Tiểu thuyết Việt Nam: Những chuyển động không nhỏ

Tiểu thuyết Việt Nam: Những chuyển động không nhỏ
TP - Trong các ngày từ 15 đến 18 tháng 10, tại Pháp  diễn ra Hội Sách Aix-en-Provence. Chủ đề của Hội sách năm nay là “Châu Á: Một tiểu thuyết thực sự”, với sự tham gia của 9 nhà văn châu Á.

Gồm: Bảo Ninh (Việt Nam), Kim Young-Ha (Hàn Quốc), Chart Korbjitti (Thái Lan), Lee Seung-U (Hàn Quốc), Li Ang (Đài Loan), Minaé Mizumura (Nhật), Yoko Tawada (Nhật), Thuận (Việt Nam),  Xu Xing (Trung Quốc).

Tiểu thuyết Việt Nam: Những chuyển động không nhỏ ảnh 1
Nhà nghiên cứu Đoàn Cầm Thi

Ngoài ra, ban tổ chức còn mời một nhà văn Pháp (Antoine Volodine) và 7 nhà nghiên cứu là Marcel Barang, Anne Bayard-Sakai, Noel Dutrait, Pit Goedert, Gérard Meudal, Sebastian Veg và Đoàn Cầm Thi (Việt Nam). 

Nhân dịp này, Tiền Phong  đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Đoàn Cầm Thi.

Chị đánh giá thế nào về chủ đề năm nay của ngày Hội Sách: “Châu Á: Một tiểu thuyết thực sự”?

Tôi xin trích lời giới thiệu của Ban tổ chức Hội sách: “Sự phong phú của nghệ thuật tiểu thuyết châu Á ghi khắc trong tính năng động của châu lục này cũng như trong truyền thống văn hóa của mỗi nước thành viên.

Những giọng văn mạnh mẽ đến với chúng ta lần này khẳng định tầm quan trọng của hình thái tiểu thuyết, giữa truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại. Và phải chăng trung tâm văn học đang rời Âu châu già cỗi để tiến dần về Á châu?”.

Tôi muốn chúng ta cùng dừng lại ở nhận định này: “Trung tâm văn học đang rời Âu châu già cỗi để tiến dần về Á châu”. Xin chị bình luận?

Văn học châu Âu không hoàn toàn già cỗi, ở đây còn nhiều tác giả nhiệt huyết tài năng. Nhưng có lẽ lời nhận định này là để nhắc khéo người ta (nhất là các vị thành viên – già cỗi – của Viện hàn lâm Thụy Điển ?) rằng không nên vì thế mà quên đi các châu lục khác, đặc biệt Á châu với những nền văn học khổng lồ như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...

Hội Sách năm nay, Việt Nam có hai đại diện được mời tham dự  là nhà văn Bảo Ninh và Thuận. Nếu như Bảo Ninh đã xác lập giá trị của mình từ hơn hai mươi năm trước (Nỗi buồn chiến tranh xuất bản đầu tiên năm 1987- PV) thì Thuận được coi như là một “nhân tố mới” của nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Chị có nhận xét gì về hai đại diện này của Việt Nam trong bối cảnh văn học đang khá phát triển ở trong nước, nhất là ở loại hình tiểu thuyết?

Theo tôi, Bảo Ninh và Thuận có thể được coi là hai gương mặt tiêu biểu cho tiến trình của tiểu thuyết Việt Nam trong vòng hai thập kỷ nay.

“Nỗi buồn chiến tranh” có thể coi là đỉnh cao nhất của văn học Việt Nam hậu chiến. Lần đầu tiên, cuộc chiến hiện lên một cách vô cùng bạo liệt, đau thương. Nhưng “Nỗi buồn chiến tranh” cuốn hút người đọc trên hết vì hoài bão của nó.

Viết về chiến tranh, nhưng tác phẩm của Bảo Ninh chạm đến những phạm trù rộng lớn khác: tình yêu, thời gian, ký ức, sáng tạo văn học. Tất cả hòa quyện vào nhau để tạo nên một tiểu thuyết cực kỳ phức tạp, nhiều tầng lớp, đa âm thanh.

Thời gian là một trong những sáng tạo lớn nhất của Bảo Ninh. Nó liên tục đổi chiều. Chiều thuận là chiều của sáng tạo: Người đọc chứng kiến tiến độ bản thảo của Kiên, nhân vật nhà văn.

Chiều nghịch là chiều của kỷ niệm: Chiến tranh luôn ám ảnh, quấy phá tâm trí Kiên, khiến anh vĩnh viễn sống cùng lúc giữa hai điểm của thời gian, quá khứ và hiện tại. Nhưng có lẽ dĩ vãng mang sức mạnh ghê gớm hơn cả: Ngay khi Kiên tiếp tục sống “những ngày tháng phía trước”, cuộc đời anh cho ta cảm giác như đang bị đẩy lùi, qua hình ảnh tuyệt đẹp về một “con thuyền bơi ngược dòng sông”.

Dường như một nghịch lý, Kiên ao ước là «nhà tiên tri những năm tháng đã qua đi, người báo trước thời quá khứ». Bấp chấp mọi qui luật, các đoạn đời đan xen pha trộn để cuối cùng biến thành những «vùng không gian mới», những «vùng quá khứ chưa từng có»: «Có vẻ như giờ đây anh lại một lần nữa bắt đầu yêu, một tình yêu mới một tình yêu khác nữa với Phương nhưng lẫn trong những trang chưa từng được giở ra của dĩ vãng. Và một cuộc chiến tranh khác.

Một thời buổi bão táp khác. Dưới một bầu trời khác của quá khứ». Tác phẩm của Bảo Ninh vì vậy là một thử nghiệm phi thường về ký ức cá nhân.

Tiểu thuyết này đã ra mắt độc giả Pháp năm 1994, qua bản dịch rất thành công của Phan Huy Đường, thường được coi là tiểu thuyết Việt Nam ấn tượng nhất. Giới nghiên cứu cũng xem đây như là một tác phẩm tầm cỡ thế giới về văn học chiến tranh, bên cạnh “Phía tây không có gì lạ” của Remarque.

Thuận, tác giả của năm tiểu thuyết, cũng được coi là khuôn mặt sáng giá của tiểu thuyết Việt Nam những năm gần đây. Xin nói thêm, Thuận cũng là một trong hai khách mời trẻ nhất của Hội Sách lần này.

Như Jean-Claude Pomonti nhận định trên báo Le Monde diplomatique, cô “thuộc về một thế hệ những người ít bị dấu ấn của bi kịch chiến tranh, tóm bắt cuộc sống – và thế giới – trong một cách nhìn không phải của những kẻ từng tham gia trực tiếp mặc dù họ cũng phải chịu hậu quả chiến tranh trong cuộc đời và trong máu thịt”.

Xuất hiện tại Pháp đầu năm nay, “Chinatown” được công chúng và giới báo chí Pháp chào đón như một trong những đại diện của các nhà văn trẻ Việt Nam. Các báo lớn như Le Monde diplomatique, Magazine Littéraire, L’Humanité, La Marseillaise đều chú ý đến phong cách viết độc đáo và không gian “mở” của tác phẩm này...

Augustin Trapenard trong “Magazine Littéraire” viết: “Một tỷ người Hoa. Và tôi. Và tôi. Và tôi”. Lời hát của Jacques Dutronc mang một âm điệu dịu dàng chua xót qua lời độc thoại nội tâm đầy táo bạo của một phụ nữ Việt Nam trẻ sống tại Belleville. Chinatown, từ thủa cô không biết là gì, đến nay đã trở thành số phận. Tiểu thuyết xóa nhòa ranh giới giữa thật và ảo. Đây đó người ta đọc thấy vài trích đoạn cuốn tiểu thuyết nhân vật chính đang viết, được gài vô cùng tài hoa trong một thế soi gương”.

Còn Jean-Marie Dinh viết trên “La Marseillaise”: “Kết dính các khái niệm về quốc gia, ngôn ngữ và lãnh thổ, tác giả khảo sát phía bên trong đầy bí mật của tinh thần lưu vong. “Chinatown” bộc lộ một cái nhìn về phương Tây sau chiến tranh lạnh.

Thế giới từ nay sẽ được phân chia một cách hoàn toàn khác, nhưng đâu sẽ là trung tâm, đâu sẽ là ngoại biên ? Với “Chinatown”, chúng ta đang ở rất xa mùi đu đủ xanh và các hương vị gỗ hiếm, bởi Thuận đã cắt đứt sợi dây bảo hiểm an toàn của truyền thống”.

Chị nhìn nhận thế nào về sự chuyển động của nghệ thuật tiểu thuyết Việt Nam trong hai chục năm trở lại đây?

Tôi cảm giác là đang có một chuyển động không nhỏ trong tiểu thuyết Việt Nam. Sau một thời gian nhường sân cho truyện ngắn, hình như hình thái này lại trở về, trẻ hơn, phong phú hơn.

Gần đây, ngoài các cây bút đã thành tên tuổi như Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Thuận,… tôi thấy xuất hiện tiểu thuyết của một số tác giả trẻ rất đáng chú ý như Trần Nhã Thụy, Vũ Phương Nghi, Phan Việt, Đặng Thiều Quang, Nguyễn Đình Tú...

Tôi đặc biệt thích thú cuốn “Tiếng người” của Phan Việt và “Chuyện lan man đầu thế kỷ” của Vũ Phương Nghi. Ở những tác phẩm này, tôi đọc được những câu hỏi quyết liệt của các nhà văn sinh ra sau chiến tranh về thế hệ họ, một thế hệ chiếm phần đông dân số Việt Nam và đang tìm cho mình một tiếng nói riêng. Khác lớp đàn anh, họ có một hành lý (ngôn ngữ, văn hóa, địa lý) nặng ký hơn, cồng kềnh hơn, và vì vậy cách đặt vấn đề cũng phức tạp hơn.

Tiểu thuyết của Phan Việt là vô vàn những cuộc hành trình xóa nhòa các giới hạn, đi tìm thứ “khao khát và ham muốn như một tầng dưới của hạnh phúc, bất chấp hạnh phúc chứ không phải vì không có hạnh phúc”.

Còn tác phẩm của Vũ Phương Nghi mô tả thế giới (không hoàn toàn) ảo của internet, trong đó những kẻ bị xã hội coi là kém “hoạt bát trong giao tiếp”, thậm chí “chậm trưởng thành” lại là những “công dân mạng” đầy năng động. Một thế hệ dường như cô đơn giữa một thế giới toàn-cầu-hoá chăng?

Những chuyển động này rõ ràng như những tín hiệu lạc quan về sự vận động của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Hội Sách Aix-en-Provence

Là một Hội Sách thường niên có uy tín của Pháp và châu Âu, có tham vọng giới thiệu với độc giả Pháp những nền văn chương giàu có và đa dạng bên ngoài nước Pháp.

Chỉ cần đưa ra một số tên tuổi được mời những năm trước, đủ thấy được tầm cỡ của nó: Philip Roth, Tony Morrison, V.S. Naipaul, Gunter Grass, Salman Rushdi, Kenzaburo Ôé, Mạc Ngôn...

Phong Điệp
Thực hiện

MỚI - NÓNG