Tối nay, cầu truyền hình "Âm vang Trường Sơn":

Chuyện chỉ Trường Sơn mới có

Chuyện chỉ Trường Sơn mới có
TP - "Âm vang Trường Sơn" dài 150 phút phát sóng lúc 20 giờ trên TH Hà Nội. Năm điểm cầu là những địa danh nổi tiếng, kể lại huyền thoại, sự tích chiến tranh với nhiều nhân chứng và tình tiết thú vị.

Năm địa điểm cầu truyền hình thay đổi liên tục, cứ năm phút một nơi, gồm Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (Hà Đông - Hà Nội), sân bay Tà Cơn (Khe Sanh - Hướng Hoá - Quảng Trị), nhà giao tế Lộc Ninh (Bình Phước), Ngã ba Đông Dương (Ngọc Hồi - Kon Tum), Buôn Latho (Bản Đông - Techpone - Savanakhet).

Những câu chuyện và là bí mật chiến trường thú vị, chẳng hạn về những khẩu súng từng vượt Khe Hó cách đây 50 năm. Mỗi khẩu được bảo quản kỳ khu mới đủ tiêu chuẩn vào chiến trường: Quết đầy mỡ, quấn các dải vải như bó bột, quấn tiếp ba lớp giấy paraphin rồi cho vào một bao nilon dầy.

Buộc kỹ lại, cho tiếp vào một chiếc hộp tôn màu xanh và chuyển đi. Để thử nghiệm, bộ đội ta đem ngâm dưới sông Tô Lịch hơn tháng rồi mới chuyển vào Trường Sơn.

Lần nọ kiểm tra các trạm dọc tuyến đường Trường Sơn, ông Phước tới một kho xăng. Có một nữ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Điều lạ là thay vì chào chỉ huy thì cô gái ấy cứ ngồi cười.

Anh em kể cô ấy hay cười một mình, gặng hỏi nguyên do, cô cũng chỉ cười. Về sau mới biết cô gái ấy bị say xăng, gây phản ứng hiếm gặp như vậy là do dị ứng với mùi xăng.

Điều tra kỹ thì phát hiện một đoạn đường ống gần kho bị thủng, xăng rò rỉ ra ngoài, mùi hòa lẫn không khí khiến cô gái kia bị say.

(Câu chuyện của nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu Tổng cục hậu cần Mai Trọng Phước, về những đóng góp, hy sinh của bộ đội Trường Sơn).

Hoặc chuyện về đôi dép cao su của chiến sĩ giao liên Nguyễn Viết Sinh, sáu năm cùng anh in Những dấu chân trên dải Trường Sơn, Đá mòn mà đôi gót không mòn. Sáu năm liên tục khắp nẻo đường, bằng với chiều dài của một vòng trái đất.

Làng Latho thuộc Bản Đông, Savanakhet- điểm cầu tối nay, chính là điểm giao liên quen thuộc của chiến sĩ nay là Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Viết Sinh, người từng vận chuyển ngót 100 tấn vũ khí, lương thực cho bộ đội.

Nếu như ở Hà Nội và các thành phố khác, mục đích tối hậu của lực lượng phòng không là tiêu diệt máy bay địch càng nhiều càng tốt thì, ở Trường Sơn, việc bảo đảm an toàn cho các đoàn xe vận tải là tối quan trọng.

Vì thế trong chiến đấu, bộ đội Trường Sơn thường bắn ở tầm thấp, tạo một lớp màn bằng đạn  để ngăn máy bay địch tiếp cận và oanh tạc các đoàn xe vận tải.

Thực tế chiến trường đôi khi không tuân theo quy luật chiến đấu nên mới xảy ra những tình huống như, sau một trận đánh, bộ đội cao xạ được các binh trạm khen tặng vì đã bảo đảm an toàn cho cả một đoàn xe, song cấp trên lại khiển trách vì bắn tốn cơ số đạn quá lớn mà số máy bay địch bị tiêu diệt lại quá ít!

Nguyễn Lương Cảnh là người nổi tiếng khéo tay, vẽ đẹp ở Trường Sơn. Vì tài lẻ, anh được chỉ huy phân công vẽ tấm bản đồ chi tiết và tổng thể toàn bộ tuyến vận tải chiến lược của Trường Sơn.

Chiến sĩ Cảnh đã vẽ một tấm bản đồ tuyệt vời, chính xác, đủ mạng lưới dày đặc các con đường dọc ngang của Đông và Tây Trường Sơn giúp cho việc chỉ đạo vận hành của cấp trên.

Việc xong, tướng Đồng Sĩ Nguyên bắt xóa đi vẽ lại từ đầu. Vì nguyên tắc bảo mật, nếu tấm bản đồ rơi vào tay địch thì hậu quả khôn lường. Tối nay đại tá Cảnh sẽ kể lại ở điểm cầu Quảng Trị về công việc đặc biệt của mình, như việc ông đã phải phăng-te-di mỗi con số khoảng 10 km để đánh lạc hướng, khiến chỉ một số rất ít người đọc được tấm bản đồ như thế nào.

Còn nhiều nhân chứng và câu chuyện "chỉ Trường Sơn mới có", "Trường Sơn khi nắng khi mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình" khác nữa. Về những chiến sĩ anh hùng, cô gái thanh niên xung phong quả cảm.

Hoặc những đặc sản chiến trường như chiếc xe đạp thồ đầu tiên được đưa vào Trường Sơn - hiệu Favorit do Tiệp Khắc sản xuất; những tuyến đường kín chạy dài hơn 1.000 cây số, trên phủ năm tầng lá cây mà để giữ bí mật, tuyến đường chỉ mở 3,5m đủ cho xe đi một chiều, cứ 10 cây số lại tạo một đường nhánh để xe tránh nhau... Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù...

Xen kẽ chương trình là các tiết mục âm nhạc với những bài hát hay về Trường Sơn. Ca sĩ Lan Anh, Trọng Tấn, Hồng Vy, Tấn Minh thể hiện. Tiết mục đinh của chương trình, theo biên tập viên Ngô Thanh, là video clip Đồng đội ơi, sáng tác của cựu chiến binh Nguyễn Giang.

Video đầy xúc động này ghi hình khoảng 50 cựu chiến binh với 500 ngọn nến. "Nhiều anh chị em ở đài đã khóc khi xem video này"- biên tập viên và người dẫn chương trình Âm vang Trường Sơn cho biết. 

MỚI - NÓNG