Nhuệ Giang và 'Tâm hồn mẹ'

Đạo diễn Nhuệ Giang
Đạo diễn Nhuệ Giang
TP - 'Tâm hồn mẹ' của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang hoàn thành sau gần chục năm ấp ủ, là một trong những điểm sáng của LHP Việt Nam lần 17 sắp tới.
Cảnh phim “Tâm hồn mẹ”
Cảnh phim “Tâm hồn mẹ”.
 

“Tâm hồn mẹ” là một trong 2 phim chưa ra mắt khán giả trong số dự LHP Việt Nam sắp tới, chị kỳ vọng gì ở đứa con tinh thần?

Chẳng riêng tôi, ai đi thi đều có kỳ vọng riêng. Bởi đó là tác phẩm lao động nghệ thuật nghiêm túc để phim đạt chất lượng cao. Tuy chưa ra mắt khán giả trong nước nhưng đầu tháng này tôi tham gia chương trình chiếu phim ở 6 trường đại học Mỹ.

Điều gì ở truyện ngắn “Tâm hồn mẹ” của Nguyễn Huy Thiệp hấp dẫn chị?

Tác giả có ý tưởng về một bản năng rất mạnh của đàn bà có ngay từ một đứa bé- bản năng muốn chăm sóc, yêu thương người khác. Tôi thích ý tưởng đó, vì đó là khám phá về đàn bà mà ai cũng biết ở phía người lớn, nhưng đặc biệt hơn khi ở một đứa bé.

Phim khác truyện nhiều, bởi tôi chỉ lấy ý tưởng, câu chuyện phải xây dựng lại toàn bộ: Phim có thêm nhân vật người mẹ (Hồng Ánh thủ diễn) và lái xe- người tình. Phim phải có đời sống các nhân vật, mở rộng ý tưởng xã hội. Bối cảnh đời sống của nhân vật là ở bãi giữa sông Hồng, người mẹ buôn bán hoa quả dưới chân cầu Long Biên.

Đạo diễn Nhuệ Giang
Đạo diễn Nhuệ Giang.
 

Chị chọn đời sống nhân vật là người bán hoa quả, gắn với bãi giữa sông Hồng vì đâu?

Đầu tiên là vấn đề xã hội tôi muốn gắn vào phim, đó là cuộc sống của những người lao động ở chợ Long Biên Hà Nội, những người lao động dưới đáy xã hội. Chợ Long Biên nằm ngay dưới cầu Long Biên, nhà nhân vật cũng ở bãi giữa sông Hồng bởi vì đó là nơi người nghèo ở.

Tôi thấy không gian này có nhiều ý tưởng bằng hình ảnh, gợi cho người ta nhiều về Hà Nội, về sự phát triển cũng như đời sống người nghèo. Ngay bên cạnh những tòa nhà chọc trời của Hà Nội là những nét thiên nhiên, hoang sơ ở bãi giữa sông Hồng, lại đẹp, trữ tình nữa. Bản thân những hình ảnh đó nói được ý tưởng phim
của tôi.

Chị lại chọn Hồng Ánh vào phim của mình?

Tôi có thử một số diễn viên đóng vai người mẹ, nhưng có nhiều người nghĩ mình là siêu sao rồi mà thử thách lại không thích. Riêng tôi, diễn viên mà không chụp ảnh, hóa trang thành nhân vật và quay thử thì tôi cũng không yên tâm.

Ngay từ đầu tôi cũng nghĩ đến Hồng Ánh, nhưng sợ quen thuộc quá. Bản thân Hồng Ánh cũng ngại việc lặp lại- người đàn bà có số phận vất vả- dạng vai đóng nhiều rồi. Sau tôi thuyết phục Hồng Ánh, cố gắng tìm tòi trong dạng vai đó sự khác biệt của chính mình.

Chị hài lòng với diễn xuất của Hồng Ánh?

Hồng Ánh có những điều làm xuất sắc, đôi chỗ tôi chưa thực sự hài lòng. Vai này khá khó, cô ấy trước khi nhận lời cũng công nhận vậy. Nhân vật người mẹ phải là người rất hồn nhiên, thô mộc, không có học, thể hiện điều gì đó nông cạn nhưng phải hồn nhiên. Hồng Ánh đóng vai bi kịch, sâu sắc rất tốt, nhưng hơi thiếu chất thô mộc, chất của người lao động trong ánh mắt, nụ cười. Có lẽ phải đầu tư hơn nữa.

Còn về hai diễn viên nhí thưa chị?

Tôi phải tìm trong hơn chục trường tiểu học, vào phút cuối mới chọn được cậu bé ưng ý- Nguyễn Bách Tùng Lâm. Vai đứa trẻ này khá khó, không phải là vai đơn giản, chơi bời bình thường mà phải là vai đứa trẻ có tâm trạng, nhất là đứa trẻ thiếu tình cảm mẹ. Còn em gái- Phùng Hoa Hoài Linh- là do tôi biết từ trước, đóng vài phim truyền hình. Tuy hơi lớn hơn vai của tôi 1, 2 tuổi, nhưng suy đi tính lại tôi vẫn chọn. Sau khi phim ra, hầu như mọi người đều khen.

Trong công việc, chị có chịu sự chi phối nào của chồng- đạo diễn Nguyễn Thanh Vân?

Không hề. Ở phim này, anh ấy là nhà sản xuất, mà là nhà sản xuất chiều đạo diễn nhất. Như Trần Anh Hùng nói, nhà sản xuất và đạo diễn phải như quan hệ vợ chồng, phải hiểu và ủng hộ nhau. Ở đây quan hệ của chúng tôi đúng cả về nghĩa đen, nghĩa bóng. Nhưng tất nhiên chiều đạo diễn trong khuôn khổ phim Việt Nam, nghĩa là tiền chỉ có thế thôi.

Dù sao tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì từ trước đến nay đạo diễn thường đau đầu với nhà sản xuất. Khi có những điều anh ấy nói, tôi không nghe, anh ấy thôi: Thứ nhất không phải phim của mình, với lại tôi không phải loại hiền để bảo gì nghe đấy.

Nhưng nhiều người nói chị là người vợ hiền?

(Cười) Hiền ở những điều khác, chứ là phim của mình thì hiền cũng không được. Công việc đạo diễn biến tôi khi ở hiện trường thành ra không thể hiền lành được.

Tâm hồn mẹ của đạo diễn Nhuệ Giang xoay quanh Lan, bà mẹ trẻ buôn bán ở gầm cầu Long Biên. Vì vướng vào mối tình mù quáng với người lái xe đường dài, đứa con gái Thu rơi vào tình cảnh luôn khát khao tình cảm mẹ-con. Cô bé dành hết tình cảm đó cho Đăng, cậu bé cùng lớp. Phim do Hãng Phim truyện VN sản xuất, có sự hỗ trợ của quỹ điện ảnh Phương Nam.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG