Nóng lại hồ sơ di sản tư liệu

Nóng lại hồ sơ di sản tư liệu
TP - Việt Nam không có hồ sơ đệ trình Chương trình Ký ức Di sản thế giới nào năm vừa rồi. Nhưng tình hình có thể khởi sắc hơn thời gian tới, sau hội thảo - tập huấn quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm tham gia Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO”.

> Nhân lên tinh thần Phật giáo Việt
> Bắc Ninh tiếp nhận ảnh Mộc bản “Chiếu dời đô”

Hội thảo diễn ra hôm qua 8-1, thu về 10 báo cáo trong và ngoài nước, liên quan đến quá trình chọn, làm hồ sơ đệ trình Ký ức di sản thế giới. Sáng qua, đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trao Quyết định nâng cấp Ban điều phối Chương trình Ký ức thế giới thành Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức thế giới VN, cho bà Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ. Đây là cơ quan đầu mối liên quan các hồ sơ đệ trình trong thời gian tới.

“Sau khi nâng cấp thành Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam, chúng ta sẽ có đề cử bài bản hơn, đảm bảo trình lên là thắng”- ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) hào hứng.

Ông nói thêm, với việc nâng cấp thành Ủy ban này, sẽ xây dựng quy chế xét duyệt, thành lập hẳn hội đồng xét duyệt. Như lời ông Ray Edmondson: ngoài 6 tiêu chí khác, di sản để được công nhận tại Chương trình Ký ức thế giới cần đáp ứng hai tiêu chí quan trọng nhất về tính xác thực và tầm ảnh hưởng tới khu vực, quốc tế.

Bài học rút ra từ vụ đề cử kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm cho thấy, việc lựa chọn nơi đệ trình cũng rất quan trọng. Ban đầu, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm bị từ chối ở cấp thế giới, sau khởi động lại hồ sơ và được công nhận Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

TS. Ray Edmondson, Chủ tịch Ủy bản Chương trình Ký ức thế giới (MOW) khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ rõ: mỗi quốc gia có ba hệ thống danh sách di sản tư liệu cấp quốc gia, khu vực và thế giới.

Đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng kỳ vọng, năm nay sẽ có danh sách các di sản cấp quốc gia, làm cơ sở tháng 9 tới đệ trình lên khu vực. Nếu không, Việt Nam sẽ hai năm liên tiếp không có hồ sơ nào được gửi lên Chương trình Ký ức thế giới.

Sau mỗi đợt vinh danh của UNESCO, cộng đồng sở hữu di sản luôn phải cam kết bảo tồn và phát huy di sản đó. TS. Phạm Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Cục Văn thư Lưu trữ (Đà Lạt)-nơi bảo tồn kho Mộc bản triều Nguyễn kiến nghị: Để giữ được danh hiệu Di sản thế giới, cần số hóa kho mộc bản, và sớm hoàn thiện đề án bảo vệ và phát huy di sản.

Bà Huệ cũng giới thiệu một số hoạt động như trưng bày, mở cửa cho khách tham quan một phần di sản được vinh danh này. Không có điều kiện có hẳn một trung tâm hiện đại như kho Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vẫn được bảo tồn thô sơ, tự nhiên.

Ngoài hai di sản trên, Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê-Mạc tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám là di sản thứ ba được đề cử Danh mục Di sản tư liệu, thậm chí được vinh danh tới hai lần tại Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2010, và Ký ức thế giới toàn cầu năm 2011.

Hà Nội đã chuẩn bị kế hoạch đón bằng di sản này sau dịp Tết Nguyên đán. Dẫu trở thành di sản quý báu, nhưng hàng ngày 82 văn bia này vẫn chịu không ít xâm hại, nhất là vào dịp thi cử khi hàng nghìn sĩ tử đổ về, tìm mọi cách leo qua rào, xoa đầu rùa.

Hà Nội khởi động dự án bảo tồn và phát huy giá trị của bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, kéo dài từ 2012 đến 2015. Nội dung chính vẫn là bảo tồn, phát huy trong đó có phần nghiên cứu đầy đủ nhất giá trị bia tiến sĩ, từ đó có thể khắc phục bất cứ trường hợp rủi ro nào.

Đại diện trung tâm Văn Miếu-Quốc Tử Giám nói thêm, đề án sẽ đưa ra các giải pháp để văn bia không bị xâm hại. Điều quan trọng nhất là phát huy được giá trị của bia tiến sĩ trong thời hiện nay, có thể nghĩ tới tạo thu nhập từ văn bia và các sản phẩm từ bia tiến sĩ. Tuy nhiên đây mới dừng lại ở ý tưởng và cần nghiên cứu kỹ hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nói thêm: Ủy ban đang chờ các địa phương đề cử di sản để lập hồ sơ cấp quốc gia, rồi mới lựa chọn trình Chương trình Ký ức Thế giới.

Một số di sản tư liệu rất có tiềm năng như: Bản đồ hành chính miền Nam trong thời kỳ triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Ngự phê triều Nguyễn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG