Nhà thơ xứ Lạng nhiều năm đi đòi một... tảng đá

Nhà thơ xứ Lạng nhiều năm đi đòi một... tảng đá
TP - Vốn là cháu ruột của đồng chí Hoàng Văn Thụ, một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng nên đang học lớp 6 trường Việt Bắc (thị xã Lạng Sơn), Hoàng Trung Thu được Trung ương đón về Hà Nội học.

Sau khi học xong chương trình Trung cấp đạo diễn kịch nói, Hoàng Trung Thu trở về Lạng Sơn công tác. Đội ngũ Văn nghệ sĩ xứ Lạng bắt đầu biết đến Hoàng Trung Thu với những kịch bản sân khấu và thơ.

Ông nhanh chóng nổi danh với những bài thơ tình lãng mạn cùng những tứ thơ lạ triết lý về cuộc sống. Có người bảo: Chỉ cần Hoàng Trung Thu “là một người bình thường” thôi thì bây giờ chắc cũng đã là “ông nọ bà kia” (!?).

Thời gian này, ông được một đồng chí lãnh đạo cấp cao vốn là bạn chiến đấu của đồng chí Hoàng Văn Thụ đón về nhà nuôi ăn học.

Chỉ trong vòng vài năm, Hoàng Trung Thu liên tục tốt nghiệp những trường danh tiếng, đó là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Báo chí (Trường Tuyên giáo Trung ương) và Đại học chính trị.

Thế nhưng, như ông nói “cái mệnh” của mình là phải làm Văn nghệ, không thể khác được. Cán bộ, viên chức Hội Văn nghệ Lạng Sơn không thể quên được hình ảnh một Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng suốt ngày lút đầu trong mớ bản thảo.

Ông mang bản thảo cả trong túi sách, rồi đọc thơ oang oang cả ngày không biết chán. Ông thương cán bộ dưới quyền lương ba tháng mới được lĩnh một lần không đủ mua mì tôm ăn trong ngày nên thỉnh thoảng lại “phát chẩn” mỗi người 5 nghìn đồng.

Những năm tám mươi của thế kỷ trước, Hoàng Trung Thu còn xung phong làm “thủ lĩnh” đi buôn hàng Trung Quốc từ Lạng Sơn vào Nam. Không cần biết lỗ lãi thế nào nhưng gặp bạn buôn tâm huyết, tri kỷ là ông giở thơ và rượu ra... khoản đãi.

Kết quả, cơ quan lỗ nặng và bản thân ông cũng gánh một món nợ kha khá. Thế nhưng ông vẫn vô tư cười nói và làm thơ. Ông động viên bọn trẻ lớ ngớ, ngoài thơ ca chẳng hiểu biết gì nhiều sự đời rằng: “Yên chí. Chú sẽ gỡ được ngay. Nhất định tết này, mỗi đứa sẽ được một chiếc xe máy”.

Cả bọn tròn xoe mắt, hy vọng. Nhưng rồi, ông cứ lún sâu vào nợ nần nên phải từ bỏ các chức vụ lãnh đạo Hội và Tạp chí. Nhưng với thơ thì ông vẫn viết ngày, viết đêm. Hàng loạt tập thơ đã ra đời như: “Biên giới mùa hoa”, “Vọng trời xa”, “Hôn mặt trời”.v.v.

Một thời gian, ông bỗng “biến mất”. Nghe nói ông đi sưu tầm những bài thuốc hay, những cây thuốc quý ở các bản làng xa xôi, rồi lại nghe ông đi về Hà Nội, vào thành phố Hồ Chí Minh để bàn thảo với các lương y danh tiếng.

Thời gian sau, ông xuất hiện ở trụ sở Hội Văn nghệ với một tập sách nhỏ còn thơm mùi giấy mực. Ông hào hứng bảo: Đây là công trình nghiên cứu mang tên “Bí quyết sống lâu”.

Các bệnh trong cơ thể người đều do chất độc ứ đọng ngăn cách sự lưu thông, vậy nên cần phải khai thông nó. Nào có ai xung phong chữa bệnh thì chú giúp cho.

Nhiều người e ngại. Thơ thì cố nghe được chứ bị cái kim sáng loáng chọc vào ven để “thầy” Thu lấy những sợi sơ trăng trắng thì chỉ nghe cũng đã... phát hoảng.

Và cũng chỉ vì cái “công trình nghiên cứu” này mà nhà thơ Hoàng Trung Thu tiếp tục làm “lõm” mất vài chục triệu tiền túi của “bà xã”.

Nhà thơ xứ Lạng nhiều năm đi đòi một... tảng đá ảnh 1

Cuộc chiến đòi tảng đá

Nhà thơ Hoàng Trung Thu dẫn tôi đi vòng qua ngôi nhà làm bằng đá ép vào sườn núi Phai Đin.

Nơi đây, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã từng có nhiều thời gian sinh sống và hoạt động cách mạng bí mật tại quê nhà.

Ngôi nhà cổ này được xây dựng từ năm 1936 và dòng họ Hoàng đã giao cho ông Thu quản lý, sử dụng để thờ phụng tổ tiên từ năm 1996.

Liên quan đến ngôi nhà này có một chuyện lằng nhằng nhưng vui vui. Cũng vào thời gian này, em trai ông Thu có một “lục mòi” (con nuôi) tên là T. đến sinh cơ lập nghiệp và làm hàng xóm với ông Thu. Hai nhà tiếp giáp nhau một khoảnh đất có tảng đá chìm rộng 33 mét vuông vốn là sân ngôi nhà cổ.

Năm 2000 xã Hoàng Văn Thụ đo đất làm “sổ đỏ”, hồi đó nhà thơ thường sinh sống tại thành phố Lạng Sơn nên không hề hay biết việc tảng đá vốn là sân nhà mình đã thành của nhà hàng xóm.

Năm 2003, nhà thơ Hoàng Trung Thu lên trụ sở UBND xã chơi và xem bản đồ thì phát hiện mình đã mất sân bèn hỏi cho ra nhẽ, nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có. Nhà thơ không chịu làm đơn khiếu kiện. Hai bên đơn đi thư lại đưa nhau lên tỉnh.

Cuối cùng, UBND tỉnh Lạng Sơn phải ra Quyết định về việc công nhận diện tích 33m2 đất thổ cư Phai Hin (thực chất là bề mặt tảng đá) cho ông Hoàng Trung Thu. Hai bên đã chấp hành quyết định cuối cùng này của tỉnh.

Câu chuyện tranh giành “tảng đá” coi như đã được giải quyết. Nhiều người bảo nhà thơ Hoàng Trung Thu là “gàn” vì mất đến mấy năm đi đòi một tảng đá. Nhưng nhà thơ giải thích, tôi muốn giữ ngôi nhà và cái sân đá y nguyên như thời cụ Hoàng Văn Thụ còn ở đây.

Trong ngôi nhà đá cổ kính ở làng Phạc Lan, nhà thơ Hoàng Trung Thu say sưa kể về thời niên thiếu và sự nghiệp hoạt động cách mạng của liệt sĩ Hoàng Văn Thụ đồng thời cho biết ông đang hoàn thành tập tiểu thuyết “Lời anh nhắn bạn” viết về Hoàng Văn Thụ.

Trong đó có chương nói về ngôi nhà cổ cũng như tảng đá rạn ghi dấu những năm tháng hoạt động của Hoàng Văn Thụ tại quê nhà có tựa đề “Hai bố con cùng xây nhà đá”.

Ngoài trời lất phất những cơn mưa cuối năm làm nhoè đi đỉnh núi Phai Hin. Những cánh đào phai nở đỏ báo hiệu một mùa xuân đã đến.

Xứ Lạng, cuối tháng 12/2007

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).