Chợ chữ

Chợ chữ
TP - Chợ chữ Văn Miếu có từ hàng chục năm rồi, nhưng năm nay rộ lên, đông ngàn ngạt kéo dài hết phố Giám.

> 'Bà đồ' xinh đẹp thảo chữ đầu năm
> Khoảng lặng ở phố Ông đồ

Nam thanh nữ tú chen lấn xếp hàng, người xin chữ mua chữ, các ông đồ chậm rãi giải thích nội hàm chữ nghĩa, tư vấn cho người chơi chữ, không ầm ĩ nhưng bận rộn đến nỗi có ông phải đem theo hộp cơm ăn tại chỗ trong lúc chờ khách.

Tôi hỏi một ông đồ trung niên, năm nay là năm đầu tiên ra sắp chiếu thì được biết: Mỗi ông đóng hai triệu, tăng bạt tự sắm, xe máy người đến chợ gửi rải dài trên vỉa hè đường, hai chục nghìn một xe. Chợ chữ năm nay chính quyền phường cũng thu lợi không kém các ông đồ.

Vẫn những nghiên mực giấy điều nhưng hình ảnh ông đồ nghèo kiết xác trong thơ Vũ Đình Liên thực sự đã từ giã sân chơi. Đồ nho mỗi thời mỗi khác.

2 - Xưa mấy người có học, chữ nghĩa ít, cho nên khát khao con chữ cũng là chuyện đương nhiên. Vào dịp tết, ông đồ rải chiếu bên lề phố vì đức, cho chữ kiếm chút lộc thầy, chút tiền giấy mực và vài xu công. Người xin chữ muốn ba ngày tết trong nhà có chữ treo để tỏ ra biết yêu quí sự học. Hơn nữa cũng để khích lệ con cháu hướng đến cái sự học thành người. Xin chữ là hướng thiện, giống như trước ban thờ tổ tiên thắp nén nhang gửi gắm cho tổ tiên lòng thành kính.

Xin cho thời ấy khác với xin cho thời nay. Người xin là người thiếu chữ, cho là nhà nho, người có chữ, là thầy, là bề trên (không phải cấp trên). Còn xin là xin cái văn cái đạo, cái nhân cái nghĩa, cái tinh thần đạo nho thầy ban cho để hướng thiện, mà không phải là lợi ích vật chất.

Xưa, phố thị xưa thưa người, lề phố chỉ vài ông đồ già, việc xin chữ ngày tết chưa bao giờ thành cái chợ đông đúc.

3 - Ngày nay thầy “đồ” ra lề phố viết chữ vì lợi, vì kiếm được chứ không phải yêu chữ hay ra vì ý thức gìn giữ “văn hóa truyền thống” như người ta hay nói. Bởi thế bên một ông đồ thật thì có vài chục ông cũng gọi là “đồ” võ vẽ qua vài lớp Hán văn chưa sạch mặt chữ cũng kéo ra khua bút, có cả đồ “gái” nữa.

Đông quá nên tạo thành cái chợ chữ ồn ào. Đã là chợ thì sẽ đủ loại đủ kiểu từ năng lực viết chữ đến giá cả, cũng có treo đầu dê bán thịt chó. Có người kêu ca mua hớ, thấy bày chữ đẹp, đến khi vào đặt hàng thì té ra thầy viết chữ lem nhem mà chẳng dám kêu.

Thế là mua cái ngậm ngùi mất cả năm ròng. Lại cũng có thầy nói ba, xong việc thu bốn, hai bên nhìn nhau như muốn cạch mặt ngay lúc ấy. Đã là chợ thì như vậy, có thật có lừa, biết nói làm sao.

4 - Ngày nay ra chợ , nói cho đẹp là xin chữ, thực chất là mua chữ và bán chữ. Thuận mua vừa bán là xong. Người bán chữ ra giá năm chục một trăm, có người bán năm trăm một triệu, tùy “tiếng tăm” mỗi ông đồ.

Cái đạo chơi chữ thì bỏ tiền ra mua khác lắm cái thời xin chữ ông đồ. Cả hai thời, cái tâm đều hướng thiện nhưng cũng khác nhau lắm về nguyện ước. Trả tiền to thì khát vọng lớn.

Xưa người chơi chữ chỉ muốn hướng cái tinh thần văn hóa cho con cháu, nhưng giờ chơi chữ giống như đến xin lộc thánh đền phủ. Thấy một cậu phàn nàn “năm ngoái xin chữ thuận nhưng vợ chồng vẫn cãi nhau kịch liệt, vậy năm nay xin chữ lộc may ra làm ăn khá giả hơn để vợ bớt ì xèo"!

Có ông đồ khá giả một mùa chợ chữ ngày tết thu cả trăm triệu, có ông lại chỉ vài ba triệu. Cũng có ông mất tiệt cả vốn đầu tư chỗ…

Loanh quanh chợ chữ ngày xuân dù chỉ là cái chợ mua bán chữ nhuốm màu bụi bậm của kim tiền, nhưng cái cốt lõi của nó vẫn là hướng đến những mơ ước tốt đẹp. Người ta cầu mong may mắn đem lại từ con chữ. Cũng là điều đáng khích lệ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG