Hà Nội hiếm chỗ chơi Tết

Hà Nội hiếm chỗ chơi Tết
TP - Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học mấy năm trở lại đây bỗng trở thành điểm hẹn vui chơi của hàng nghìn người dân thủ đô, dẫu vẫn chỉ quay vòng từng ấy thứ qua mỗi năm.

> Đông nghẹt du khách chơi Tết
> Đi chơi Tết, trộm dọn sạch gia sản

Pháo đất ở bảo tàng

Từ mùng Một tết, Văn Miếu đông nghẹt người, và sẽ còn đông đến hết rằm tháng Giêng. Không phải chốn vui chơi, nhưng đầu năm các gia đình thường dẫn con vào Văn Miếu lấy may, đội mưa chờ ông đồ cho chữ. Đất chật người đông và mấy chục tấm văn bia lại đối mặt nguy cơ du khách xông vào sờ đầu rùa.

Tiền lẻ vẫn ngang nhiên bay vèo vèo qua hàng rào, rơi ngay các văn bia. Chẳng khác cảnh tiền lẻ cài, cắm khắp các lễ hội lớn chùa Hương, Bái Đính.

Bảo tàng Dân tộc học mở cửa từ mùng 4 tết nhưng phải đến mùng 6 mới có trọn vẹn các trò chơi dân gian, ẩm thực vùng cao. Trời trở rét kèm mưa nên lượng khách đến bảo tàng tới mùng 7 mới đông đúc. Dòng người xếp hàng rồng rắn mua vé vào cửa, những 40 ngàn đồng/ người lớn, trẻ em 10 ngàn.

Tính ra có đến 20 hoạt động, trò chơi dân gian của đồng bằng cho đến miền núi cao của người H’mông, Dao, Thái, Khơ-mú, Tày. Với những khách quen, tìm trò mới lạ e hơi khó.

Quả còn sặc sỡ kết bằng các sợi vải vun vút bay trong sân khu nhà Hà Nhì. Chủ yếu cho trẻ hiếu động lấy chỗ chạy nhảy, cũng có lúc thu hút nhóm thanh niên Hàn Quốc thử chơi, reo hò.

Đằng sau nhà Trống đồng vẫn là những chiếu nặn tò he, xin chữ ông đồ, làm tranh Đông Hồ và làm hoa bằng giấy, đất. Sân trước vẫn lại múa sạp, múa nón, múa khăn như đến hẹn. Khu nhà Việt đặc trưng với trò bắt chạch trong chum, trước nhà có cái ao múa rối nước ngày 4 suất. Xem xong, khán giả còn mua chú tễu nhỏ đem về.

Ngay gần cổng ra vào, năm nào cũng là điểm hẹn chơi pháo đất. Năm nay, bảo tàng mời hẳn đội pháo thủ làng Tiền Hải, xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) trình diễn.

Ông Quang, tay véo nắm đất nhào kỹ bên cạnh, tỷ mẩn miết lên phần giềng pháo. Đoàn mang theo tạ đất chuẩn bị cho ba ngày chơi pháo. Đất sét làm pháo lấy ở độ sâu 5m từ mặt ruộng đào xuống hoặc đáy sông, đem về ốp vào tường cho hút nước, rồi mới đem nhào thủ công kỹ càng.

Quả pháo cần 4 người nâng lên cho 1 người tung, nặng tới hơn 40 cân với kích thước lớn nhất dài 1,2m, rộng 60 cm hình elip. Mất gần tiếng đồng hồ cho quả pháo đất kỷ lục, phần thân pháo phải dùng các thanh tre đan ngang dọc làm xương đỡ.

Giai đoạn hoàn thiện cần 2 người, 2 pháo thủ ngồi không quay ra nặn trâu đất được dăm con tặng trẻ con ngồi ngóng bên cạnh. Đến lúc tình nguyện viên thông báo mọi người mở rộng vòng, chuẩn bị cho pháo nổ. Hồi hộp như xem thi pháo thật.

Ông Quang gồng mình đỡ quả pháo sau khi ba pháo thủ thả tay, hô to một tiếng rồi thả từ độ cao gần ngang vai. Cả vòng tròn đồng thanh ồ lên, hóa ra đúng quả pháo xịt-giềng pháo không đứt ra hết. Đám đông nhanh chóng quay ngoắt sang các khu trò chơi mới.

“Mệt hơn làm ruộng”, ông Quang nói trong tiếng thở gấp. Trưởng đoàn, cũng là người phụ trách văn hóa xã Tân Liên, ông Nguyễn Duy Đông bảo, năm nay mới được trình diễn ở thủ đô, mọi năm chỉ thi đánh pháo ở xã, huyện.

Lễ hội pháo đất Vĩnh Bảo bắt đầu từ cuối tháng 8 âm lịch cho tới hết tháng 2 trở thành nét đẹp gắn với nghề nông. Pháo thủ đều là các lão nông, thi thố tài nghệ lấy vui làm chính, phần thưởng nếu có do dân làng góp cũng chỉ đủ bữa liên hoan thân mật.

Ẩm thực vùng cao đắt khách

Bảo tàng Dân tộc học vốn hút khách cũng bởi có đủ thứ ăn, chơi. Khu nhà hàng nhỏ phục vụ đồ ăn nhanh, nước uống và phở. Nhưng vào bảo tàng ngày tết sẽ thấy khu nhà Tày hấp dẫn hơn cả, dù giá chẳng rẻ chút nào.

Lợn quay lá mác mật của người Tày xứ Lạng bán tơi tới, 300 ngàn đồng/kg. Trong lúc chờ lợn dần vàng ruộm, thực khách ngồi la liệt ăn xôi nếp cẩm với lạp xường, ngồng cải xào. Một bó nhỏ 20 ngàn, ăn ngay đắt hơn một chút nhưng chẳng có mà bán. Cơm lam một thanh to bằng cổ tay trẻ, 50 ngàn đồng. Ăn nào khác cơm nếp, xôi dưới này là mấy.

Ẩm thực Tày Yên Bái chiếm ưu thế, lạp xường tự làm 500 ngàn đồng/kg, rồi măng ngọt-đắng, nếp Tú Lệ, gạo Séng Cù, tẻ nương. Xôi ngũ sắc, bánh chưng đen, hay các loại bánh sừng bò hơi lạ vị với lạc và thịt giã nhỏ gói cùng gạo nếp, bánh chim gâu trông lá tết hình đẹp mắt.

Đi qua khu bán thắng cố với hơn chục chiếc chiếu trải tinh tươm, sáng thì rõ vắng khách. Có cậu thanh niên đi cùng bạn bảo: 500 ngàn một nồi nhỏ, đắt quá.

Cô bán hàng mời, 50 ngàn/bát, ăn thử cho biết đi. Thế mà vẫn nguây nguẩy đi. Chỉ đôi tiếng sau quay lại, lúc trẻ chán với các trò cà kheo, kéo co hay leo cột tre lấy phong bao lì xì ghi lời chúc, khu bán thắng cố chật người.

Chạy sang khu bán xôi ngũ sắc khu nhà kế bên, xôi hết từ lâu. Chờ 40 phút, nhân viên vận trang phục dân tộc mới bưng ra chỗ xôi độc màu vàng nghệ. Hai mươi ngàn một bát, đơm vội ụp vào túi ni lông, xôn xao xếp hàng, í ới trả tiền. Chưa đầy 5 phút đến xôi này cũng chẳng còn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.