3 năm lỗ gần 30 tỷ, lương nghệ sỹ Hãng phim trả không theo nguyên tắc nào

Đạo diễn, diễn viên Nguyễn Quốc Tuấn nói rằng nghệ sỹ đấu tranh không chỉ vì lương, họ muốn có việc làm. Ảnh: Bảo Hân
Đạo diễn, diễn viên Nguyễn Quốc Tuấn nói rằng nghệ sỹ đấu tranh không chỉ vì lương, họ muốn có việc làm. Ảnh: Bảo Hân
TPO - Y hẹn, nhà đầu tư chiến lược Tổng công ty Vận tải thuỷ gặp gỡ và đối thoại hơn ba tiếng đồng hồ với nghệ sỹ Hãng phim truyện Việt Nam chiều 19/9. Nhiều vấn đề nóng như lương, thái độ ứng xử với nghệ sỹ, chiến lược làm phim sau khi đôi hồi hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Đạo diễn, viên viên Nguyễn Quốc Tuấn (Những người sống bên tôi), quay phim Vũ Quốc Tuấn thắc mắc về phát ngôn của ông Nguyễn Danh Thắng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Đầu tư và Phát triển Hãng phim truyện Việt Nam rằng “chỉ 20 người làm việc”, dù hãng phim 80 người. Công ty cam kết sẽ được trả lương cho cán bộ công nhân viên đầy đủ với mức bình quân 4.800.000 đồng/tháng, nhưng tháng 8 tạm ứng người có người không, không dựa trên bất cứ nguyên tắc nào.

Ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Cty Vận tải thuỷ, Uỷ viên Hội đồng Quản trị Cty CP Đầu tư và Phát triển Hãng phim truyện Việt Nam giải thích: “Hãng phim truyện Việt Nam năm 2015 lỗ hơn 7 tỷ, 2016 lỗ 15 tỷ, 6 tháng 2017 lỗ 4,7 tỷ đồng. Ban lãnh đạo không nói không trả lương, chúng tôi không thiếu tiền trả lương. Nhưng trả lương thế nào, cơ chế làm sao. Các đồng chí bức xúc là đúng vì các đồng chí sống ở thời bao cấp. Các đồng chí cây đa cây đề đang còn ở đây, có những người hai, ba năm chưa làm bất cứ gì nhưng vẫn được đóng bảo hiểm, trả lương và được dành phòng làm việc”.

3 năm lỗ gần 30 tỷ, lương nghệ sỹ Hãng phim trả không theo nguyên tắc nào ảnh 1 Cách trả lương của Vận tải thuỷ bị phản ứng vì đi trái lại cam kết trước khi cổ phần hoá. Ảnh: Bảo Hân
“Nguyên tắc trả lương có làm có hưởng, không làm không hưởng. Hai tháng sau cổ phần chúng tôi chưa có căn cứ nhưng vẫn trả như trước cổ phần, nhưng sau cổ phần rồi phải công bằng. Bảo vệ, kế toán họ nhận lương vì ngày nào họ cũng làm việc. Riêng đội ngũ đạo diễn, biên kịch chúng tôi đã họp rồi. Tôi không điên bắt họ làm việc 8 tiếng/ngày, nhưng nói thế không có nghĩa không có sản phẩm. Các anh muốn làm chúng ta cùng làm, không có vốn tôi cho vay, tạm ứng, mượn nhà xưởng trang thiết bị. Biên kịch phải đưa kịch bản để chúng tôi xem có sản xuất được không, có ai mua không. Đấy là tạo việc. Có những người viết bao năm chưa có kịch bản nào, đạo diễn cũng vậy có người mấy năm không làm bộ phim nào. Chúng tôi không thể làm phim vài chục tỷ chỉ vài người xem”, ông Nguyên nói.

Ông Nguyên lấy ví dụ đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn từ 2012 đến nay không có phim nào. Anh Tuấn phản ứng, cho rằng đạo diễn Vương Đức “thích cho ai thì cho, có phim nào giành lấy để làm rồi”. Thực tế Hãng phim truyện có 10 đạo diễn, nhưng tỷ lệ phim đặt hãng mỗi năm 1-2 phim và hai năm nay chưa có dự án nào được đầu tư. Là người có ý kiến khá muộn, NSND Nguyễn Thanh Vân nói lại cho rõ rằng cần xem 20 người bên Vận tải thuỷ nói rằng đang làm việc có đóng góp thế nào vào sự phát triển của Hãng phim. Đạo diễn Thanh vân nói thêm, bộ phim “Sống cùng lịch sử” làm hết 21 tỷ đó thực ra mang lại số tích luỹ 70 tỷ đồng để nuôi bộ máy của hãng trong vài năm. “Đạo diễn không thể nào năm nào cũng làm phim, hơn nữa nhiều người có lòng tự trọng họ ra ngoài làm không nhận lương ở hãng”, NSND Thanh Vân phản ứng.

Nhiều câu hỏi xung quanh cơ chế trả lương, mức độ tạm ứng mỗi người mỗi khác. Quay phim Vũ Quốc Tuấn thắc mắc, tại sao bốn người trong phòng quay phim có đi làm, có tới cơ quan nhưng không được tạm ứng. Lãnh đại Vận tải thuỷ yêu cầu Phó Giám đốc Tuấn Anh trả lời, nhưng ông Tuấn Anh không đưa ra bất cứ lời giải thích nào. Ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị nói rằng mức tạm ứng tháng 8 dựa vào bảng kê lương chi tiết, tuy nhiên điều này chưa thuyết phục nghệ sỹ.

Ông Nguyễn Thuỷ Nguyên cho rằng sẽ trả lương sao cho không vi phạm luật lao động, nhưng nghệ sỹ rất hoang mang vì công ty bắt họ tự tìm việc, tự nuôi sống bản thân. Tuy nhiên điều mâu thuẫn nhất là kế hoạch sản xuất phim đặt ra trong ba năm liên tiếp mỗi năm chỉ 2 phim, không đủ công ăn việc làm cho nghệ sỹ, cán bộ công nhân viên. Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn nói, lương chỉ là chuyện nhỏ, điều quan trọng hơn nghệ sỹ đấu tranh để được cống hiến và sáng tạo.

NSND Nguyễn Thanh Vân: “Về chuyện sẵn sàng làm phim cho làng xã, tôi cho rằng một ông chủ có tầm vóc của Hãng phim truyện Việt Nam, những thứ như thế chỉ là yếu tố rất phụ. Định hướng chính phải tìm kiếm các nhân tố trong và ngoài hãng, xây dựng hệ thống dài hơi cho phim truyện, truyền hình ít nhất trong 5 năm. Thậm chí họ phải cân bằng được phim thị trường, nghệ thuật-phim nghệ thuật được giải cao tác động tới thương hiệu để kêu gọi nhà đầu tư. Họ muốn có sự cộng tác, chung sức thì trước hết phải đảm bạo độ xác tín, thực hiện các cam kết trước khi trở thành nhà đầu tư chiến lược”.

MỚI - NÓNG