Như thế là phạm pháp

Như thế là phạm pháp
Đó là câu nói của ông Hoạt với vợ và hai cậu con trai hôm vừa rồi. Chẳng mấy chốc mà chuyện đó lan khắp xóm Chùa, người khen ông chấp hành nghiêm kỷ cương phép nước, kẻ chê ông dở hơi, dại dột, tự dưng bỏ hoài bỏ phí một món tiền kha khá…

… Từ sáng sớm tinh mơ, gia đình ông Hoạt đã lục tục trở dậy chuẩn bị đi buổi chợ phiên, hàng hóa gồm 6 lồng gà to do vợ ông cùng cậu con trai út đảm trách vận chuyển bằng xe đạp, còn ông với cậu cả kéo đẩy xe ba gác chất đầy rau bắp cải.

Tầm trưa vãn chợ, hàng bán hết veo. Khác với mọi lần là mua thức ăn về nấu cơm, lần này bà Hoạt quyết định chiêu đãi cả nhà một bữa tại quán lòng lợn tiết canh của ông Tiến; bởi bà thấy túi tiền “nằng nặng” hơn các phiên khác, vả lại thỉnh thoảng cũng phải bồi dưỡng cho bõ những ngày vất vả thức khuya dậy sớm.

Sau bữa trưa no nê, bà Hoạt thanh toán tiền. Cầm tờ 50.000 đồng màu xanh, ông Tiến hết vẩy ngang vẩy dọc lại dùng mắt quan sát kỹ lưỡng rồi nói: “Đây là tiền giả, giấy nhũn nhẽo, màu sắc nhạt, nhòe chữ, không khôn như tiền thật”.

Bà Hoạt giật mình đánh thót, quả vậy khi so sánh với tờ tiền khác cùng loại thì thấy đúng như lời ông Tiến. Vội đạp xe về nhà, bà Hoạt lôi tất cả số tiền bán hàng bày ra giữa giường, săm soi từng đồng, và nhặt ra được ba tờ loại 50.000 đồng nữa trông dại dại. Bất chợt bà thở dài đánh sượt “Cả tháng mới có phiên chợ, bán hàng được ngót nghét triệu bạc thì mất toi hai trăm nghìn, xót quá”.

Lúc này bố con ông Hoạt rửa chân ở cầu ao xong, bước vào. Biết sự thể, cậu con cả hiến kế: “Họ lừa ta thì ta lừa lại, phiên chợ sau mẹ dùng số tiền này mua hàng, người mua kẻ bán nhộn nhạo, chả ai để ý phát hiện được đâu”.

“Phải, phải, mày thế mà sáng ý, được nửa tạ gạo ngon chứ ít à” – Bà Hoạt vui mừng như người sắp chết đuối vớ được cọc.

“Không được, làm thế là vi phạm pháp luật” - Ông Hoạt vừa rít xong điếu thuốc lào, nhả khói, đặt cái điếu đánh kịch xuống đất, nói như quát.

“Ơ hay cái ông này, chả lẽ lại đem đốt à, có mà là giấy lộn, mồ hôi nước mắt đấy ông ơi, vi phạm thì vi phạm, tôi cứ tiêu”.

“Thế này nhé” - Ông Hoạt nghiêm nghị giảng giải “pháp luật đã quy định rõ: Người nào biết là tiền giả, nhưng vẫn cố tình lưu hành, tức vẫn đem mua bán, trao đổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Tôi làm công an viên của xã lâu năm, đã đi tập huấn nên tôi biết điều này”.

Rồi ông chợt hạ giọng: “Tôi cũng tiếc lắm chứ, số tiền ấy với gia đình ta giải quyết biết bao nhiêu việc, nhưng thôi, bà nghe tôi, đừng vì chút lợi trước mắt mà đánh mất chính mình, mặt khác cũng phải làm gương cho con cái nữa bà ạ, ta sẽ cẩn thận hơn khi bán hàng những lần sau”.

“Vậy bây giờ phải làm thế nào?” – Bà Hoạt ngập ngừng hỏi.

“Mang nộp cho công an xã để họ báo lên trên xem có thể làm rõ được đối tượng lưu hành tiền giả hay không?” – Nói xong, ông Hoạt cầm mấy tờ tiền giả, cho vào túi áo, chốt một câu chắc nịch: “Thằng Cường lấy xe đạp, đèo bố ra ủy ban ngay”.

Nhìn theo bóng hai bố con khuất dần sau luỹ tre, tuy vẫn tiếc của nhưng bà Hoạt thầm nghĩ: Ông ấy làm như vậy cũng phải. 

MỚI - NÓNG