Người giữ bức tranh của Lê Phổ là ai?

Người giữ bức tranh của Lê Phổ là ai?
TP - Tranh của cố danh họa Lê Phổ có thể ví như một “gia tài”. Chúng được định giá ngất ngưởng trong các cuộc đấu giá tranh quốc tế, có mặt trong bảo tàng mỹ thuật của nhiều quốc gia. Gần đây, có một bức tranh sơn mài của Lê Phổ được phát hiện. Đặc biệt người nắm giữ “báu vật” lại là một cán bộ hưu trí của Hà Nội.

Từ “Nhất phàm phong thuận” tới “Kim Vân Kiều”

Bức tranh có tên “Kim Vân Kiều”, khắc họa nội dung hai câu thơ Nguyễn Du: “Chàng Vương quen mặt ra chào- Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”. Người may mắn sở hữu “Kim Vân Kiều” chính là ông Vũ Toán, một quan chức ngành ngân hàng đã nghỉ hưu, cũng là một người chơi cây cảnh có tiếng.

Vũ Toán kể: Có người nước ngoài đã tìm đến hỏi mua “Kim Vân Kiều”. Ông đáp: “Tranh được tặng không bán. Anh lại ở tận Paris, anh mang tranh đi thì hết, chẳng lẽ người Việt Nam chúng tôi không biết thưởng thức nghệ thuật hay sao?”.

Ông không phải một nhà sưu tầm tranh chuyên nghiệp, chỉ là người yêu tranh, thích tranh. Trước đây, Vũ Toán treo trong phòng khách bức tranh được ghép bằng tre. Người bạn tâm đầu ý hợp của ông, Lê Quang Chức- Chủ tịch hội sinh vật cảnh Nam Định, đồng thời là Chủ tịch Hội cổ vật Thiên Trường Nam Định, đến chơi thấy vậy lắc đầu: “Phòng đẹp thế này mà ông lại treo bức tranh kia, không xứng. Để tôi về kho của tôi tìm cho ông một bức”.

Lê Quang Chức sở hữu nhiều cổ vật quý, những bức tranh cổ được ông cất vào kho. Bức tranh đầu tiên nhà sưu tầm cổ vật tặng Vũ Tóan có tên “Nhất phàm phong thuận” (được dịch: Một cánh buồm thuận gió). Bây giờ “Nhất phàm phong thuận” được treo ở một nơi trang trọng trong phòng khách.

Vũ Toán bảo: “Khi ông ấy tặng tôi bức tranh chưa được thế này do vướng bụi thời gian. Tôi gặp chuyên gia bảo tồn, bảo tàng, họ đưa cho tôi một loại thuốc tẩy. Tôi tẩy mất hai ngày trời, bức tranh trở nên sạch và sáng, trông rõ hai ông tiên, các nét vẽ cũng rõ”. Bước tiếp theo Vũ Toán tìm cách “giải” những chữ cổ trên bức tranh. Việc này ông phải tìm đến thầy dạy thư pháp 83 tuổi. Nội dung những chữ cổ cho biết nguồn gốc và thời gian ra đời của bức tranh, khoảng năm 1717, dưới thời Khang Hy.

Vũ Toán gửi phần dịch chữ cổ trên tranh về Nam Định cho Lê Quang Chức. Quang Chức cảm kích trước tinh thần và thái độ của Vũ Toán trước món quà tặng. Ông nói với bạn: “Chính ông đã nâng giá trị bức tranh lên 20, 30 lần” và cất công sưu tầm, tặng tiếp người bạn của mình bức tranh thứ hai. Đó chính là bức tranh gây ồn ào dư luận: “Kim Vân Kiều” của cố danh họa Lê Phổ.

Một tình bạn đẹp

Giống như “Nhất phàm phong thuận” của Trung Quốc, Kim Vân Kiều của Lê Phổ cũng là một bức tranh sơn mài nhưng cầu kỳ hơn ở chất liệu và kỹ thuật. Vũ Toán khẳng định: Bức tranh có kích cỡ 1,5m x 0,8m ( chứ không phải 1,2m x 0.7m như có thông tin đã đưa). “Kim Vân Kiều” được khảm bằng ngà voi, ngọc và vàng. Yên ngựa, mặt Vương Quan, áo Thuý Kiều… được làm bằng ngà. Áo Thuý Vân, váy Thuý Kiều, áo Vương Quan, quần Kim Trọng, thân ngựa, làm bằng đá ngọc phách và ngọc bích. Không chỉ thế, lá tùng còn được khảm bằng vàng. “Kim Vân Kiều” cũng được treo trang trọng trong phòng khách của Vũ Toán.

Ông Vũ Toán và bức tranh quý
Ông Vũ Toán và bức tranh quý.

Tò mò hỏi Vũ Toán vì sao ông Lê Quang Chức lại có bức tranh quí này. Ông cho biết ban đầu bức tranh thuộc về một gia đình thượng thư bộ Lễ của triều đình Huế thời Bảo Đại, có gốc Nam Định. Sau đó vật quý theo gia đình về thành Nam và cuối cùng đã về tay nhà sưu tập Lê Quang Chức. Nhân dịp kỷ niệm 245 năm ngày sinh và 190 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du, Vũ Toán được nhà sưu tập tặng “Kim Vân Kiều”.

Lại hỏi ông, trong các cuộc đấu giá tranh quốc tế, các tác phẩm mang tên Lê Phổ rất đắt giá, bức sơn dầu “Thiếu nữ hái hoa” được định giá trên 300 ngàn USD, bức “Cho chim ăn” từng được bán với giá 100 ngàn USD, còn những bức tranh khổ nhỏ của ông cũng có giá từ 6- 8 ngàn USD, ông có ý định bán “Kim Vân Kiều” không?

Vũ Toán kể: Có người nước ngoài đã tìm đến hỏi mua “Kim Vân Kiều”. Ông đáp rằng: “tranh được tặng không bán. Anh lại ở tận Paris, anh mang tranh đi thì hết, chẳng lẽ người Việt Nam chúng tôi không biết thưởng thức nghệ thuật hay sao?”. Vị khách nước ngoài đành rút lui và xin phép: “Hôm nào tôi sang Việt Nam, ông cho tôi được ngắm tranh nhé”.

Vũ Toán còn dặn tôi, đừng đưa địa chỉ nhà ông lên báo, ông rất ngại những cuộc gọi đến để năn nỉ mua tranh, khi ông không bán nhiều người đã tỏ ra khó chịu. Băn khoăn: “Biết đâu Kim Vân Kiều không phải là tác phẩm của Lê Phổ?”. Vũ Toán chỉ cho tôi chữ ký Lê Phổ ở một góc của bức tranh: “Chúng tôi đã đi giám định chữ ký rồi. Chắc chắn của Lê Phổ”.

Từ ngày tặng tranh cho Vũ Toán, tuy chưa đầy năm nhưng Lê Quang Chức cũng đã lên ngắm tranh hai lần. Vũ Toán thỏa thuận với Lê Quang Chức: “Tôi giữ bức tranh này ở đây để mọi người được thưởng ngoạn, lúc nào ông muốn tổ chức triển lãm, ông cứ lên đây lấy tranh trưng bày, rồi sau đó ông muốn giữ lại cũng được”. Nhà sưu tầm nói: “Tôi tặng ông. Nó thuộc sở hữu của ông. Nếu trưng bày mà cần bức tranh thì tôi lên mượn, tôi có trách nhiệm bảo quản và gửi lại”.

Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi còn có con trai của ông Lê Quang Chức, một nghệ nhân cây cảnh lâu năm. Anh cho biết, hai gia đình đã đi lại với nhau nhiều năm nay rồi. Anh đã nhận Vũ Toán là bố nuôi. Tại cuộc trưng bày cây cảnh nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tại Hà Nội, gia đình ông Lê Quang Chức tham gia nhiệt tình. Tan cuộc trưng bày có cây 140 năm tuổi, được trả giá 150 triệu nhưng ông Lê Quang Chức không bán, lại mang tặng Vũ Toán. Ông hẹn tôi hôm nào quay trở lại cùng ngắm tranh, ngắm cây và ngâm Kiều. Vũ Toán thuộc làu truyện Kiều từ xuôi đến ngược.

Danh họa Lê Phổ (1907-2001) - thuộc nhóm sinh viên “tinh hoa” của khoá đầu tiên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông được coi là bậc thầy của trường phái hậu ấn tượng. Lê Phổ chính là người vẽ chân dung Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, trang trí nội cung hoàng thành Huế năm 1935. Các tác phẩm của ông luôn được các nhà sưu tập và kinh doanh tranh quốc tế ưu ái.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG