'Trò đời' làm sống dậy không khí Vũ Trọng Phụng

'Trò đời' làm sống dậy không khí Vũ Trọng Phụng
TP - Chuyển thể từ một số tác phẩm tiêu biểu của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, phim truyền hình Trò đời tiếp nối Lều chõng, về trào lưu phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng.

> Tiệc Phẩm
> Đặng Thân và cái 'siêu thị' hậu hiện đại

Dự án quy tụ đạo diễn Nguyễn Thanh Vân trong vai trò giám đốc nghệ thuật, đạo diễn Nhuệ Giang, giám đốc hình ảnh, NSND nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn.

Đây còn được xem là cái bắt tay mở đầu cho dòng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng cùng thời với Vũ Trọng Phụng, giữa Hãng phim Hội điện ảnh Việt Nam và VFC.

Tiểu thuyết Số đỏ đương nhiên làm trọng tâm mạch phim, hai nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và Lê Anh Thúy đưa thêm âm hưởng của Ánh sáng kinh thành, Cơm thầy cơm cô hay Kỹ nghệ lấy tây. Khán giả sẽ gặp nhiều nhân vật quen thuộc: Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, vợ chồng ông Cố Hồng, Văn Minh, TYFN, cô Tuyết, Hoàng Hôn. Đặc biệt có Đũi, nhân vật rất mới.

Chia sẻ bên lề cuộc họp báo giới thiệu đoàn làm phim, biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói: “Đũi từng có bóng dáng khi tôi thực hiện phim Ánh sáng kinh thành, nhưng không đầy đủ chi tiết và thỏa mãn như thế này”.

Nhân vật này được coi là sáng tạo của các nhà biên kịch, hội tụ trong nhiều tác phẩm trước - cũng từ đáy xã hội đi lên, nhưng bằng một cách khác so với Xuân Tóc Đỏ.

Khi được hỏi hai thế hệ cùng viết kịch bản có sự thiếu nhất quán, chị bảo: “Rất may sự tiếp sức này hiệu quả”. Lê Anh Thúy viết chính, dựa trên hoạch định đường hướng và sửa sang của nhà biên kịch đàn chị.

Xuất hiện trong cuộc họp báo chiều 6-12, Trần Việt Bắc diễn viên trẻ mới tốt nghiệp ĐH Sân khấu & Điện ảnh khiến báo giới ngỡ ngàng. Nhìn qua dáng vẻ, khó ai nghĩ đây sẽ là Xuân Tóc Đỏ, dù Nhuệ Giang nói chị đã thử nhiều diễn viên và tin tưởng ở lựa chọn này.

Hơi sốc nữa khi Việt Bắc chia sẻ về tinh thần trượng nghĩa của nhân vật. Biên kịch Thanh Nhã thanh minh: “Về cơ bản, chúng tôi vẫn giữ đúng tinh thần vai này, chỉ có chút biến tấu. Xuân Tóc Đỏ là kiểu người đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, thì ở xã hội nhiều ma quá bản chất ma mãnh của anh ta bộc lộ rõ hơn. Chứ tôi không có ý định biến Xuân Tóc Đỏ thành người tốt thông thường”.

Các nhà làm phim cũng lí giải, trước khi lưu manh hóa, Xuân Tóc Đỏ vẫn có những cử chỉ tốt đẹp, che chở bọn trẻ cơ nhỡ, sau này vài người nhắc nhở cho anh ta về thời kỳ trước, thì một vài tính tốt được khơi gợi.

“Kịch bản Trò đời tràn ngập không khí nhục dục”, đó là nhận xét của đạo diễn Nhuệ Giang. Tuy nhiên, biên kịch bảo tự tiết chế lắm rồi, và đạo diễn còn chặt tay hơn, đơn giản vì khi phim chiếu trên truyền hình khó mà phân loại khán giả. Đương nhiên khán giả vẫn hình dung được những cảnh nóng ẩn sau những khuôn hình, một cách gián tiếp. Về điều này, NSƯT Minh Hằng- được mời vì quá hợp vai Phó Đoan- tâm sự, chị suýt trả lại kịch bản vì đọc thấy toàn cảnh nhạy cảm.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cùng nhà quay phim Hữu Tuấn, thiết kế phục trang Thanh Hà từng làm phim Lều chõng, dịp này tiếp tục tỉ mỉ với khoảng 200 mẫu thiết kế trang phục của đủ tầng lớp xã hội, mang đấu dấu ấn Âu hóa thời kỳ 30-45.

“Bám sát thực tế và đề cao yếu tố thẩm mỹ”, đạo diễn Thanh Vân khẳng định. Bên lề, anh kể thêm, vì bối cảnh Trò đời rộng, phức tạp hơn Lều chõng rất nhiều, nên đoàn cũng gặp khó khăn.

Các nhà làm phim phải tận dụng, nâng niu từng góc phố, từng căn biệt thự Pháp cổ, từng góc cổng làng, căn nhà thời kỳ này trong mỗi cảnh quay ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh với sự trợ giúp của họa sĩ thiết kế Nguyễn Mạnh Đức.

Trò đời dài 30 tập, phát giờ vàng VTV năm 2013. Đoàn làm phim khởi quay từ tháng 10 nhân 100 năm ngày sinh của nhà văn. Ngoài dàn diễn viên quen thuộc như NSƯT Quốc Anh, Quang Thắng, Nguyệt Hằng, Trò đời trình làng những diễn viên mới: Bảo Thanh (Đũi), Mai Chi (Tuyết), Thúy An (Hĩm).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.