Khi Sidney Sheldon kể khổ

Khi Sidney Sheldon kể khổ
TP - Báo chí viết về nỗi đau, góc khuất của người nổi tiếng thì họ cũng nhẹ bớt và người đọc có dịp chia sẻ, vấn đề là liều lượng ra sao và với mục đích gì?

> Sidney Sheldon và một ngày mai không bao giờ đến
> Giải mã chàng trai có khả năng truyền lửa

Trong cuốn tự truyện viết ở tuổi 87- chỉ 2 năm trước khi qua đời, tên là “Phía bên kia của tôi”, nhà văn đứng thứ 7 trong số tác giả bán chạy nhất thế giới Sidney Sheldon kể về thất bại của mình nhiều hơn thành công.

Ông từng vài lần suýt tự tử; mắc chứng hưng trầm cảm dễ dẫn đến mất kiểm soát; con gái vừa ra đời đã chết do bị chứng bệnh hiếm gặp. Ông cũng không kể đã tiêu số tiền khổng lồ 3 tỷ đô la như thế nào mà chủ yếu ôn lại những chặng đời khốn khó. Đọng lại, người đọc hiểu thêm về “phía bên kia” của một nhà văn danh giá, tỷ phú, người chồng có hai đời vợ đều hạnh phúc.

“Người giàu cũng khóc” nhưng ông không gây cho người đọc cảm giác phải bi lụy thay, mà hiểu thêm về xã hội Mỹ không phải không có bất cập nhưng cơ hội chia đều cho mọi người nhất là khi họ có tài và có ý chí.

Trong tác phẩm “Thư gửi bố” của Franz Kafka mới ra mắt độc giả Việt Nam, nhà văn cũng không nề hà kể lại mối quan hệ căng thẳng với ông bố lý tài, khiến nhà văn đau khổ suốt cuộc đời. Dẫn ra ví dụ về Sheldon và Kafka để nói, nhà văn đôi khi không ngần ngại bộc bạch đời tư, nhưng mục đích của họ chắc chắn không phải chỉ để thỏa mãn tò mò của độc giả.

Báo chí viết về nỗi đau, góc khuất của người nổi tiếng thì họ cũng nhẹ bớt và người đọc có dịp chia sẻ, vấn đề là liều lượng ra sao và với mục đích gì? Trong truyện ngắn “Chúc phúc” của Lỗ Tấn, nhân vật Tường Lâm có đứa con trai bị chó sói vồ, một nỗi đau quá lớn ai cũng đồng cảm.

Nhưng khi chị nói quá nhiều về nó, gặp ai cũng kể đi kể lại “quả nhiên tôi thấy cháu nằm sóng sượt giữa một cái hang cỏ, lòng gan bị ăn sạch, còn toang hoang mỗi cái bụng không, tay cháu vẫn nắm chặt cái làn con…” thì dần dần người ta lảng không nghe không cảm thông nữa. Đau đớn là thế.

Nhà văn Lê Lựu mới đây phải lên tiếng “Tôi không cần ai thương hại”. Số là sau khi có nhiều bài báo viết về đoạn cuối đời buồn tủi của ông, nhiều bạn đọc tìm đến bày tỏ xót xa, cho ông tiền, khi mà ông không hề túng thiếu. (Ông vốn là một đại tá về hưu và doanh nhân). Những bài báo này, có bài vừa phải, đọc cảm động, có bài nặng về tố khổ, vẽ nên một Lê Lựu đang sống dở chết dở, gây hiểu lầm cho bạn đọc dù họ đều có ý tốt.

Chuyện đời tư người nổi tiếng xưa nay vẫn là đề tài dễ ăn khách. Lâu rồi dạo nọ nhạc sĩ Phú Quang bị đồn ung thư chết đến nơi. Gặp thấy anh vẫn hớn ha hớn hở, tôi bảo “Ai bảo lên báo khoe càng ngày càng trẻ hóa đội ngũ hâm mộ, người yêu mới đôi mươi, nên người ta ghét người ta trù ẻo”. Anh thanh minh “Có khoe khoang gì đâu, toàn nhà báo tự viết đấy chứ, chả nhẽ lại kiện”.

Tài tử Dustin Nguyễn cũng than báo chí đã làm khó cho anh khi cứ khai thác, ca ngợi mối tình của anh với người vợ ngồi xe lăn, trong khi anh luôn tâm niệm “biết ra sao ngày sau”. Và kết cục đúng là như thế. “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt” (Xuân Diệu) mà cứ viết về tình yêu như thể bất biến.

Hỏi nhà thơ Vũ Quần Phương, ông muốn đời tư của mình được quan tâm đến đâu, ông đáp: “Đời tư của một người nhất là người nổi tiếng, người khác biết càng ít càng tốt, mình sẽ sống tự do. Nhiều người quan tâm đến mình thì mất tự do. Còn báo chí, không nên đi sâu vào tiểu sử của một người nếu nó không nói được vấn đề của cả xã hội”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG