Rọi đời người vào lịch sử

Rọi đời người vào lịch sử
TP - Không hiểu sao Hollywood với sóng thông tin mạng phẳng lì vẫn luôn có những phim trùng lắp đề tài. Vừa quay đi khỏi phim Bạch Tuyết này đã có phim Bạch Tuyết khác. Vừa hết hồn với Lincoln ma cà rồng thì lại lo lắng không biết có phải đọc lịch sử Hoa Kỳ trước khi xem Lincoln chính truyện của Steven Spielberg hay không!

> Oscar 2013 dễ và khó đoán
> Lại thêm chiến thắng cho 'Argo'

Song dù đề tài không mới, nguồn sáng tạo của đạo diễn bậc thầy này vẫn chảy theo bài bản kinh điển để kéo người xem đến rạp: dùng ngôn ngữ điện ảnh thuần chất để khắc họa lịch sử dưới bóng một vĩ nhân.

Spielberg chỉ làm một việc mà trong giới ai cũng hiểu rõ nhưng không phải đều làm được: muốn có một phim hay thì đạo diễn phải dẫn đầu trong việc chọn đề tài tâm đắc (và hợp thời?), kịch bản tốt (cuối cùng thì Tony Kushner được chọn), và casting (chọn vai), đặc biệt là diễn viên chính đúng nhất.

Daniel Day- Lewis đã chứng tỏ sự đúng ấy sau khi đọc một núi tài liệu chỉ để tạo được chất dữ dội và nhân từ trong hình hài to lớn và kiệt sức của vị tổng thống mới tái đắc cử.

Còn những lời phê bình kiểu như “sao lại chọn diễn viên người Anh vào vai Tổng thống Mỹ” theo tôi thật phi lý. Cũng vậy, nếu có ai khen rằng sao đạo diễn khéo chọn thế, Day-Lewis chỉ kém Lincoln có chưa đầy một tuổi, thì quá nực cười.

Những chuyện còn lại, từ thủ pháp và kỹ thuật điện ảnh, đến chọn thời điểm trình chiếu (vào thời điểm nóng bỏng của cuộc tranh cử Obama-Romney tháng 11-2012, vào dịp năm mới ở châu Âu và nhiều nơi khác) đều đứng sau trong thứ tự ưu tiên để làm nên một phim tầm cỡ.

Nhưng tất cả đều được Spielberg thực hiện hoàn hảo, giúp người xem không rơi vào cơn buồn ngủ nào, khi chúi mắt vào những cuộc trò chuyện dài dặc trong bóng tối mờ mờ và cũ kỹ của các gian phòng lớn nhỏ.

Không hiểu đạo diễn có phép thần gì, mà khi Honest Abe (tên thân mật của Tổng thống thứ 16 của Hoa kỳ - Abe Thật thà) quì khom xuống cời lửa trong lò sưởi trong khi bàn thảo với các cộng sự (hình như là Bộ trưởng ngoại giao William Seward) về sự cần thiết phải thông qua Tu chính thứ 13 của Hiến pháp trước khi nội chiến chấm dứt, khán giả cảm thấy ngột ngạt, không biết vì than trong lò hay vì không khí chính trị căng thẳng trên phim.

Với bộ phim mới nhất, và có vẻ ít nhất những cảnh bạo lực này, Spielberg muốn chứng tỏ ngôn ngữ điện ảnh không nằm ngoài ngôn ngữ nói.Xem Lincoln có thể thấy sức mạnh của ngôn từ, trong khắc họa chân dung điện ảnh.

Một trường đoạn đặc sắc là cuộc thuyết trình – độc thoại về vai trò của cá nhân tổng thống, những khe hở và ranh giới mong manh của luật pháp và việc làm thế nào chấm dứt vĩnh viễn chế độ nô lệ trong một liên bang có nhiều tầng chế định.

Lincoln – Day-Lewis của Spielberg chiếu thẳng ánh mắt rất sắc, hiền lành mà láu lỉnh, đúng theo cách của một luật sư tỉnh lẻ và nói nhỏ nhẹ: “Tôi sẽ làm cho Tu chính án 13 được thông qua vào tháng Hai!”. Ngôn ngữ, được diễn đạt bằng chất giọng hơi cao và không quá nặng của một trí thức miền Nam Mỹ, đã làm sống lại một Lincoln như lịch sử ghi nhớ.

Ngôn ngữ cũng tạo độ hài hước làm nên những chi tiết đắt khác của phim, như cảnh Lincoln kể lại chuyện ông tìm cách khéo léo tha cho một bà già 77 tuổi khỏi phải thụ án ngộ sát ông chồng vũ phu.

Chỉ cần Day-Lewis nháy mắt, là có thể thấy nét nhân hậu khôn ngoan. Tiếng nghẹn ngào khi an ủi vợ, khi một đứa con qua đời, hay tiếng lục khục vừa nói vừa cười khi ông bao biện trong cuộc họp Đảng cộng hòa, rằng “tôi lười đến nỗi nếu bắt đầu nói chuyện gì thì không thể ngừng nói”, đã góp phần hoàn chỉnh bức chân dung của Lincoln trong giai đoạn lích sử bi tráng nhất.

Kịch tính và cao trào trong phim cũng được dựng thông minh đến độ. Từ cách nhấn nhá trong giọng nói của Lincoln, đến từng dáng ngồi và thái độ của các thượng nghị sĩ; từ sự im lặng ghê người của Tổng thống đang chờ đợi kết quả trong nhà Trắng, sau khi từ chối thương thảo hòa bình và kiên quyết tiếp tục bỏ phiếu Tu chính án, đến tiếng thét cắt tim của đứa con trai út, đang ngồi xem nhạc kịch trẻ em và nghe tin người cha Tổng thống vừa bị ám sát.

Sử sách ghi lại rất rõ ràng những chi tiết kịch tính không kém về cái chết của ông.

Rằng ông đã ngồi một mình như thế nào trong nhà hát, vì cận vệ đang đi uống rượu, rằng tay diễn viên Dân chủ ủng hộ Liên bang miền Nam đã lén tới sau lưng ông và bắn vào đầu ông ra sao, rằng máu chảy đã khiến người ta nhầm là ông bị đâm. Tất cả không được diễn lại. Chỉ một tiếng thét của đứa con. Spielberg quả là tài năng lớn.

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chủ nhật này Spielberg được Oscar đạo diễn lần thứ ba, và cũng thích thú chờ đợi xem Daniel Day-Lewis có lập hat-trick, ba lần đoạt Oscar nam vai chính không.

Điều đó không quá bất ngờ. Ngay cả dự đoán Lincoln lãnh giải phim hay nhất cũng không quá táo bạo. Chỉ là sẽ đáng tiếc nếu Life of Pi màu mè, Những người khốn khổ quá đẹp và bài bản, và Argo hơi lên gân lên cốt- mặc dù cũng rất hay- ẵm mất giải này của Lincoln.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG