“Nhật ký Đặng Thùy Trâm” tiếng Nga: Bản dịch đặc biệt

Dịch giả Lê Văn Nhân và bà Doãn Ngọc Trâm. Ảnh: Mi Ly
Dịch giả Lê Văn Nhân và bà Doãn Ngọc Trâm. Ảnh: Mi Ly
TP - Đặc biệt vì tình cảm sâu đậm của gia đình nữ bác sĩ đối với nước Nga và tiếng Nga- họ từng mong muốn cuốn nhật ký của chị được dịch ra tiếng Nga đầu tiên. Và còn vì thời gian ấp ủ và thực hiện dài hơn mong đợi: 6 năm.

> Ra mắt 'Nhật ký Đặng Thùy Trâm' bản tiếng Nga

Trong thời gian đó, các bản dịch tiếng Anh, Nhật, Thái Lan… lần lượt ra mắt. Tiếng Nga, vốn được mong đợi là ngôn ngữ đầu tiên, cuối cùng trở thành ngôn ngữ thứ 18 mà cuốn nhật ký được dịch ra.

Dù muộn màng, đây vẫn là bản dịch được chú ý nhất, ra mắt rầm rộ nhất. Buổi giới thiệu sách chiều 24-7 ở Thư viện Hà Nội chật kín hội trường.

Mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: “Bất thường nhưng đáng mừng”

6 năm là thời gian từ lúc TS Nguyễn Huy Hoàng từ Nga về vào tháng 9-2006 và được đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm vừa ra mắt.

Về nước, ông cùng nhà thơ Vũ Quần Phương đến thăm gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Ông ấp ủ ý tưởng dịch cuốn sách ra tiếng Nga. Kế hoạch bị ngừng trệ vì “nhiều lý do khách quan”, như ông Hoàng chia sẻ.

Sau đó, CLB May Thăng Long- một nhóm doanh nghiệp Việt Nam tại Mátxcơva (Nga) đã tìm đến đề nghị tài trợ in ấn, còn TS Nguyễn Huy Hoàng tổ chức bản dịch. Ông Hoàng trao niềm tin vào hai dịch giả, A. Sokolov (người Nga) và Lê Văn Nhân.

Trò chuyện sau buổi ra mắt, bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của nữ bác sĩ, bày tỏ: “Nhà tài trợ là một câu lạc bộ của những nhà kinh doanh trẻ chứ không phải là các hội nhà văn, nhà báo hay tổ chức nhà nước nào. Với tôi đó là điều lạ lùng, bất thường nhưng cũng rất đáng mừng, vì giới trẻ cũng chú ý đến cuốn nhật ký và đóng góp cho cuốn sách như thế”.

“Nhật ký của một nữ bác sĩ ngoài mặt trận”

Hoặc “Nhật ký của một nữ bác sĩ trong chiến tranh”, đó là tên của bản dịch tiếng Nga, theo dịch giả Lê Văn Nhân. Cái tên này nói rõ hơn về người viết và hoàn cảnh viết cuốn nhật ký, thay cho tên gốc Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Một tên khác từng được cân nhắc là Nhật ký của một nữ bác sĩ quân y nhưng gia đình chị không đồng tình bởi thực ra bác sĩ Đặng Thùy Trâm chưa từng ở trong quân đội.

Ông Nguyễn Huy Hoàng khẳng định: “Bản dịch là một công trình tập thể, không phải riêng mình tôi, hay anh Đỗ Quý Dương (đại diện CLB May Thăng Long), các dịch giả, những người biên tập hay nhà xuất bản mà có thể tự làm nên được”.

Bản dịch trung thành với nguyên bản cuốn nhật ký tiếng Việt, nhưng để người Nga dễ đọc hơn, đã được chia làm ba phần: Lời giới thiệu (về bác sĩ Đặng Thùy Trâm); Giới thiệu lịch sử của cuốn nhật ký (dịch từ bản tiếng Việt của người chị Đặng Kim Trâm); Phần chính: Nguyên bản cuốn nhật ký do Lê Văn Nhân và A.Sokolov dịch, được nhiều biên tập viên hiệu đính kỹ lưỡng.

Những người thực hiện chọn dịch cuốn nhật ký này, theo ông Nguyễn Huy Hoàng, là bởi “chị Đặng Thùy Trâm chưa bao giờ học viết văn nhưng chị viết như một nhà văn. Trong hoàn cảnh bình thường, chúng ta viết nhật ký đã là khó khăn, huống hồ chị viết dưới mưa bom bão đạn. Quyển sách này, chị nói rất nhiều về nước Nga, chị yêu nước Nga vô bờ bến”.

Đến với nước Nga, theo nghĩa đen

Theo anh Đỗ Quý Dương, Chủ nhiệm CLB may Thăng Long, đầu tháng 9 tới nhà tổ chức, các dịch giả và đại diện gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm sẽ cùng sang Mátxcơva, Nga tổ chức một buổi ra mắt cuốn sách. Đoàn sẽ mang sang Nga khoảng 3000 cuốn.

Dịch giả Lê Văn Nhân cũng có mặt trong chuyến đi đó. Ông hi vọng, sách có tác động tích cực đến cộng đồng người Việt và người Nga quan tâm đến Việt Nam.

“Tôi tin rằng ở Nga cuốn sách sẽ có người đọc. Rất đông người Nga trung niên, đặc biệt là những người từng sang Việt Nam làm việc, đổ cả xương máu của mình ở Việt Nam, sẽ quan tâm đến cuốn sách. Nhưng vẫn phải nói một điều, là không thể chạm vào lớp học sinh phổ thông và sinh viên, trừ các sinh viên tham gia vào Hội hữu nghị Nga - Việt”.

Dịch giả Lê Văn Nhân cho biết, dù đã hiệu đính kỹ càng, những người thực hiện cảm thấy chỉ hài lòng một nửa.

Các nhà văn thường nói với nhau, một trong những vai trò của nhà văn là nhìn nhận và ghi lại những đặc điểm của thời đại mình, trong đó có tâm tư của những người cùng thời.

Đặng Thùy Trâm không phải là nhà văn, nhưng chị đã làm được điều đó. Nhưng để một cuốn sách thuộc về một thời có sức lan tỏa đến những thời sau, chúng ta cần nhiều hơn công sức của một người.

Đó là điều những người dịch hoặc các nhà làm phim (chẳng hạn, đạo diễn Đặng Nhật Minh với “Đừng đốt”) vẫn đang làm.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga không bán mà in để biếu. Hôm 24-7, hàng trăm cuốn sách mới ra lò, bản bìa cứng và bìa mềm, đã được tặng cho các độc giả đến dự ra mắt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG