Hậu quả từ câu chuyện làm quà

Hậu quả từ câu chuyện làm quà
Hậu quả từ câu chuyện làm quà ảnh 1
Không cần đến ba người đan bà mới thành một cái chợ. Hai người đàn ông là đủ

Nhà vợ chồng anh Sâm – chị Hà ở cách đường cái thôn Đông khá xa, thế nên họ thường đi tắt qua sân của vợ chồng anh Công – chị Bích...

Điều đó không hề gì bởi từ trước đến nay hai gia đình vẫn giữ mối quan hệ tốt với nhau. Ấy vậy mà chỉ “tí tẹo” nữa thôi, tình làng nghĩa xóm giữa họ có nguy cơ rạn nứt.

Sáng nay, anh Sâm chằng buộc bộ đồ nghề thợ mộc vào chiếc xe đạp cũ để sang làng bên làm thuê. Khi qua sân nhà anh Công, anh Sâm lỡ làm rơi xuống đất chiếc quần lót của chị Bích móc trên dây phơi. Ngập ngừng giây lát, anh Sâm cúi nhặt quần lên, giũ mấy cái, treo vào chỗ cũ. Đúng lúc đó, chị Bích từ dưới bếp đi lên, thấy vậy vội nói:

- Ấy chết, cứ để đấy cho em, mời bác vào uống chén nước đã, ông Công nhà này đi giúp đám cưới từ sớm rồi, mà tiện thể nhờ bác kiểm tra hộ đôi vai giường để hôm nào rảnh rỗi thì thay cho em với, mối mọt ăn luỗng hết cả.

Uống xong chén nước chè, ngó qua chiếc giường, anh Sâm đạp xe đi. Xẩm tối về đến nhà, anh thấy vợ mình tay chống nạnh, mặt hầm hầm tức giận, đay nghiến:

- Sung sướng quá nhỉ, sao ông không ở luôn bên ấy mà giặt giũ  quần áo lót cho nó, lại còn đú đởn giường giường chiếu chiếu, rõ dơ.

Anh Sâm ớ người, không hiểu vợ muốn nói gì, may có bà cô ruột đến chơi, kéo tuột anh xuống bếp thì thầm:

- Người ta đang đồn ầm lên là mày “quan hệ bất chính” với con Bích kia kìa, chả biết có đúng hay không nhưng họ bảo mày lợi dụng lúc thằng Công đi vắng, đem chậu đồ lót của vợ nó ra giếng  giặt, phơi phóng cẩn thận, xong rồi hai đứa vờ vào nhà sửa giường để “tâm sự” cười đùa, cấu véo nhau nhả nhớt. Buổi chiều thằng Công về biết chuyện, “tẩn” cho con Bích một trận nên thân, dắt đến gặp bố mẹ vợ kể tội. Mày sao lại dở chứng thế hả?

- Làm gì có chuyện đó… - Anh Sâm phản ứng.

- “Cháy nhà mới ra mặt chuột” – Chị Hà lao xuống bếp, tiếp tục tiếng chì, tiếng bấc: - Ông đừng chối, làng nước chẳng đặt điều cho ông đâu, thì ra suốt mấy năm nay ông lừa dối tôi để hú hí với nó. Ngày mai tôi sẽ thuê người lấp cái ao, mở lối đi khác xem ông còn cái cớ nào mò mẫm, thậm thụt nữa không.

- Cô im  ngay, điêu toa thế là cùng. Tôi cấm cô lấp cái ao, hơn trăm nghìn tiền cá giống  vừa mới đổ xuống xong đấy hiểu chưa, tôi cũng chưa rõ ở nhà cô bị ai xúi mà nói năng bừa bãi vậy?

- Ông nghe đây, tôi đang cấy, thấy bà Chanh kể oang oang với bọn con Ngọc ở thửa bên cạnh rằng tận mắt bà ấy nhìn rõ ông giặt giũ quần áo lót cho…

- Thôi thôi, để tôi sang tận nơi xem hư thực thế nào- Cắt ngang lời vợ, anh Sâm phăm phăm đến thẳng nhà bà Chanh. Chẳng mất nhiều thời giờ, bà Chanh đã thừa nhận chính mình “lèo lái” sự việc này.

Thì ra buổi sáng, bà Chanh hái trầu trong vườn, nhìn sang sân nhà anh Công, thấy anh Sâm đang lóng ngóng phơi chiếc quần lót lên dây, lại thấy chị Bích nhờ xem hộ chiếc giường bị mọt, vậy là bà đoán già đoán non hai người có “tình ý” với nhau  rồi “thêu dệt” để nói cho sướng miệng và kiếm “câu chuyện làm quà” cho đội thợ cấy. Những người đó lại kể cho người khác nghe, cứ thế như vết dầu loang khắp cả làng.

Bà Chanh nói vừa như thanh minh, vừa như nhận lỗi:

- Chiều thấy anh Công đánh chị Bích vì chuyện do tôi gây nên mà thấy ân hận quá, định sang can ngăn, thú thật mọi điều nhưng lại ngại. Chỉ tại tính tôi “phổi bò”, thích “buôn chuyện” nên mới xảy ra nông nỗi này. Thôi thì các anh các chị bỏ quá cho, từ nay tôi xin chừa hẳn.

Sau khi biết được chồng mình bị oan, chị Hà lại trở về với bản tính hiền lành, lúc này anh Sâm mới “phản đòn”:

- Thế ngày mai có lấp ao nữa không em để còn đi thuê người, anh chả tiếc tiền cá giống nữa.

Chị Hà ngấm nguýt, đấm vào lưng chồng thùm thụp. Ngay trong đêm hôm đó, anh Công đã đến xin lỗi gia đình bên vợ, đón chị Bích về nhà.

MỚI - NÓNG