Bạo lực gia tăng trong phim Việt

Bạo lực gia tăng trong phim Việt
Có đáng hay không khi để người xem trẻ tuổi (mà phần lớn chưa đủ năng lực kiểm soát hành vi của mình) tường tận cách trả thù, cách giết người không ghê tay thông qua tác phẩm điện ảnh?

Bạo lực gia tăng trong phim Việt

> Cảnh nóng phim Việt ngày càng thô thiển

Có đáng hay không khi để người xem trẻ tuổi (mà phần lớn chưa đủ năng lực kiểm soát hành vi của mình) tường tận cách trả thù, cách giết người không ghê tay thông qua tác phẩm điện ảnh?

Nhiều bộ phim Việt Nam sản xuất gần đây chọn khai thác những đề tài mang tính bạo lực. Trong đó có không ít phim đã bị cơ quan quản lý Nhà nước ách lại.

Cảnh bạo lực trong phim Đường đua (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Cảnh bạo lực trong phim Đường đua (Ảnh do đoàn phim cung cấp).
 

Bạo lực: Ăn khách?

Phim Đường đua của đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Huy, Hãng phim Xanh sản xuất, bị từ chối cấp phép phát hành để sửa chữa tổng thể bởi nội dung “phơi bày một xã hội đen tối, bế tắc, với sự xuất hiện của các băng nhóm xã hội đen cùng những cảnh cờ bạc, hãm hiếp, đâm chém, giết người lạnh lùng không ghê tay”, như nhận xét của Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện.

Phim Bụi đời Chợ Lớn cũng bị đánh giá bạo lực quá mức, với những lời nhận xét tương tự của cơ quan cấp phép.

Lý giải cho việc một loạt phim sản xuất gần đây: Ngôi nhà trong hẻm, Lấy chồng người ta, Bẫy cấp ba, Đường đua, Bụi đời Chợ Lớn… chú trọng khai thác bạo lực, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, Thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện, cho rằng đó là hiện tượng tự nhiên khi các nhà sản xuất phim hướng tới mục tiêu làm phim giải trí.

Các nhà sản xuất (tư nhân) thăm dò thị trường và đưa ra những đơn đặt hàng đáp ứng thị hiếu mà họ đã nghiên cứu. Giới trẻ thích có cảm giác mạnh, họ lại là khán giả chính của điện ảnh. Chính vì thế, muốn đáp ứng nhu cầu của số đông, các nhà sản xuất không thể bỏ qua yếu tố này” - bà Nhã nhấn mạnh.

Ông Lý Thái Dũng, Phó Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam, cũng có chung quan điểm. Theo ông Dũng, tất cả những nhà làm phim kinh doanh đều phải tính đến nhu cầu khán giả - “Hãy coi đó là chuyện bình thường. Nhà sản xuất nhìn thấy gì ăn khách thì họ thể hiện. Đó là quy luật tất yếu của thị trường”.

Tuy nhiên, bạo lực không phải là yếu tố ăn khách. Một loạt phim khai thác bạo lực ra rạp thời gian qua đã chứng minh điều đó. Ngôi nhà trong hẻm, Lấy chồng người ta, Bẫy cấp ba... đều có doanh thu thấp so với những bộ phim khai thác các đề tài khác.

Theo bà Trịnh Thanh Nhã, ở một khía cạnh khác, phim hành động không đòi hỏi quá nhiều chất trí tuệ. Những thông điệp của chúng cũng thường đơn giản. Việc các đạo diễn trẻ Việt kiều có vẻ nổi lên với những phim mang nhiều dấu ấn bạo lực, hay nói cách khác là họ tự thấy mình thích hợp với thể loại phim hành động cũng là điều dễ hiểu.

Các đạo diễn Việt kiều thế hệ thứ hai (sau Hồ Quang Minh, Trần Anh Hùng…) có lẽ đã không còn hứng thú đi tìm chỗ đứng cho điện ảnh dân tộc mình trong bản đồ điện ảnh thế giới nên họ lựa chọn con đường mà thoạt nhìn có vẻ dễ hơn để có thu nhập và để gây ấn tượng mạnh đối với khán giả trẻ. Tôi cho đó là xu hướng tự nhiên, là lựa chọn thích hợp cho chính họ” - bà Nhã nói.

Hiếm phim hành động đạt chuẩn mực

Với tư cách một người gắn bó với điện ảnh Việt Nam, bà Nhã nhận xét rất hiếm phim hành động của Việt Nam đạt chuẩn mực.

Sau Dòng máu anh hùng, tôi từng hy vọng dòng phim hành động của Việt Nam đã có thể khởi động và hoàn thiện trong tương lai gần. Tuy nhiên, chờ rất lâu mới thấy thêm Thiên mệnh anh hùng. Ở cả 2 phim này đều mang dấu ấn rõ ràng của niềm tự hào dân tộc chính đáng. Như vậy, vấn đề không phải ở chỗ bạo lực (hay hành động) nhiều hay ít mà ở chỗ những hành động giết chóc, đánh đấm ấy được trình diễn cho mục đích nào? Nghĩa là sau tất cả những pha đánh đấm ấy, có thông điệp nào giá trị không?” - bà Trịnh Thanh Nhã nói.

Một đạo diễn khác cũng bày tỏ có quá nhiều cơ hội cho các anh hùng ra tay vì giá trị sống, giá trị nhân văn của xã hội đang bị xâm hại hằng ngày. Thế nhưng, tiếc là mục đích của các nhân vật hành động trong nhiều phim Việt hiện nay không có được cái lý do đáng quý đó. Do vậy, dường như mọi trò giết chóc, đánh đấm đều trở nên không cần thiết, thậm chí quá lố.

Một thực tế không thể phủ nhận, ảnh hưởng của phim ảnh đến giới trẻ rất lớn. Bà Nhã cũng cho rằng nguyên tắc ứng xử với mức độ bạo lực trong phim phải được chính các nghệ sĩ quan tâm trước hết.

Mỗi nghệ sĩ khi thực hiện một phim hành động có xu hướng bạo lực tăng cao phải tự kiểm soát bằng câu hỏi: Có đáng hay không khi ta để người này giết một kẻ khác? Có đáng hay không khi để người xem trẻ tuổi (mà phần lớn chưa đủ năng lực kiểm soát hành vi của mình) tường tận cách trả thù, cách giết người không ghê tay thông qua tác phẩm của mình? Và cuối cùng, có lẽ họ phải đặt ra câu hỏi trước khi thực hiện các “siêu phẩm bạo lực” của mình rằng nhân vật của họ, có ai đáng sống không? Có ai được coi là anh hùng? Và những anh hùng của họ đang bảo vệ cái gì? Trả lời được những câu hỏi này, tức là họ đã đặt tác phẩm của họ ở nấc đầu tiên của sự chuẩn mực rồi” - bà Trịnh Thanh Nhã đặt vấn đề.

Không khéo là quảng cáo cho phim !

Nói về những ảnh hưởng của phim ảnh đối với khán giả, bà Trịnh Thanh Nhã cho rằng: “Ngay tại Mỹ, gần đây, các phụ huynh học sinh và Giáo hội Thiên chúa đã lên tiếng đòi chính phủ của họ phải có biện pháp quản lý ngành sản xuất phim để giảm thiểu các sản phẩm chứa quá nhiều hình ảnh bạo lực gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý giới trẻ. Như vậy, vấn đề kiểm soát mức độ bạo lực trong các phim hành động không chỉ được đặt ra ở Việt Nam. Nó là vấn đề toàn cầu”.

Theo ông Lý Thái Dũng, nên dán nhãn phân loại phim theo độ tuổi. Mỗi dạng phim có một giới khán giả riêng, công chúng có quyền quyết định món ăn tinh thần của mình.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc phân loại, dán nhãn phim theo kiểu “cấm trẻ em dưới 16 tuổi” mà không được giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm thì sẽ trở thành quảng cáo cho phim thêm đắt khách.

Theo Hoàng Lan Anh
Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.