Phục dựng ấn triện Tây Sơn

Phục dựng ấn triện Tây Sơn
TP - Bình Định quê hương vị anh hùng áo vải muốn phục dựng ấn thời Quang Trung như hành động trở về nguồn, tôn vinh triều đại lẫy lừng và hướng tới Nghìn năm Thăng Long Hà Nội.
Các phác vật ấn Tây Sơn qua bản dựng của Bát Tràng
Các phác vật ấn Tây Sơn qua bản dựng của Bát Tràng . Ảnh: T.Toan

UBND tỉnh Bình Định phối hợp ngân hàng BIDV sáng 5-6, tổ chức tọa đàm khoa học về sắc phong, ấn triện thời Tây Sơn và tính chuyện phục dựng. Theo thống kê năm 1998, chúng ta tìm được 18 quả chuông Tây Sơn tính từ Huế ra Bắc Giang, ấn triện còn lại không nhiều. Riêng đình Bát Tràng hiện lưu giữ ba chiếc ấn thời đại Tây Sơn.

Ấn triện thời Quang Trung không còn nhiều, dựa vào văn bản để lại có một số ấn: “Quảng vận chi bảo” trong tờ chiếu vua Quang Trung gửi tướng Nguyễn Thiếp, “Triều đường chi ấn” lưu lại trong sắc phong thần Việt Yên huyện Thanh Trì, “Tiên nhu chi bảo”, “Sắc mệnh chi bảo” trong một số văn bản, sắc phong lưu truyền đến nay.

Những loại ấn trên được gọi là Kim Ngọc bảo tỷ, loại ấn của nhà vua dùng với ý nghĩa quốc gia trọng đại, ấn được làm bằng ngọc gọi là ngọc tỷ, đúc bằng vàng, bạc, mạ vàng được gọi là Kim bảo tỷ. Vì vậy Kim ngọc bảo tỷ là bảo vật quốc gia tượng trưng cho đế quyền.

Nhiều ý kiến cho rằng nên phục dựng theo ấn “Sắc mệnh chi bảo”, bằng đồng, đúng với hoàn cảnh và chất liệu thời đại này. Phần đế ấn may mắn còn lưu lại trên giấy tờ không quá khó khăn trong phục dựng. Trong khi đó núm ấn là phần mơ hồ nhất.

Ông Phạm Quốc Quân giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật cho rằng, nên tham khảo mẫu núm hình rồng ở thời Nguyễn, vì có nhiều kế thừa từ thời Tây Sơn.

Ông Phạm Công Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm cho rằng, ấn Tây Sơn khá phong phú qua các triều: Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh và Bảo Hưng. Tuy cứ liệu ấn để lại trên văn bản có nhiều lựa chọn, nhưng nên chọn ấn triện dùng trong quốc gia đại sự.

Ông Việt cho rằng, khi phục dựng ấn cần lưu ý: chất liệu, núm ấn, triện tự, đế ấn, họa tiết hoa văn. “Quảng vận chi ấn” là mô hình đáp ứng khá chuẩn các tiêu chí đề ra. Riêng phần núm ấn nên dùng biểu tượng rồng để trang trí, có thể tham khảo mẫu rồng ở các chuông Tây Sơn để lại: chuông chùa Bảo Minh ở Bát Tràng, chùa Hà (Hà Nội), hoặc mẫu hình rồng cuối thời Lê.

Ấn “Sắc mệnh chi bảo” ở thời Nguyễn nặng khoảng 8kg, làm bằng vàng 10 tuổi, được đề xuất để nghiên cứu hướng phục dựng. Đại diện ngân hàng BIDV, nơi đứng ra lãnh trách nhiệm bảo trợ và kêu gọi kinh phí để phục dựng ấn Tây Sơn, nêu ý kiến không nên làm bằng vàng. Ấn bằng vàng khá tốn kém, nên để dành khoản tiền này cho công tác an sinh xã hội. Có thể làm ấn bằng bạc, hoặc đồng mạ vàng.

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Độ nghệ nhân Bát Tràng đem đến năm mẫu ấn triện phác thảo chất liệu bằng gốm phục vụ cho công tác nghiên cứu, phục dựng. Các mẫu này cùng với các ý kiến của các nhà khoa học, lịch sử, khảo cổ giúp thống nhất loại ấn sẽ phục dựng trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG