Tràn ngập điểm vui chơi, chương trình giải trí Tết

Tràn ngập điểm vui chơi, chương trình giải trí Tết
TP - Phim chiếu rạp, chương trình truyền hình, ca nhạc, kịch… khắp trong Nam ngoài Bắc nở tưng bừng chào Tết nguyên đán.

> Tạm hài lòng với võ hiệp kỳ tình Việt hóa

Rồng khổng lồ tại Hội hoa xuân. Ảnh: Trọng Thịnh
Rồng khổng lồ tại Hội hoa xuân. Ảnh: Trọng Thịnh.
 

Phim nội át vía phim ngoại

Đây là một trong số ít năm thị trường phim chiếu rạp nội có phần lấn lướt phim ngoại không chỉ về số lượng. Phim tung ra dịp Tết đa dạng chủ đề: Kinh dị có Lời nguyền huyết ngải, lãng mạn hài hước có Hello cô Ba, Vũ điệu đường cong, Lệ phí tình yêu. Điểm mới nhất trong mùa phim Tết này là bộ phim kiếm hiệp công nghệ Việt-Thiên mệnh anh hùng.

Dù chưa hoàn hảo, Thiên mệnh anh hùng làm khán giả mãn nhãn với nhiều cảnh hành động đẹp mắt. Ngoài thế võ cổ truyền, khán giả được chứng kiến không khí huyền ảo khi các nhà làm phim để nhân vật bật cao, nhảy xa hơn, cống hiến những pha bay ngoài, đấu võ khá đẹp mắt.

Diễn viên từ nam chính do Huỳnh Đông thủ diễn, đến cô gái được tuổi teen hâm mộ MiDu… hóa thân thành những tay võ nghệ đáng nể. Xem xong phim, khán giả có thể mơ về những bộ phim cổ trang, kiếm hiệp đậm chất Việt hơn nữa.

Ở phía phim hài hước lãng mạn, Vũ điệu đường cong mang lại tiếng cười nhẹ và không ít suy ngẫm về gia đình, tình yêu và lối sống. Cô Vân Trâm (Kim Phượng), nữ diễn viên nổi tiếng đóng vai chính trong bộ phim truyền hình mang tên Vũ điệu đường cong, bất ngờ nảy sinh tình cảm với nha sĩ Long (Võ Thành Tâm).

Đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa có cách xử lý khá mới mẻ, để diễn biến phim phân thành các đoạn, tập như truyện tranh. Nghệ sĩ Hoài Linh trong phim này cũng khác hẳn, dù vẫn chất hài hước nhưng khi cần, Hoài Linh nhập vai ông bố đau khổ khi vợ mất rất tinh tế.

Phim ngoại dịp này Đại nhạc hội rối và phim hoạt hình Happy Feet 2 có không khí vui nhộn, nhẹ nhàng và luôn đi kèm những thông điệp yêu thương theo phong cách Mỹ. Phi vụ ngầm (Contreband) lại đậm chất hành động, có Mark Wahlberg trong vai tay buôn lậu hoàn lương, nhưng buộc phải bước vào cuộc làm ăn bất chính để cứu gia đình. Thế giới ngầm trỗi dậy, lại là phim chất kinh dị, về cuộc chiến bảo vệ giống loài của ma cà rồng. Phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi.

“Thiên mệnh anh hùng” - một trong số phim chiếu rạp Tết
“Thiên mệnh anh hùng” - một trong số phim chiếu rạp Tết .
 

Truyền hình đặc sắc

Gặp nhau cuối năm luôn là chương trình truyền hình được chờ đón, phát sóng 20h tối giao thừa. Buổi chầu năm nay nếu không bị biên tập và kiểm duyệt quá nhiều, khán giả có thể nhớ lại cả chuỗi sự kiện nổi bật trong năm được gài vào chương trình. Không chỉ những vấn đề nóng của giao thông, y tế, kinh tế, thể thao mà những vụ scandal ở lĩnh vực văn hóa: nude vì môi trường, tung ảnh lộ hàng…

Ngay sau khi Táo quân 2012 kết thúc lúc 22h30, Gala Chào xuân Nhâm Thìn là chương trình văn hóa nghệ thuật tổng hợp đặc sắc mang lại không khí vui vẻ trước thời khắc bước qua năm mới. Chương trình tiếp tục sau màn bắn pháo hoa và chúc Tết của Chủ tịch nước, đến 1h sáng.

Du xuân khám phá văn hóa vùng miền lúc 21h ngày mùng 1 Tết, lần đầu xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, đưa khán giả khám phá những nghi lễ linh thiêng, huyền bí của đồng bào Thái, trò chơi dân gian, lễ hội sôi động của đồng bào Tây Nguyên.

Mùng 2 Tết:

Gala Ngày trở về chủ đề Chúng ta là người Việt, khách mời là bà con Việt kiều trò chuyện về con đường thành danh; những trăn trở về việc giữ gìn văn hóa Việt, tiếp nối tình yêu quê hương và niềm tự hào là người Việt Nam cho con cháu họ. Khách mời: GS Ngô Bảo Châu, GS nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, nhạc sĩ Lâm Hoàng, ca sĩ Phi Nhung. Chương trình phát lúc 21h trên VTV1.

Nghệ sĩ hài ghi hình lần đầu tại Praha (CH Séc) phát sóng lúc 21h trên VTV3, quy tụ nhiều tiết mục đủ thể loại từ múa (Thúy Nga-Minh Dũng-Thanh Duy), ca nhạc nhạc hài Mái đình làng biển kết hợp tuồng, chèo, cải lương (Xuân Bắc, Quang Thắng, Tự Long); Tiểu phẩm Trộm ngày (Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung). Ngoài ra còn có các ca sĩ Tùng Dương, Thu Minh, nữ ca sĩ Khánh Du.

Mùng 3 Tết:

Chuyện dưới chân núi cột cờ, câu chuyện về người Lô Lô duy nhất tại Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Bản Lô Lô Chải là điểm cực Bắc của Tổ quốc, chỉ có 74 hộ và hơn 300 nhân khẩu. Cộng đồng người Lô Lô vẫn lưu giữ được phong tục truyền thống độc đáo của mình: những ngôi nhà tường trình cổ, mái ngói âm dương, hàng rào đá, trống đồng và những bộ trang phục của người phụ nữ Lô Lô? Phát sóng 11h trên VTV2.

Gala Xiếc và Ảo thuật chào xuân 2012, hội tụ những tiết mục xuất sắc từng giành giải thưởng trong và ngoài nước. Chương trình phát sóng 13h trên VTV3. Chuyện ngày Tết, lúc 10h trên VTV1, xoay quanh câu chuyện đầu năm với các khách mời: Nhà văn Chu Lai, nhạc sĩ Trần Lập và ca sĩ Ngọc Anh. Ước nguyện đầu năm, chuyện tiêu dùng, lối sống người Việt… những chủ đề trong cuộc trò chuyện.

Vui chơi tại Hà Nội

Đêm Giao thừa, công chúng Thủ đô được phục vụ bằng nhiều chương trình nghệ thuật ở các điểm tập trung đông: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, vườn hoa Lênin, vườn hoa Lý Tự Trọng, công viên Thống nhất, sân khấu đường Liễu Giai, Phạm Hùng. Pháo hoa là nơi hội tụ của người dân đón Giao thừa, có 5 điểm bắn pháo hoa tầm cao quanh hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Văn Quán (Hà Đông), công viên Thống Nhất. Ngoài ra còn 25 điểm bắn pháo hoa tầm thấp ở các huyện, thị xã.

Trò chơi dân gian ở Bảo tàng dân tộc học, mở cửa ngày 28-1 (mùng 6 Tết). Công chúng Thủ đô có thể xem đây là nơi khám phá những nét văn hóa đặc sắc của nhiều đồng bào dân tộc, tham gia trò chơi nhiều dân tộc: bắt chạch trong chum, làm bánh tai, đánh đu, pháo đất.?

TPHCM: Nhiều điểm vui chơi

Ngày 18-1 (25 tháng Chạp Âm lịch), Hội hoa xuân khai mạc tại Công viên Văn hoá Tao Đàn, quy tụ trên 8.000 cây cảnh, cá cùng nhiều hiện vật quý như thạch anh, gỗ, gốm. Nổi bật là bản đồ Việt Nam xếp bằng 400 viên thạch anh; cột mốc Trường Sa kết bằng loài sò hoá thạch (đưa về từ Trường Sa), 2 con rồng khổng lồ kết bằng 15 ngàn chậu hoa và hơn 1 tấn hoa bất tử; cặp cá hải tượng long nặng hơn 200 kg đưa về từ rừng Amazone (Nam Mỹ)? Hội hoa xuân sẽ hoạt động cho đến hết ngày 28-1 (6 Tết).

Vào tối nay (20-1), đường hoa Nguyễn Huệ mở cửa đón khách. Với chủ đề Việt Nam quê hương tôi, đường hoa là một bức tranh thu nhỏ về quê hương Việt Nam qua nhiều tiểu cảnh chuyển tải nét đẹp của các miền như ruộng lúa, căn nhà nhỏ, giàn mướp, con thuyền ba lá, giàn lưới phơi cá, ngọn đồi đầy hoa rực rỡ...

Trong Tết, tại đường hoa có Lễ hội bánh tét, trên 10 ngàn chiếc bánh tét trao tặng cho các ngôi nhà mở, mái ấm tình thương, trại dưỡng lão. Ngoài ra vào các buổi tối sẽ là các chương trình ca nhạc dân tộc, trình diễn nhân tượng, vẽ tranh rồng tặng du khách, diễn ra dọc đường Nguyễn Huệ. Lễ hội đường sách có triển lãm sách quý, sách cổ, gian hàng đọc sách, gian hàng trò chơi từ sách...

Tại Đầm Sen, đường hoa mang tên Sông nước phương Nam tái hiện đời sống người dân ĐBSCL dịp Tết. Tại Suối Tiên có diễu hành Ngọc ngà châu báu thần tiên Hội diễn ra hàng ngày với 200 diễn viên tham gia.

Năm nay, trẻ em thành phố có điểm vui chơi, trải nghiệm mới với tên gọi Thành phố trẻ em - KizCiti, ở quận 4. Với ý tưởng kết hợp giữa giải trí và rèn luyện kỹ năng mềm cho trẻ em, KizCiti được thiết kế như một thành phố thu nhỏ với các mô hình: Bệnh viện, sân bay, Sở PCCC, ngân hàng, xưởng sản xuất ô tô, trung tâm chăm sóc sắc đẹp...

Qua việc tham gia các hoạt động, trẻ phát huy tính tự lập, sáng tạo, đoàn kết, rèn luyện kỹ năng cần thiết. Ngoài ra có các chương trình đặc sắc như: Tìm hiểu nghệ thuật thư pháp, mâm ngũ quả truyền thống, bánh chưng, bánh tét và chơi các trò dân gian: ô ăn quan, múa sạp, đập heo đất. Trẻ em đến vui chơi sẽ nhận được những món quà, bao lì xì và tham gia 3 đợt rút thăm trúng thưởng tối 28, mùng 3, mùng 7 Tết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG