Một mình một bể… rối nước

Một mình một bể… rối nước
TP - Sân khấu nhỏ gọn, có thể tháo lắp dễ dàng, những con rối mini… là tất cả những gì “phù thuỷ” Phan Thanh Liêm cần để mang rối nước ra thế giới, len lỏi tới những vùng xa xôi và mang sân khấu vào… nhà.

> Rối có nên cứ ở ao làng?

Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.
 

Không đi lối mòn

Phan Thanh Liêm sinh ra trong một gia đình 7 đời mê mải với rối ở Nam Định. Cha anh, nghệ nhân nổi tiếng Phan Văn Ngải, người làm ra chú Tễu hiện được trưng bày ở bảo tàng Louvre (Pháp), ông cũng là cha đẻ của sân khấu thuỷ đình lưu động trong múa rối nước. Gia đình anh đã từng tiên phong lập đoàn rối nước tư nhân mang tên Song Ngọc. Khi còn đang công tác tại Viện Sân khấu, Phan Thanh Liêm luôn trăn trở làm sao để nghệ thuật rối nước tới gần hơn nữa với công chúng thưởng thức.

Cách đây chục năm có dịp tham gia một vài triển lãm, anh chỉ giới thiệu cái bể con con cùng vài con rối nhỏ, thế mà được thích. Từ đó, Thanh Liêm từ bỏ công việc nghiên cứu, dành toàn bộ sức lực và tâm huyết cho ra đời sân khấu múa rối của riêng mình.

Thay vì cần một dàn diễn viên điều khiển nhân vật rối, với sân khấu nhỏ này, chỉ cần nghệ sỹ độc diễn. Ý tưởng táo bạo của anh gây ngỡ ngàng cho nhiều người, trong đó có cả người cha nổi tiếng. Nhưng qua thời gian anh đã chứng minh, hướng đi của mình là đúng. Muốn thành công người nghệ sỹ không thể đi theo lối mòn.

10 năm qua, Phan Thanh Liêm đã mang rối nước chu du nhiều nước trên thế giới.Tháng 4-2008, anh đã được tổ chức múa rối thế giới UNIMA kết nạp làm thành viên. Mới trở về từ đất nước mặt trời mọc, Phan Thanh Liêm khoe đã diễn 16 suất trong 15 ngày tại 10 thành phố, với các trò rối quen thuộc như múa rồng, múa sư tử, cày bừa… đem lại niềm vui cho những con người vừa trải qua thảm hoạ.

Thắc mắc với anh: “Có khi khán giả nước ngoài còn được thưởng thức múa rối nước nhiều hơn khán giả mình?”. Anh kể, với mô hình sân khấu giản tiện như hiện nay, có thể biểu diễn rối nước ngay tại gia đình, nếu nhận được đề nghị. Sân khấu của anh là chiếc bể hình bán nguyệt, làm bằng chất liệu gỗ và tôn, tháo lắp được, chiều ngang chừng 3 m, dài trên 3m. Như vậy, không cần diện tích quá rộng cũng vẫn làm được sân khấu rối nước.

Đây cũng là hình thức tiết kiệm nước sạch, chỉ cần vài khối nước, rối đã có thể bơi. Ngay tại nhà anh, vẫn diễn ra các cuộc độc diễn cho khách du lịch thưởng thức. Anh cũng đã đến nhiều trường học phục vụ khán giả nhí. Cuối buổi diễn anh thường dành thời gian hướng dẫn các bé làm quen với rối nước.

Phan Thanh Liêm cho rằng: Nghệ thuật múa rối nước rất hấp dẫn thiếu nhi. Tình yêu môn nghệ thuật dân tộc được hun đúc từ thơ bé thì sức sống sẽ lâu bền.

Thoáng buồn, Phan Thanh Liêm kể câu chuyện về hai cậu con trai: “Cậu út mới ba tuổi đã mê rối, thích chơi với rối, đòi vẽ, đòi sơn rối. Cậu cả, năm nay học lớp 6. Ngày trước, cũng thích múa rối lắm nhưng một lần ở lớp học, cô giáo hỏi các học trò về nghề nghiệp của cha mẹ. Con trai tôi “khai”: Bố em làm rối. Cô giáo bật cười, cả lớp cùng cười theo, cậu bé tự ái và ghét rối từ đó”.

Phan Thanh Liêm làm con rối
Phan Thanh Liêm làm con rối.
 

Độc diễn không cô độc

Độc diễn có những khó khăn. Vì sân khấu nhỏ, thế ngồi chật hẹp, mùa hè nóng bức là một thử thách với người nghệ sỹ: “Nóng khủng khiếp, mồ hôi nhễ nhại, không thể chịu được, nếu không say nghề". Mùa đông phải vượt qua buốt giá. Nhưng chưa bao giờ Phan Thanh Liêm từ chối biểu diễn chỉ vì sự khắc nghiệt của thời tiết.

Thoáng buồn, Phan Thanh Liêm kể câu chuyện về hai cậu con trai: “Cậu út mới ba tuổi đã mê rối, thích chơi với rối, đòi vẽ, đòi sơn rối. Cậu cả, năm nay học lớp 6. Ngày trước, cũng thích múa rối lắm nhưng một lần ở lớp học, cô giáo hỏi các học trò về nghề nghiệp của cha mẹ. Con trai tôi “khai”: Bố em làm rối. Cô giáo bật cười, cả lớp cùng cười theo, cậu bé tự ái và ghét rối từ đó”.

 

Diễn một mình, công sức bỏ ra nhiều. Phải thao tác nhanh bởi phải chuyển liên tục từ trò này sang trò khác, không ai thay thế. Nếu nghệ sỹ múa rối ở các sân khấu lớn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đồng nghiệp, thì một tay Phan Thanh Liêm phải “chỉ đạo” rối làm trò.

Có khi anh điều khiển 8 con rối cùng một lúc. Cũng không có bộ phận hậu đài hỗ trợ như ở nhà hát, anh kiêm luôn cả việc tháo, lắp, dàn dựng sân khấu. Kết thúc buổi diễn “đồ nghề” hỏng chỗ nào, lại tự sửa chỗ ấy. Mỗi lần dịch chuyển sân khấu, cũng là một lần anh toát mồ hôi mang vác từ nhà, xuyên qua ngõ ngách mới ra đến đường, đưa lên phương tiện vận chuyển tới nơi biểu diễn.

“Phù thuỷ rối nước” mong được trình diễn “phép thuật” ở nhiều nơi xa xôi hẻo lánh trên đất nước mình. Điều đó không dễ đối với một kẻ tự bơi trong nghệ thuật như anh. Phan Thanh Liêm từng đưa độc diễn rối nước vào Quảng Bình, chuyến đi tuy vui nhưng vất vả. Dẫu đã ép được sân khấu từ 5 tấn xuống 100kg thì khâu vận chuyển đạo cụ, thuê thêm một vài người hỗ trợ, cũng là cả vấn đề.

Đến bây giờ anh vẫn nhớ chuyến đi Ý biểu diễn, gửi đạo cụ qua đường hàng không, suýt thất lạc, sắp đến giờ diễn đồ mới đến nơi, khiến anh một phen lao đao lo lắng. Anh đang cố gắng tìm cách biến sân khấu gọn nhẹ hơn nữa, như thay chất liệu gỗ nặng nề bằng một chất liệu khác tiện ích hơn.

“Độc diễn, có bao giờ anh thấy cô độc?”, tôi hỏi anh. Anh trả lời: “Không sao, vui lắm, vì lúc nào khán giả cũng yêu thích. Nhất là các em nhỏ. Được thấy nụ cười của các em là quên hết mệt nhọc”. Giá cả thị trường leo thang không tác động nhiều tới “cát- xê” của “phù thuỷ”. Anh không làm giá, cũng không đóng khung, trả hơn hay trả kém tuỳ thuộc nhiều vào khả năng và tấm lòng của “thượng đế”, nhưng cao nhất cũng chỉ vài triệu đồng cho một buổi diễn.

Thèm được cạnh tranh

Một mình trên sân khấu
Một mình trên sân khấu.
 

Thanh Liêm mong có nhiều “đối thủ” để cạnh tranh lành mạnh: “Dự các festival ở nước ngoài, tôi thấy tư nhân làm nghệ thuật nhiều lắm”. Anh không có ý định đăng ký bản quyền độc diễn rối nước: “Mình làm không phải để giữ cho mình, mình muốn làm để nhân rộng ra phục vụ cho cộng đồng và bảo tồn văn hoá được tốt hơn”. Nếu ai đó sử dụng mô hình đặc biệt này, anh cũng không có ý định thu “lệ phí” bản quyền. Chỉ cần người sử dụng tôn trọng đừng “nhận vơ” làm “cha đẻ” của độc diễn rối nước là được, anh không đòi hỏi gì thêm.

Ngoài biểu diễn, Thanh Liêm có làm thêm, nhưng tất cả đều quay quanh con rối. Thí dụ, anh làm rối bán cho Nhà hát múa rối Thăng Long và bán cho các cửa hàng. Ở mặt này anh cũng được đánh giá có “bàn tay vàng”. So với một số đồng nghiệp ở bộ môn nghệ thuật truyền thống khác thì nghệ sỹ múa rối nước có thu nhập tạm ổn cho đời sống áo cơm nhưng còn xa mới thoả mãn giấc mơ nghệ thuật của họ.

“Phù thuỷ” vẫn ao ước có một địa điểm hợp lý để rối nước chạm đến đông đảo khán giả hơn nữa. Đã 10 năm trên con đường độc diễn, anh cũng muốn được ghi dấu bằng một chương trình công phu nhưng “ca sỹ nổi tiếng tìm tài trợ cho liveshow còn khó, huống chi là một nghệ sỹ múa rối như tôi”.

Tuy vậy sắp tới “phù thuỷ” quyết tâm bỏ một phần tiền túi để làm dự án về vấn đề văn hoá giao thông. Hiện nay, anh đã có trong tay kịch bản, khoảng cuối tháng 10 sẽ trình diễn trên một sân khấu lớn. Đó là buổi diễn miễn phí.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG