Vì sao Maika?

Vì sao Maika?
TP - Nhiều khi một cuốn tiểu thuyết một bộ phim cũng không thể nói nhiều bằng một bức ảnh. Điều này có thể được khẳng định qua loạt ảnh về tình yêu đồng tính đã giúp Maika Elan- nữ nhiếp ảnh gia người Việt đầu tiên đoạt giải Ảnh Báo chí Thế giới.

> 10 năm chiến tranh Iraq qua 10 bức ảnh chấn động thế giới
> Bộ ảnh VN đoạt giải nhất Ảnh Báo chí thế giới

Cuốn sách gồm gần 40 bức ảnh của các cặp đồng tính và chuyển giới trong không gian riêng tư và trong những khoảnh khắc ấm áp nhất, gần gũi nhất. Những gì ít gặp, ít có thông tin thường được cho là bất thường.

 Tôi đã xem phim, đọc sách về người đồng tính nhưng không hiểu gì. Cho đến khi xem ảnh của Maika- tôi cảm thấy như mình đã nhìn thấu gan ruột của họ. 

Nhiếp ảnh gia, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn

Tình yêu đồng tính có lẽ cũng như vậy. Cho đến khi những tình nhân đồng tính mở cửa cho Maika bước vào không gian riêng của họ, đồng nghĩa với chia sẻ không gian đó với tất cả mọi người. Đồng tính hóa ra cũng không là cái gì quá khó hiểu, mang tính cấm kỵ.

Đúng như cái tên Maika đặt cho dự án: Yêu là yêu. Cô đã cho biết một thực tế: các cặp đồng tính vẫn thu xếp để yêu nhau, sống với nhau tốt mà không quá phụ thuộc vào sự chấp nhận hay đồng cảm từ môi trường xung quanh.

Cũng có một số cặp phải mượn dự án Yêu là yêu để bộc lộ cho người thân biết. Rồi có cặp phải chia tay vì không chịu nổi sức ép của việc bộc lộ. Tuy nhiên có trường hợp Maika và 2 nhân vật đang đóng cửa làm việc trong phòng, thì người nhà gõ cửa... đòi chụp chung. Kết quả là có bức ảnh cả nhà cùng hát karaoke.

Các cặp dị tính chênh lệch tuổi tác quá nhiều thường hay bị dư luận nói này nọ (kiểu phi công- máy bay), thì trong dự án của Maika, tuổi tác không còn là vấn đề. Điển hình là một cặp đồng tính nam ở Hà Nội chung sống 13 năm, chênh nhau 16 tuổi. Một cặp khác chênh 27 tuổi và mới chung sống 2 năm. Cặp chênh tới mức kỷ lục: 44 tuổi thì được biết đã không còn chung sống nữa.

Người thắng giải Ảnh Báo chí Thế giới ký tặng trong ngày ra mắt sách ảnh “Yêu là yêu”. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Người thắng giải Ảnh Báo chí Thế giới ký tặng trong ngày ra mắt sách ảnh “Yêu là yêu”. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Một khi đồng tính bị đưa vào điểm ngắm, nó bị xét nét theo nhiều kiểu. Một độc giả nữ trẻ tỏ vẻ cám cảnh khi một số cặp đôi trong sách ảnh của Maika sống trong nhà trọ tạm bợ.

Điều đó dường như phần nào nói nên tính tạm thời trong quan hệ của họ? Maika: “Sống trong môi trường nào không quan trọng. Có nhau mới là quan trọng. Môi trường sống của nhiều cặp đôi dị tính trẻ ở đô thị cũng vậy thôi”.

Cô nói thêm: “Nhiều người dị tính mà tôi biết cũng yêu nhau ngắn ngủi, rồi có khi một người yêu một lúc vài người. Còn các cặp đồng tính sống với nhau 2 năm mà vẫn có người bảo ngắn làm tôi cũng hoang mang. Mọi người tập trung vào yếu tố đồng tính quá”.

Trong buổi ra mắt sách Yêu là yêu, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn phát biểu: “Tôi đã xem phim, đọc sách về người đồng tính nhưng không hiểu gì. Cho đến khi xem ảnh của Maika, tôi cảm thấy như mình đã nhìn thấu gan ruột của họ”.

Ông Tuấn cũng đánh giá cao “con người” của Maika vì theo ông các bộ môn nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa... đòi hỏi thời gian rèn luyện, còn nhiếp ảnh (dường như) chỉ bấm một cái là xong. Vì thế mà con người phải ổn đã, thì ảnh mới đẹp được.

Maika chia sẻ bí quyết thành công của dự án: “Tôi đến với họ bằng sự chân thành, không tô vẽ về một cái gì có tác động thay đổi xã hội, mà đơn giản chỉ mời họ tham gia một dự án. Chỉ là tôi tò mò về họ”.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán: “Cũng vài lần tôi mừng vì nhiếp ảnh Việt Nam đoạt các giải thưởng quốc tế, nhưng bây giờ thực sự mừng. Tôi thấy mình được thơm lây”.

Tay máy tự do U30 Maika đã thi hành ngon ơ một tác vụ tưởng như bất khả thi đối với ngành ảnh báo chí Việt Nam. Tình yêu và sự tò mò đã làm nên chuyện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG