Ngạc nhiên tranh Nguyễn Cao Tuấn

Ngạc nhiên tranh Nguyễn Cao Tuấn
TP - Một ngạc nhiên đáng kể những ngày cuối năm 2011 với những người yêu mĩ thuật Thủ đô là triển lãm của họa sĩ Nguyễn Cao Tuấn tại 29 Hàng Bài Hà Nội.

Ngạc nhiên trước hết vì Nguyễn Cao Tuấn từ hơn 30 năm nay vẫn được bạn bè và những quen biết xã hội gọi là họa sĩ nhưng hầu như anh không vẽ. Có chăng chỉ vì cái xuất xứ từ trường Mĩ thuật công nghiệp Hà Nội mà ra. Nơi đào tạo rất nhiều cán bộ mĩ thuật cho các ngành nghề khác.

Cũng như nhiều bạn bè đồng khóa, anh buộc phải hòa mình vào số đông những người làm công việc mĩ thuật không sáng tác một cách vui vẻ bởi một lí do hết sức thông thường. Thời bao cấp không phải là lúc có thể lựa chọn. Được tuyển vào cơ quan nhà nước ở Hà Nội đã là một may mắn. Và cái may mắn ấy kéo dài suốt hơn ba mươi năm. Cho đến một ngày anh nhận ra đó chính là sự kém may kì lạ nhất.

Ngạc nhiên thứ hai là lần đầu tiên anh thông báo với bạn bè sẽ làm triển lãm cá nhân chỉ mới vừa cách đây vài tháng. Khi trong tay chỉ có vài ba bức tranh ngẫu hứng sáng tác cho một triển lãm phong trào nơi cơ quan anh làm việc. Một cơ quan chuyên làm triển lãm.

Trước thách thức về thời gian như vậy những bạn bè sáng tác chuyên nghiệp của anh đều nghĩ rằng cái tố chất rong chơi trong con người anh đang đùa cợt với họ. Nhưng triển lãm đã ra đời. Hơn ba mươi năm góp sức làm nên hàng trăm triển lãm tranh cho các đồng nghiệp thì nay Nguyễn Cao Tuấn mới có dịp làm triển lãm cho mình.

Ngạc nhiên thứ ba là trong không khí có thể nói không mấy sáng sủa của hội họa giá vẽ vài năm nay, việc bày ra một triển lãm tranh là điều họa sĩ thông thường rất phải cân nhắc. Để nổi tiếng ở lứa tuổi của anh là quá muộn và để kiếm tiền bằng việc vẽ lại là quá sớm khi anh chưa có bất cứ một kinh nghiệm bán tranh nào. Anh chọn bày 48 bức tranh khổ lớn vẽ bằng chất liệu acrylic trên vải. Một vật liệu không mới nhưng cũng không dễ sử dụng.

Ngạc nhiên tranh Nguyễn Cao Tuấn ảnh 1
Ngạc nhiên tranh Nguyễn Cao Tuấn ảnh 2

Thế giới sắc màu trong tranh Nguyễn Cao Tuấn cuốn hút người xem ngay từ phút đầu bước chân vào phòng triển lãm. Nó cách xa lối học hàn lâm bao nhiêu thì cũng là xa với hồn nhiên thơ trẻ ngần ấy. Lấy hòa sắc làm cứu cánh và đối tượng để tìm kiếm nhưng rõ ràng những hòa sắc chói chang mạnh bạo ấy đã nhất quán trong một ngôn ngữ của đam mê.

Điều đó lại một lần nữa chứng minh rằng chẳng cứ hội họa mà bất kì nghệ thuật nào cũng cần đến sự đam mê như một kim chỉ nam. Cứ nương theo nó mà làm việc. Tùy trình độ tay nghề và hiểu biết mà thành công ở những mức độ khác nhau. Dĩ nhiên chỉ với những ai được học hành nghiêm chỉnh. Hội họa không có thần đồng. Không bao giờ có tranh trẻ em trong các bảo tàng.

Không có những diễn ngôn ồn ào tư tưởng, tranh của Tuấn tìm đến phút thả lỏng thư thái của tâm hồn người xem. Đó là thế giới của cỏ cây hoa lá hoàn toàn dễ hiểu, dễ cảm và hơn hết dễ chia sẻ. Người xem không bị vướng mắc bởi câu hỏi muôn đời có mặt trong các phòng triển lãm, họa sĩ vẽ cái gì vậy? Một câu hỏi làm đau đầu không ít người xem và kể cả những nhà quản lí mĩ thuật.

Phòng tranh chỉ trả lời cho câu hỏi “vẽ để làm gì?” một cách sáng sủa, gần gũi, tin cậy. Không thể đòi hỏi cùng lúc ở một người vẽ, một chất liệu thể hiện, một thế giới nội tâm những thay đổi về đề tài một cách rộng lớn. Ngay cả những họa sĩ bậc thày thế giới thì cũng có những giai đoạn chuyên biệt cho từng đề tài, từng chất liệu, thậm chí từng con người cụ thể. Và cũng không ít người dành cả đời chỉ để vẽ một thứ, hoặc cây, hoặc phố, hoặc chim chóc, hoặc thiếu nữ hoặc lãnh tụ chẳng hạn.

Tuấn vẽ hoa và phố. Hoa của phố và phố hoa. Có thể gọi tên chính xác cho gần năm mươi họa phẩm của anh như thế. Chẳng biết vô tình hay cố ý, Tuấn đã làm được điều mà nhiều họa sĩ ao ước, tranh không cần đặt tên! Nhiều họa sĩ dù đã cố tình đặt tên cho tranh của mình là “Vô đề 1”, “Vô đề 2”… thì cũng vẫn bị người xem nhớ theo thứ tự ấy với cái tên là “Vô đề”. Thảm hại hơn, có khi chỉ nhớ mỗi cái tên ấy!

Sẽ là quá sớm để nói về một phong cách, một bút pháp, hay hơn thế, là một tác giả. Người xem cũng không trông đợi ở anh một phá cách tìm tòi kĩ thuật hay những sục xạo mày mò lí thuyết viển vông. Nhiều lối rẽ khác nhau làm nên con đường lớn chứ không chỉ một con đường cụ thể là qui luật của riêng hội họa. Biết thế để hi vọng họa sĩ Nguyễn Cao Tuấn sẽ vững vàng trên con đường mình vừa đặt những bước chân đầu tiên. 11-2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG