Thăm Tết bu Cầu

Nghệ nhân Hà Thị Cầu và diễn viên - người mẫu Trà Ngọc Hằng. Ảnh: L.A.V
Nghệ nhân Hà Thị Cầu và diễn viên - người mẫu Trà Ngọc Hằng. Ảnh: L.A.V
TP - Định bụng qua tết ông Công ông Táo mới về thăm bu Cầu mà kế hoạch thay đổi. Có người bạn báo, người đẹp Trà Ngọc Hằng ở tận trong Nam muốn thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu. Thì đi. Nghệ nhân già nghệ sĩ trẻ gặp nhau ắt vui.

> Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu lên phim

Nghệ nhân Hà Thị Cầu và diễn viên - người mẫu Trà Ngọc Hằng. Ảnh: L.A.V
Nghệ nhân Hà Thị Cầu và diễn viên - người mẫu Trà Ngọc Hằng.
Ảnh: L.A.V.
 

Nghệ nhân và người đẹp

Nghe tiếng người quen, vợ chồng chị Mận con gái nghệ nhân Hà Thị Cầu vội chạy ra: “Về chơi đấy à? Bu ở trong nhà, vào đi”. Bu Cầu ngồi trên tấm nệm trải giữa nền nhà, mắt xéo ra cửa, miệng vẫn bỏm bẻm nhai trầu, tay với cây đàn nhị bất chợt kéo “Teo téo tèo teo” rồi hắng giọng: “Có biết là gì không?” Tôi cười lớn: “Cha bố thằng Long chứ gì?” Khách đi cùng đang cười thì ngưng bởi tiếng bu gọn lỏn: “Thế con kia là ai?” Đã kể qua về cách trò chuyện hóm hỉnh của nghệ nhân Hà Thị Cầu nên Trà Ngọc Hằng có vẻ không lạ, chủ động tự giới thiệu. Chủ nhà nói: “Tao tên Năm, nhưng gọi là Hà Thị Cầu theo tên con trai”.

“Bà ơi bà mặc thử cái áo này xem có đẹp không” - Hằng miệng nói tay lấy trong túi chiếc áo bông kiểu dành riêng cho các bà già quý phái. Chiếc áo rất đẹp và sang trọng, đen bóng bằng nhung the điểm những bông hoa đào trên vạt áo, lớp bông ở giữa còn mặt trong bằng lụa tơ tằm màu cánh đào. Bu dửng dưng “mặc vào cho tao” nhưng không chịu cởi tấm áo khoác dầy cộp, nịnh mãi mới đồng ý. “Ôi! Bu mặc cái áo này rất hợp, xinh nhất làng rồi đấy” - tôi nói vui. Bu nguýt: “Cha bố mày”.

Hôm đó, thấy Hằng bỏ cả buổi tối dạo khắp phố cổ mà không biết tặng bu cái gì, tôi chợt nghĩ chiếc áo bông, biết cũng phải cỡ gần hai triệu bạc. “Mày thích nghe cái gì?” bu hắng giọng về phía Hằng. “Bu cho Hằng nghe mấy câu Thập ân đi, mà bu có nhớ hết bài không” - tôi gợi ý, vì lần thăm trước cách đây mấy tháng bu mệt, hát không được, lời thì câu nhớ câu quên. Bu lại nguýt một cách đầy tự tin. Đúng là dạo này bu khỏe hơn nhiều, bài dài mà chỉ phải ngắt một lần.

“Bu hát Dứa dại không gai đi” - “Không! Nó chưa có chồng, không nghe được bài đấy”“Không ngại đâu, bu cứ hát đi”. Chần chừ, nhéo mấy tiếng nhị rồi bu cất giọng: Dứa dại không gai chúng anh nghĩ rằng cây thì dứa dại không gai… Tới đoạn: Hỏi cái gì lù lù trước ngực cô mình bay, bu Cầu đưa tay hướng về phía trước mặt Hằng rồi làm động tác tay giả bộ véo một cái.

Cứ tới đoạn: Em cứ nghe anh chơi cho gẫy khóa long then rồi chơi cho mát ruột nó lại lành hay chơi cho oản tẻ đi tìm cậu chuối xanh… là bu Cầu lại ngắt lời hỏi người đẹp có biết nó là cái gì không? Chúng tôi giả bộ ngu ngơ. Bu Cầu đành nói quanh co: “cái ấy đấy!”.

Tết này bu Cầu vui

Mận khoe: “Chị học hát xẩm rồi đấy, nhưng chỉ thuộc được ba bài Thập ân, Theo Đảng trọn đờiAi về thăm huyện Yên Mô” Chị cho biết, mấy tháng nay vận động khắp xã nên nhiều người cứ tối là kéo đến đầy nhà chị để học hát, hiện có 24 người chưa kể trẻ con. Lắm hôm bu mệt, chị phải dạy thay. Mấy hôm nay rét quá, sợ bu yếu nên lớp học tạm nghỉ. Mận kể, mấy anh chị ở Nhà hát Chèo Ninh Bình vừa về đón bu lên tỉnh dạy cho lớp trẻ. “Các anh bảo cụ là báu vật của tỉnh mình, không học mà lại cứ để người ta ở đâu đâu đến học”.

Giơ ra chiếc nhẫn 1 chỉ vàng, Mận khoe đây là quà của NSƯT Thanh Ngoan. Định đổi chiếc khác nhỏ vừa ngón tay bu nhưng người ta bắt phụ thêm mấy trăm nghìn, tiếc tiền nên thôi. Mận kể: “Bu dặn chị cứ cầm hộ, lúc nào bu ốm thì bán đi lấy tiền mua thuốc”.

Thì ra Thanh Ngoan đang được Ninh Bình mời về phục dựng những làn điệu xẩm. Mừng cho Thanh Ngoan, vì chị cũng như các thành viên Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc VN chúng tôi kể từ khi tham gia phục hồi hát xẩm đều mong xẩm được quan tâm, yêu mến.

Chợt tiếng bu Cầu cất lên: “Tiền đâu?” Chúng tôi chợt nhớ. Người đẹp họ Trà, tôi và ba, bốn anh em trong đoàn lần lượt lì xì bu Cầu chút lộc mong bu luôn mạnh khỏe. Khác những lần trước, chia tay bu ra về cả bọn thấy vui, mừng cho bu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.