“Bán” ánh sáng

“Bán” ánh sáng
“Tiền của anh đây, tôi trả, anh đừng xây cao thêm nữa. Tôi mà không yên thì anh cũng chẳng sung sướng gì đâu...” - Tiếng cụ Tài nỉ non đến tội mà xem ra anh Tuấn vẫn chẳng đếm xỉa gì.

Tiếng Tuấn vẫn đều đều: “Còn cụ, còn con đấy, nhà con xây xong, cái nhà thờ của cụ lại càng mát mẻ. Cụ đừng nghe mấy đứa nói vớ vẩn... ”.

Chuyện là nhà cụ Tài ở ngay mặt đường làng, nhà Tuấn thì mãi trong ngõ xóm. Các con cụ Tài mỗi người mỗi ngả làm ăn nhưng xem ra rất chật vật, để cụ ở quê một mình. Còn Tuấn thì mới hết đợt lao động bên Malaysia, tích cóp được ít tiền nên tính chuyện mở quán làm ăn.

Ngặt nỗi nhà trong ngõ nên chẳng thể buôn bán gì, Tuấn sang gạ cụ Tài bán cho ít đất mặt đường. Cụ Tài đang cơn túng quẫn vì muốn sửa lại gian thờ chính đang xuống cấp, có nguy cơ sập, nhưng vì là đất thổ trạch truyền đã mấy đời nên ngại ngần không quyết.

Tuấn thuyết phục mãi, cụ mới để cho trăm mét phía ngoài. Trước lúc bán, cụ giao kèo miệng với Tuấn là không được xây nhà quá cao, che khuất ngôi nhà thờ họ phía trong vườn. Tuấn chỉ ậm ờ cho qua chuyện...

Có đất, Tuấn cất ngay căn nhà năm tầng cao ngất nghểu. Những hôm trời mưa, nước trên mái bằng căn nhà tầng rộng trăm mét xả xuống ngập cả nền khu nhà thờ. Ngày nắng, nhà thờ nằm nép bóng co ro dưới ngôi nhà của nhà Tuấn.

Bao nhiêu ánh sáng mặt trời không thể lọt qua căn nhà to “vật vã” ấy nên chẳng mấy chốc nhà thờ bị rêu mốc xanh rờn. Tuấn đắc ý, nghĩ trong bụng: Thế này thì chẳng mấy chốc cụ Tài phải đồng ý bán nốt cả sào vườn phía trong để chọn chỗ khác đặt nhà thờ họ, lúc đó gã sẽ biến khu vườn kia thành khu “cà phê vườn” lý tưởng.

Nhà Tuấn vừa xây xong thì Hòa, một người con của cụ Tài về. Biết chuyện, Hòa trách bố sao việc hệ trọng thế này mà không chờ mọi người về cùng bàn rồi quyết. Vốn tính gia trưởng, cụ Tài gắt: “Chúng mày để bố ở nhà một mình cả năm chẳng đoái hoài gì. Nay gian thờ chính sắp sập, không bán đất lấy đâu tiền để sửa”.

Rồi biết mình cũng sai, cụ Tài dịu giọng: “Tưởng nó là đứa tử tế nên bố mới bán. Không ngờ nó làm ra thế, bố nói không được, bây giờ trả tiền cũng chẳng xong”.

Nghe vậy, Hòa tìm cách nhắn mấy người anh em trở về. Rồi họ kéo sang nhà Tuấn đòi phá. Tuấn chạy ra quát:

- Đất tao mua có “sổ đỏ” đàng hoàng, xây cao hay thấp là quyền của tao. Chúng mày muốn có ánh sáng cho nhà thờ họ thì bỏ tiền ra mà mua, tao bán cho...

- Mày lừa cả ông già, ông ấy bán đất cho mày xây nhà ở, chứ mày xây cả cái nhà nghỉ to đùng thế này, định ám cả họ nhà ông đấy hẳn. Đừng cậy có tiền thì thích làm gì cũng được nhé.

Bọn họ xông vào, trùm chăn lên người Tuấn rồi chia nhau mỗi người phang một gậy. Công an đến, họ khai mỗi người đánh một cái, tất thảy hơn chục người, chẳng lẽ lại xử phạt cả chừng ấy.

Căn nhà Tuấn xây, bây giờ đành khóa cổng để đấy vì đám con cháu trong họ cụ Tài mỗi khi đi qua lại tiện tay ném một hòn đá vào nhà. Ngồi nhìn mấy trăm triệu đồng đắp chiếu xanh rêu, Tuấn đành tự trách mình. Bây giờ anh ta nhớ lại lời cụ Tài : Làm ăn ở quê, đúng pháp luật thôi chưa đủ, còn phải ngó trước nhìn sau, sao cho vẹn tình làng xóm mới được. 

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.