải đặt tên là Đây mùa đông tới thì mới đúng với thời tiết Việt Nam mình. Thu của Xuân Diệu rét quá, nó là thu của Trung Quốc thì đúng hơn. Nhưng đấy là việc khác, dịp nào đó sẽ bàn, cũng vui. Bài này tôi muốn bộc bạch đôi điều về những non nớt của tôi lúc mới làm thơ và đã được anh Xuân Diệu chỉ vẽ cho. Bài này tôi muốn bộc bạch đôi điều về những non nớt của tôi lúc mới làm thơ và đã được anh Xuân Diệu chỉ vẽ cho.

Khoảng năm 1956-57, anh Xuân Diệu đến nói chuyện thơ với thầy trò trường Chu Văn An, tôi học lớp 8, cũng được ngồi nghe. Hào hứng và có cái thích thú như gặp người trong cổ tích, tuy khoảng cách từ lúc gặp bài thơ đến gặp tác giả mới chỉ 3,4 năm. Cảm giác ấy còn trở lại với tôi nhiều lần khi gặp những tác giả trước 1945 như Tô Hoài, Hồ Dzếnh...

Tôi ngưỡng mộ, nhưng không dám trò chuyện với Xuân Diệu. Tôi là học sinh lớp bét của cấp ba, biết gì mà hỏi. Các anh lớp 10 thì tíu tít lắm, đọc bao nhiêu là câu thơ tình của Xuân Diệu Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi. Nghe kinh, mà Xuân Diệu thì vui lắm. Mãi đến năm1963, khi đã là sinh viên y khoa, về dự hội trường Chu Văn An, gặp Xuân Diệu, tôi mới dám hỏi anh, lại được anh tiện miệng mời lại chơi 24 Cột Cờ. Tôi túm ngay lấy câu mời ấy và tuần sau đến thăm anh.

 Quả thật lúc bấm chuông cái biệt thư ấy tôi cũng hãi. Giá có ai ra bảo ông Xuân Diệu đi vắng thì có khi tôi lại thở phào cũng nên. Một anh ra mở cửa và bảo: Anh Diệu có nhà. Tôi dắt xe vào, hỏi một câu ấm ớ: Vào bây giờ có làm phiền anh Xuân Diệu không? Anh người nhà nhìn tôi thân ái, hình như cũng hơi mỉm cười, động viên : Cứ vào đi, Anh Diệu đợi đấy, đừng ngại, các anh em họ vẫn đến. Rồi anh khoác vai, đưa tôi vào nhà. Tôi đỡ lo hẳn. Sao lại có ông ở cạnh XD mà bình dân thế. ( Đấy là Hữu Nhuận, sau này thành bạn của nhau, tôi thấy anh là người thật nhũn nhặn và tận tình với bè bạn).

Tôi vào phòng XD, ngó nghiêng một lúc rồi ngượng nghịu nhờ anh xem hộ mấy bài thơ tôi viết. Tôi lôi ra cuốn vở tự đóng bằng giấy “năm hào hai” gấp lại, chép nắn nót 20 bài thơ.  Xuân Diệu cầm cuốn vở lật lật:

-Các  bài này đã đăng chưa?

-Dạ, mới đăng có mấy bài.

-Sao cậu chép nhiều thế, chỉ 5 bài đọc đại diện là đủ.

Tôi ngớ người :

- Hay...để em về chép lại.

-Thôi cứ để đây. Lần sau cậu đến chúng ta cùng đọc. Nói rồi ông cầm bút ghi ngày giờ lần sau vào cuốn thơ của tôi. A tên cậu là gì nhỉ? Dạ, em Phương. Cái gì Phương chứ, phải nói đủ tên mình. Cậu đăng thơ thì ký là gì? Vũ Quần Phương à, thì Vũ Quần Phương. Ông viết ngoay ngoáy tên tôi vào tờ đầu cuốn thơ và hẹn. Thứ năm tuần sau, 7giờ, chúng ta làm việc với nhau 1 tiếng nhé.

Đúng hẹn, tôi đến. Anh Xuõn Diệu lục tìm trên bàn viết bề bộn, cuốn vở thơ của tôi. Anh đọc bài đầu tiên. Không nói gì. Đọc sang bài thứ hai. Bút anh dừng lại ở câu thơ nói tới hương hoa sữa. Hỏi: Cậu thích hoa sữa à? Tôi không thích. Mùi nó gây gây. không hiểu sao người ta lại ca ngợi được. Bài thứ ba, Trên Đài quan trắc khí tượng. Anh đọc hai lần, rồi đọc lại. Dừng ở câu thơ Em bé nhà ai u uơ trở giấc / Theo gió đêm về vọng đến đài tôi. Bài này cậu viết hay. Anh lấy bút viết lên đầu trang thơ Rất hay và nói tiếp: nhưng câu này thì không được. Thế em bé nó là ma à, mà theo gió đêm về.

Tôi ngớ ra, ừ nhỉ, sao mình ngu thế. Tôi đang nghĩ cách chữa thì anh XD gạch hai chữ Em bé rồi viết đè lên Tiếng trẻ. Tiếng trẻ nhà ai u uơ trở giấc / Theo gió đêm về... Anh XD không nhìn tôi, anh vẫn cúi xuống trang thơ, nói tiếp: Em nên chú ý, trong đầu mình nghĩ, mình hiểu, nhưng diễn tả phải tính đến người đọc, sao cho người ta hiểu được cảm xúc của mình. Dấu chấm dấu phẩy, người ta đã sinh ra là có lý của nó. Chỗ này phải chấm, chỗ này phẩy. Em để người ta đứt hơi à..

Đến bài Phăng xi păng...có câu Phăng xi păng núi ba ngàn thước dựng. Anh hỏi: Phăng xi păng cao bao nhiêu? Thưa 3142 mét ạ. Thế là mét chứ sao cậu lại bảo thước. Anh gạch chữ thước và viết mờ e me tờ mét đè lên. Câu Tiếng trẻ anh sửa tôi thích bao nhiêu thì câu này tôi chán bấy nhiêu. Nhưng tôi thấy sự chính xác ngôn ngữ anh đòi hỏi là đúng. Về nhà tôi đã sửa câu thơ ấy theo cách khác.

Thấy sắp hết một giờ, không dám lạm dụng nhiệt tình của anh, tôi xin phép về. Xuân Diệu ngẩng nhìn tôi, tươi cười: Thôi hôm nay biết thế. Phương nên gửi mấy bài này đi. Có quen ai ở toà soạn không? Nếu không, mình gửi cho. Tôi chỉ biết Vâng, vâng... Nhưng rồi cũng ngại phiền anh, tôi tự gửi đến Nhà xuất bản Văn học tham gia tập Sức mới (1965).

Bài học chữ nghĩa đầu tiên ấy, tôi còn nhiều dịp ôn lại, khi làm thơ cũng như khi bình thơ.

Tết năm ấy

Một ngày áp tết ất Sửu (1985). Tôi đến tham Xuân Diệu, cũng là cuộc làm việc với anh, như thường lệ, về việc tiếp tục xuất bản tuyển tập của anh ở nhà xuất bản Văn học. (Lúc này tôi đang làm biên tập cho nhà Văn học). Nhưng không khí tết nhất rộn rịp đông đúc của  phố xá bên ngoài làm căn phòng độc thân của Xuân Diệu ở 24 Điện Biên Phủ trở nên im vắng hiu hắt. Một cành mai lớn, dáng đẹp, dựng sát tường làm căn phòng như lạnh thêm. Tôi rụt rè:

- Ngày tết chắc nhiều bà con ruột thịt, bạn bè thân đón anh đến ăn tết với họ, nhưng Tết năm nay em muốn anh dành cho chúng em được đón anh vào sáng mồng một tết.

Anh Diệu không trả lời ngay, anh nhìn tôi, ánh mắt rất hiền hậu, rồi mới nói, nói nhỏ và chậm như vừa nói vừa nghĩ:

-Anh sẽ đến với em, nhưng để xem anh sẽ đi thế nào.

- Em sẽ đến đón anh. Tôi hào hứng nói.

Nhà tôi ở khu tập thể trường Bách khoa, tôi phóng xe đạp dọc đường Nam Bộ lên đèo anh  chứ khó gì. Hồi đó, Hà nội còn ít xe máy lắm, tính giờ giấc đường sá tôi cứ lấy xe đạp làm chuẩn, tôi thuyết phục nhà thơ lớn bằng tư duy xe đạp của mình: Chỉ mười lăm, hai mười phút, anh đừng ngại.

Đúng hẹn, sáng mồng một tết tôi hăm hở đạp xe đi. Nhà thơ Huy Cận, ở cùng số nhà với Xuân Diệu tiếp tôi và cho biết anh Diệu vừa đi, đi tới nhà tôi.Tôi xin về ngay nhưng anh Cận đã rót chén rượu mừng tuổi. Đang trò chuyện thì người nhà tôi  đã đạp xe  hộc tốc đến tìm tôi, nói là phải về ngay, bác Xuân Diệu đã đến nhưng bác cứ đứng dưới chân cầu thang, chờ tôi về mới lên. Tôi vội vã cáo anh Huy Cận hối hả đạp xe về. Giá hồi ấy có điện thoại như bây giờ, đỡ được bao nhiêu công.

Tới nhà, thấy anh Xuân Diệu cùng một bác cũng cỡ tuổi anh đang đứng trò chuyện với mấy người hàng xóm ở tầng trệt. Một bà mách:

- Bác gái nhà bác xuống mời nhưng hai cụ cứ bảo đợi bác . Tôi mời vào nhà tôi đợi, cụ cũng không.

Tôi rước khách lên tầng ba. Người cùng đi với anh Diệu sáng hôm đó là ông thông gia của anh Huy Cận, ông đèo Xuân Diệu bằng Môbilet. Chả là mấy năm trước đi Pháp về, anh Xuân Diệu mang về một xe máy hiệu Peugeot, đi đâu cháu Hà Vũ đèo bác đi.

Sáng nay thì ông bạn già đưa đi, cũng là đi du xuân với nhau một thể. Bữa ấy gia đình tôi rất vui, bác Diệu thân tình và tâm lý, hoà đồng với các cháu, hai đứa con tôi, rất nhanh. Anh mừng tuổi tôi một mảnh vải, hồi đó vải rất hiếm, muốn mua phải có tem phiếu, anh  dặn: Vải này để em may sơ mi det, là sơ mi cộc tay ấy, mặc mùa hè, may dài tay không đủ đâu vì đây chỉ có thước rưỡi. Tôi trân trọng nhận tặng phẩm của anh. Tôi để ý thấy vài năm nay đi đâu về Xuân Diệu hay cho quà lũ chúng tôi, chúng tôi bấy giờ hay gọi là lứa chống Mỹ- hồi ấy hầu hết đã lập gia đình. Anh Diệu hay cho những đồ dùng, khi thì cái làn để thím ấy đi chợ, tiện lắm, khi cái bút, tôi thấy cái bút của cậu nó lạch cạch quá.

Được đón Xuân Diệu tới ăn sáng mồng một tết ở nhà mình, tôi mừng lắm. Tôi hy vọng những tết sau sẽ có cách đón anh tới thuận tiện chu đáo hơn. Tôi có ngờ đâu cuối năm đó, cơn đau thắt mạch vành đầu tiên đã dứt anh ra khỏi cuộc đời.

MỚI - NÓNG