Kỷ lục mới của 'Gã buôn thơ vĩ đại'

Kỷ lục mới của 'Gã buôn thơ vĩ đại'
TP - Gia Dũng ôm cuốn sách nặng gần năm ký vào lòng như ghì đứa con thân yêu mới chào đời. Chỉ nội cái phần mục lục của gần một ngàn ba trăm bài thơ của trên 1.200 tác giả cũng đã mất gần trăm trang sách, bằng độ dày một tập thơ rồi.

> Tiến sỹ ngành y ra mắt thơ
> 'Gã nông dân' trồng kỳ hoa dị thảo
> Sách thơ bằng đồng nặng kỷ lục Việt Nam

Cuối năm 2009, báo Tiền Phong cuối tuần có bài Gã buôn thơ và những cuốn sách nặng ký viết về cái sự vô địch về sách thơ của soạn giả Gia Dũng. Nhiều bạn đọc gọi về tòa soạn hỏi thăm nhân vật ấy.

Năm 2012, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã mời ông để trao kỷ lục cho người làm những bộ tuyển thơ đồ sộ nhất, nhưng thật bất ngờ, ông đã từ chối.

Kiêu bạc, đấy là một trong những phẩm chất của nhà thơ chăng? Và với Gia Dũng thì câu chuyện vừa kể là một bằng chứng.

Đúng là gàn và kiêu hết chỗ nói, khi người ta vinh danh cho mình với điều kiện là “Không phải nộp phí vì đối tượng là nhà thơ nghèo”, thế mà ông từ chối mới lạ chứ!

Bây giờ đang cuối năm 2012, ông lại khoe tôi: “Vừa ra bộ tuyển thơ đồ sộ nhất mọi... thời đại” về vùng đất phương nam Tổ quốc mang tên Trời Nam thương nhớ (NXB Văn học, quý IV - 2012).

Ngồi trong căn nhà trọ tồi tàn ở xóm liều Định Công với “gã buôn thơ vĩ đại” Gia Dũng, tôi lại “sốc” khi xung quanh ông là hai mươi bộ tuyển thơ đồ sộ đã làm. Và với bộ tuyển Trời Nam thương nhớ này thì đúng là một lần nữa ông tự phá kỷ lục của... mình.

Tuyển thơ này phải nâng bằng cả hai tay mới nổi, có độ dày trên 2.300 trang giấy tốt bìa cứng. Nghe nói nhiều nhà in nhìn thấy tập bản thảo tuyển thơ này đã lắc đầu quầy quậy vì dày quá, không thể nào đóng xén nổi!

“May quá, vẫn có nơi nhận làm” - ông hồn nhiên thở phào. Thôi thế là lại một kỷ lục nữa của ngành xuất bản Việt Nam. Kỷ lục này là của một cá nhân nhà thơ dám bỏ cả tâm sức mười năm sưu tầm biên soạn và chạy vạy vay mượn tiền in bộ tuyển thơ về đất phương Nam yêu dấu.

Cái “vĩ đại” của Gia Dũng là ở chỗ đó. Vâng! Thời buổi kinh tế toàn cầu suy thoái, thời tiền bạc khó khăn vậy mà gã đi buôn… thơ, quả là gàn dở - một cái sự gàn dở đáng yêu, đáng trọng.

Nể hơn, khi biết ông không có vi tính vi teo gì hết. Cứ lầm lũi lên đường rong ruổi khắp miền gặp gỡ các tác giả, thi nhân bạn bè để xin sưu tầm thơ hay.

Nam kỳ, lục tỉnh, rồi TP Hồ Chí Minh, rồi về Miền Đông gian lao anh dũng... chỗ nào ông cũng đặt chân đến để sưu tầm thơ hay về đất phương Nam. Mà đâu chỉ có người phương ấy viết về phương Nam? Cả thi nhân Trung - Bắc nữa đều có thơ hay về Trời Nam thương nhớ.

Mười năm ấp ủ sưu tầm tuyển chọn... Một mình ông âm thầm như vậy giữa những trận ốm, giữa những cơn đói bởi nhỡ đường hết “đạn”, hay giữa cơn say với bạn hữu, giữa cơn bi kịch tai biến qua đi để lại dấu vết trên cái miệng lệch làm mất đi mấy mươi phần cái vẻ hào hoa thủa nào...

Ông đã sống đã làm tuyển thơ lớn này trong cô đơn nghèo khó như vậy và ông đã thắng. Sách vừa ra, giờ đây ông lại cả cười mà rằng “Nếu ông giời chưa bắt đi sớm thì hãy còn làm những bộ tuyển lớn hơn...”. và “Để tổng kết thơ của những vùng đất. Để giúp đời sau đỡ phải mất công đi sau tầm tuyển thơ hay, thơ đẹp, và tránh sự... thất thoát thơ vì nhiều lý do...”.

Lại lẩn thẩn nghĩ về cái sự say mê đến kiệt cùng với thơ ca của ông mà hoang mang không biết đâu là giá trị con người giữa thời buổi tiền bạc lên ngôi, chữ nghĩa mất giá.

Kỷ lục mới của 'Gã buôn thơ vĩ đại' ảnh 1

Tôi chắp tay, vái cả mũ trước “gã buôn thơ vĩ đại” này...

Giở tập thơ cao ngang mặt ra, trang đầu là lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chủ tịch nước đã viết những dòng trân trọng về cuốn sách:

“Trời Nam thương nhớ” là bộ tuyển thơ ca đồ sộ, hoành tráng. Với trên 1.200 tác giả, trên 1.300 tác phẩm thơ ca xưa và nay được tuyển chọn công phu, chất lượng, trách nhiệm; viết về vùng đất, vùng trời và con người Nam Bộ - một vùng đất, vùng trời thương đau, quả cảm, bất khuất, rất đỗi anh hùng, và những con người mang tâm hồn Việt Nam dũng liệt, trong sáng, cao đẹp - niềm tự hào của cả dân tộc ta.(…) Đây là một tác phẩm văn học có giá trị cả về văn chương, lịch sử, chính trị…”.

Chỉ bấy nhiêu thôi đủ để thấy cái tâm cái tình của người làm sách. Và đúng như lời đầu sách soạn giả Gia Dũng đã trình bày với bạn đọc lý do của tuyển tập này: “Gia Dũng xin gom hết những tháng ngày ít ỏi của cuộc đời còn lại dâng hiến cho công việc mà hiện Gia Dũng vẫn còn rất đam mê, rất nhẫn nại bền bỉ và thủy chung với nó: Biên soạn và tuyển chọn thơ ca Việt Nam, cho dù đơn độc, khổ hạnh và quyết liệt tới thành công...”.

Và ông đã tâm sự: Một điều thú vị là khi tự nguyện làm cửu vạn cho chín dòng sông thơ, tôi gặp hầu hết các thi sĩ Việt Nam, những ai đã từng đi qua chín dòng sông thì đều có thơ gửi lại. Thi sĩ Nam bộ viết về quê hương mình chân tình và chân thật, chân chất và chân quê. Thơ Nam bộ cũng như người Nam bộ...

Gia Dũng ôm cuốn sách nặng gần năm ký vào lòng như ghì đứa con thân yêu mới chào đời. Chỉ nội cái phần mục lục của gần một ngàn ba trăm bài thơ của trên 1.200 tác giả cũng đã mất gần trăm trang sách, bằng độ dày một tập thơ rồi.

Toàn thơ trữ tình. Thơ từ cổ chí kim của người Nam bộ, của người khắp nước viết về vùng đất phương Nam. Từ thơ chữ Hán nguyên bản đến thơ hiện đại. Tất thảy thơ hay về đất phương nam đều có mặt trong tuyển.

HN trung tuần tháng 11-2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG