Cá rô đồng với các món ăn thú vị

Hấp dẫn canh cải cá rô
Hấp dẫn canh cải cá rô
TP - Có câu: “Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần / Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”. Tôi chưa được thưởng thức hương vị của món cá rô đầm Sét (đầm ở làng Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội). Nhưng đầm Sét từ nhiều năm nay, đã bị (hoặc được) san lấp để xây nhà cao cửa rộng, còn đâu cá rô đầm Sét” ?! Thỉnh thoảng từ Hải Phòng lên Hà Nội thăm con tại phường Định Công, tôi cũng mua cá rô đồng người ta bán ở chợ Định Công, ăn cũng ngon lắm.

> Cá quả - Bổ gan, bổ não

Câu cá rô đồng thích lắm. Nhiều người xúc cá rô bằng cách đào những cái hố nhỏ hàm ếch ở bờ ruộng, bờ ao, đầm, cho vào đấy ít mồi cám nhử cá, cá đến ăn thì lấy vợt xúc.

Những buổi mưa rào, ao chuôm ngập nước, cá rô “vượt cạn” để đón nước và giao phối. Dường như chúng không biết sợ, từng đàn bơi ngược dòng, lách lên cả đường làng, tràn cả vào sân, vào vườn nhà mình, chỉ việc đón bắt thoả thích.

Từ thập niên 90 thế kỷ trước, các loại cá tự nhiên ít dần đi, cá rô đồng cũng theo đó mà trở nên quý hiếm.

Có hai loại phổ biến: Cá rô ron, xấp xỉ ngón tay cái, và cá rô “cụ” (bọn trẻ câu cá chúng tôi gọi như thế) gần bằng bàn tay người lớn, đầu to sụ, mình dầy và mẩy nhưng thon hơn cá rô phi nhập từ châu Phi. Cá rô đồng vào vụ lúa ngậm đòng, hoặc đến mùa gặt thì béo và ngon nhất.

Cá rô chế biến được nhiều món hấp dẫn. Trước hết là cá rô kho (còn gọi là om). Cá rô ron hoặc cá rô to làm sạch vây, vẩy, bỏ ruột, cho vào niêu đất đã được lót bằng một lớp dưa cải muối, đổ vào ít nước lã pha muối vừa phải, cho mấy miếng khế hoặc tai chua (hay mấy quả chay cắt miếng), thêm ít hành, ớt tươi, gừng đập dập và chút kẹo đắng, đun sôi nhỏ lửa đến khi cạn nước.

Ở nhà quê, bà con thường đặt lá chuối lên miệng niêu cá, đậy vung lại rồi đun bằng rơm rạ, nước gần cạn thì vùi niêu cá trong than trấu cả đêm. Cá om như vậy thật tuyệt, rất thơm và bùi, ăn được cả xương.

Cá rô đồng rán (chiên) bằng mỡ lợn ngon và thơm hơn dầu ăn. Với cá rô ron, cho cả chỗ cá vào rổ, rồi lấy trôn bát ăn cơm mà chà xát nhiều lần cho hết vẩy. Cá rô “cụ” thì dùng dao dóc sạch vẩy, giữ lấy trứng cá nếu có, rồi đem rán.

Cá rô rán chấm nước mắm cáy hoặc nước mắm Cát Hải (Hải Phòng, hay nước mắm Phú Quốc, vắt chanh, thêm mấy lát ớt tươi đỏ, gừng tỏi đập dập, ăn không chê vào đâu được. Đàn ông thường nhắm rượu (rượu ngang) với cá rô rán.

Mỗi miếng ăn cả con, giòn khượm như ăn bánh đa vừng nướng. Còn cá rô to rán thì phải gỡ xương ra, thịt cá trắng hồng, thơm ngậy. Ăn cơm với cá rô rán thường đi liền với món rau muống luộc chín tới, bữa cơm thật đậm đà.

Cá rô đồng to còn dùng để nấu canh rau cải. Phải là cải canh, không phải cải xanh hoặc cải sen. Gỡ thịt cá đã luộc ra bát, xé thịt nhỏ đều, nêm ít bột canh hoặc nước mắm với ít gừng đập dập. Đầu và xương cá giã nát, lọc lấy nước, đổ chung vào nước luộc cá.

Khi nước sôi, cho cải canh đã thái nhỏ vào nồi; rau chín tới thì cho thịt cá vào, đun sôi lên là được. Canh cải nấu cá rô đồng thường ăn thêm món cà pháo muối giòn tan, ngon lịm người.

Người dân Hải Phòng quê tôi còn làm món cháo cá rô đồng. Luộc cá rô cụ, gỡ thịt cá, ướp với nước mắm, gừng.

Thịt cá xào với hành mỡ thơm phức, rồi đổ vào nồi cháo đã nhừ, cho thêm lá hành và rau mùi, rau răm thái nhỏ. Cháo phải hơi loãng mới ngon. Bún cá rô đồng thì thường có thêm mấy lát mùng và cọng rau nhút (rau rút) chần tái.

Cá rô đồng còn dùng chế biến món xôi cá. Xôi phải đồ bằng nếp cái hoa vàng mới sành điệu và ngon. Cá rô loại to, làm sạch, đem luộc. Gỡ thịt cá, nêm ít nước mắm ngon, bột ngọt và gừng; sau đó xào thịt cá với hành mỡ (hoặc dầu ăn).

Khi xôi chín, xới lên, cho cá lên mặt chõ xôi rồi đun thêm chút nữa. Mùi nếp chín và mùi cá rô hấp, hương vị thơm ngậy toả ngát gian nhà, lan sang cả hàng xóm, kích thích dịch vị lạ thường. Thưởng thức món xôi cá rô cũng như cháo cá, bún cá, phải ăn nóng mới ngon.

Cá rô đồng bình dị là thế mà chế biến được nhiều món khoái khẩu, nhất là với những người thành phố và bà con Việt kiều về thăm quê cha đất tổ. Hóa ra những món ẩm thực chân quê mãi mãi là một phần máu thịt, là nỗi khát khao gìn giữ và tận hưởng của mỗi người Việt Nam ta.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.