Triển lãm 'Đại gia' - những thách thức ngầm ẩn

Một số tác phẩm trong triển lãm (trích đoạn)
Một số tác phẩm trong triển lãm (trích đoạn)
TP - Có một ý niệm mạnh mẽ ngầm ẩn đằng sau những bức tranh giá vẽ, một câu hỏi, một thách thức, không chỉ với các “đại gia” Việt – người xuất hiện trong tranh, mà cả với chính các nghệ sĩ, và với cả thị trường hội họa đang trong cơn khủng hoảng này.

“Đại gia” - Những người giàu có nhất - luôn là tiêu điểm của dư luận. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam cũng đã hình thành một tầng lớp như vậy. Người ta luôn quan tâm họ là ai, họ từ đâu đến, họ đang làm gì, họ đi đâu.

Thậm chí, người ta còn quan tâm đời tư của họ: Họ ăn gì, mặc gì, chơi gì, yêu đương và giải trí ra sao? Vv… và vv…

Vậy khi họa sĩ quan tâm đến đại gia, nó sẽ như thế nào nhỉ? Nói một cách khác, đại gia dưới mắt các họa sĩ, là thế nào?

Những câu hỏi này, phần nào được giải đáp với triển lãm “Đại gia Việt Nam” do nhóm 12 họa sĩ trẻ thực hiện tại Hà Nội.

Triển lãm “Đại gia Việt Nam” với 12 nghệ sĩ, 12 tác phẩm, 12 thái độ. Với bút pháp, cách tiếp cận khác nhau, họ cùng có mặt trong một hoạt động nghệ thuật cuối năm, giáp Tết âm lịch.

Nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng trên thế giới muốn phát triển không thể chỉ nhờ nghệ sĩ. Tầng lớp quý tộc, giàu có và biết thưởng thức nghệ thuật chính là một trong những động lực quan trọng. Họ là những người đầu tư, những “mạnh thường quân”, những người bỏ tiền ra mua tác phẩm nghệ thuật.

Trình độ thưởng thức, mức độ quan tâm của tầng lớp giàu có trong xã hội, là một chỉ báo quan trọng về trình độ văn minh của xã hội ấy.

12 họa sĩ được thể hiện một cách biếm nhại
12 họa sĩ được thể hiện một cách biếm nhại.

Ở một mức độ thiết thực hơn, sự đầu tư cho nghệ thuật nước nhà đến từ tầng lớp “đại gia”, là một nguồn lực đáng kể để thị trường nghệ thuật phát triển. Kinh nghiệm từ Trung Quốc gần đây là một điển hình.

Ở Việt Nam thì sao?

Đây là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp.

Cuộc triển lãm của 12 họa sĩ trẻ mang cái tên gây chú ý “Đại gia Việt Nam” không đơn giản là một cuộc trưng bày một số bức tranh về cùng một chủ đề. Đương nhiên không phải việc minh họa khuôn mặt, dáng hình hay cuộc sống của một số “đại gia” Việt, với xe hơi hàng hiệu, máy bay, biệt thự, du thuyền sang trọng, chó cảnh, cây cảnh siêu đắt và chân dài...

Lại càng không phải chiêu câu khách. Có một ý niệm mạnh mẽ ngầm ẩn đằng sau những bức tranh giá vẽ, một câu hỏi, một thách thức, không chỉ với các “đại gia” Việt – người xuất hiện trong tranh, mà cả với chính các nghệ sĩ, và với cả thị trường hội họa đang trong cơn khủng hoảng này.

Đây là một hoạt động nghệ thuật đương đại hướng cái nhìn về xã hội chúng ta đang sống, về môi trường nghệ thuật, nơi các nghệ sĩ sống và sáng tác, chịu đựng và thụ hưởng.n

Dự án : “Đại gia Việt Nam”

Triển lãm từ 17-1 đến 4-2-2012 tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật 16 Ngô Quyền - Hà Nội. Các nghệ sĩ tham gia: Trần Đình Bình, Nguyễn Thùy Dương, Đỗ Hiệp, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Hổ, Triệu Tuấn Long, Nguyễn Minh Nam, Nguyễn Đức Phương, Nguyễn Hồng Phương, Phạm Tuấn Tú, Nguyễn Tùng, Nguyễn Đình Vũ

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG