Thanh Thủy 'phá' đàn tranh

Nghệ sĩ đàn tranh Thanh Thủy Ảnh: Anh Phương
Nghệ sĩ đàn tranh Thanh Thủy Ảnh: Anh Phương
TP - Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy (giải Nhất và giải Diễn tấu Nhạc Cổ truyền hay nhất cuộc thi Tài năng Trẻ đàn tranh toàn quốc 1998) vừa phát hành đĩa nhạc thứ hai 'Ngẫu hứng tranh' với nghệ sĩ Đan Mạch Jakob Riis.
Nghệ sĩ đàn tranh Thanh Thủy Ảnh: Anh Phương
Nghệ sĩ đàn tranh Thanh Thủy. Ảnh: Anh Phương.

6 bản nhạc trong đĩa đều là kết quả của những phút giây ngẫu hứng. Ngay trước khi thu, hai nghệ sĩ không biết trước sẽ chơi những gì. Một người dùng đàn tranh, một người dùng máy tính, tương tác. Âm thanh đàn tranh chạy vào máy tính của Jakob, qua phần mềm, chạy ra thành một âm thanh khác.

Đồng thời, Thủy liên tục đối thoại với các âm thanh vừa phát ra từ máy tính... Họ bắt đầu và kết thúc theo cảm giác. Thấy đủ thì dừng. Những đoạn nhạc đã thu xong cũng theo cảm giác mà đặt tên: Lấp lánh, Mưa, Khô, Đất, Mỏng, Vọng - để người nghe dễ phân biệt và cảm nhận.

Thủy và Jakob gặp nhau lần đầu năm 2009 tại chương trình Gặp gỡ Nhạc mới tại Hà Nội. Đầu năm sau, họ cùng nhà nhiếp ảnh Đặng Hào (phu quân của Thanh Thủy) trình diễn sắp đặt ngẫu hứng âm nhạc - nhiếp ảnh tại Đan Mạch và Thụy Điển. Sau đó, Thủy và Jakob vào phòng thu hai ngày và kết quả là đĩa Ngẫu hứng tranh.

Âm nhạc trong đĩa chắc chắn cũng sẽ thay đổi hình dung về đàn tranh của người nghe. Vì bản thân người chơi đàn cũng không quan tâm đàn tranh là gì nữa. Thủy đánh đàn ở cầu bên trái, vừa chạm dây vừa gõ cầu đàn, đánh cả dưới gầm, trong hộp đàn. “Chơi nhạc mới khoái hơn. Giống như lâu nay mình đang trong khuôn phép, giờ được thoải mái, phá bỏ mọi biên giới”- cô tuyên bố.

Thủy cho hay, các cộng sự nước ngoài thường khâm phục khả năng ngẫu hứng của nhạc công Việt Nam. Mấy ai biết khả năng đó bắt nguồn từ truyền thống. “Trong nhạc truyền thống Việt Nam, ngẫu hứng là một mảng rất lớn, không phải mới mẻ gì”, Thủy cho hay. “Cùng một bản đàn, các nghệ nhân đánh không lần nào giống lần nào”.

Tuy nhiên, mảng ngẫu hứng không hề nằm trong chương trình giảng dạy của khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Việt Nam, nơi Thủy làm giảng viên. Thủy là một trong hai giảng viên ở khoa tự trang bị cho mình khả năng chơi ngẫu hứng. Nghệ sĩ kia là Trà My- đàn bầu. Họ là hai gương mặt quen thuộc trong các dự án âm nhạc đương đại quốc tế ở Hà Nội.

Thanh Thủy từng tham gia dự án Đại - Lâm - Linh từ lúc khởi thủy đến giờ. Cô cho biết cảm giác khi cùng Đại - Lâm - Linh đứng trên sân khấu Bài hát Việt mà không được khán giả cổ vũ: “Tôi thấy phản ứng của khán giả hoàn toàn bình thường. Bình luận của khán giả đúng nhưng đúng ở góc độ của họ. Khán giả nói thì mình lắng nghe, nhưng chẳng tác động gì cả. Chúng tôi đều biết mình có thể làm tốt hơn nữa. Mọi người nghĩ Đại - Lâm - Linh phá phách nhưng với tôi, thế chưa có gì là phá phách cả. Vài hành động kỳ quặc của ca sĩ trên sân khấu có đáng kể gì đâu. Khán giả Việt Nam ít tiếp cận những thứ thực sự phá phách, nên hơi sốc”.

Xuất hiện vào tháng 11 tới, âm nhạc của Đại - Lâm - Linh sẽ còn khác nữa. Phần nhạc đệm, đặc biệt là đàn tranh do Thủy phụ trách sẽ mang tính ngẫu hứng nhiều hơn.

Tới đây, Thủy và một số nghệ sĩ theo đuổi âm nhạc mới tại Hà Nội lập nhóm ngẫu hứng, ra mắt bằng chương trình biểu diễn và CD.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.