Do tâm lý đám đông

Do tâm lý đám đông
TP - Show múa “Những bóng ma ban ngày” của Đoàn Minh Hoàn diễn ra từ 11/5/2013 nhưng đến giờ nó vẫn “nóng hổi” trên các diễn đàn. Đoàn Minh Hoàn thoải mái bày tỏ về tác phẩm của mình với Tiền Phong Chủ Nhật.

Đa số các comment ủng hộ thái độ tẩy chay áo chống nắng xấu xí. Một số còn lại bảo lưu ý kiến: mặc sao là quyền của mỗi người! Đã hai tuần sau khi diễn ra “Những bóng ma ban ngày”, các phản hồi tác động thế nào đến chị?

Những người ủng hộ tôi đa phần là nam giới. Phụ nữ cũng có. Và có cả một số người nổi đóa lên nữa. Tôi mừng vì mọi người đã quan tâm. Việc gì cũng vậy, phải có bàn cãi, tranh luận thì mới sáng ra được vài điều.

Những ý kiến “bảo thủ” cho rằng, sở dĩ họ phải diện “váy đụp” ra đường là vì cũng chẳng có sự lựa chọn khác?

Lựa chọn hay không là do mình chứ. Khi mình không muốn mua những sản phẩm xấu thì nhà sản xuất bán cho ai? Vả lại, nếu đồ may sẵn không đẹp, bạn hoàn toàn có thể thửa riêng đồ chống nắng cho mình cơ mà. Hoặc dùng kem chống nắng.

Có nhiều nữ nghệ sĩ cũng đã nói về vấn đề này, Phan Thị Vàng Anh viết rằng chị em ra đường mặc quần áo chống nắng trông như “những đống giẻ di động”, nhà văn Di Li cũng rất nhiều lần trả lời phỏng vấn “chống” lại áo chống nắng, nhưng hình như chưa ai “ngoa” như chị, gọi những người mặc nó là “những bóng ma”?

Đấy là cảm nhận của nhiều người, không phải riêng tôi. Áo chống nắng che hết những đường cong, phô ra toàn thứ bèo nhèo xấu xí và nhàu nhàu bẩn bẩn. Việc này cũng giống như bạn quăng rác ra đường ấy! Sạch nhà bạn nhưng sẽ làm ô nhiễm thành phố.

Chương trình múa này vẫn còn gây tranh luận
Chương trình múa này vẫn còn gây tranh luận.

Trong quá trình chuẩn bị cho show diễn, chị đã tự đi chụp rất nhiều ảnh phụ nữ mặc áo chống nắng, chị có tìm hiểu được nguyên do của cơn sốt đồng phục xấu này không?

Đều là do tâm lý đám đông mà ra. Nghĩ lại xem, mười năm trước Hà Nội có ai mặc nhếch nhác thế ra đường đâu? Thế rồi một ngày xấu trời nào đó, có người diện áo chống nắng (nghe đâu copy từ đồ lao động của nông dân Hàn Quốc), rồi tất cả phụ nữ a dua theo. Bộ mặt thành phố tự nhiên xấu khủng khiếp. Mình là phụ nữ nhìn còn ngán. Nữa là đàn ông.

Gì thì gì, chương trình của chị cũng làm chạm nọc nhiều người. Chẳng ai thích bị gọi là “những bóng ma” cả!

Bởi vậy, lượng đá ném về tôi cũng kha khá. Bạn tôi còn tức thay, bảo mày phải nói gì đi chứ, phải phản biện lại chứ. Tôi chỉ cười. Phật dạy: “có những thứ mọi người cho ta, ta không nhận thì thuộc về họ”!

Công bằng mà nói thì lượng đá chị nhận được chưa là gì so với trình diễn của nhiều nghệ sĩ đương đại khác. Chị không thích những đề tài có thể gây sốc à, áo chống nắng chỉ là chuyện bé tí thôi mà?

Bản thân tôi không thích những thứ gây sốc. Tôi muốn làm nghệ thuật để sẻ chia, nếu có thể tác động đến cộng đồng thì quá tốt. Tôi không phù hợp với những triết lý và ý tưởng cao siêu, chỉ làm cho một số tri kỷ thưởng thức với nhau. Gọi là thủ dâm nghệ thuật cũng không ngoa!

Tên show diễn nghe rất hầm hố nhưng khi trả lời phỏng vấn chị lại chỉ nhẹ nhàng nói là “không bài xích, lên án, chỉ sẻ chia”, có mâu thuẫn không?

Tôi luôn cực đoan trong tác phẩm của mình, nhưng khi tiếp cận khán giả, tôi muốn chọn một lối nhẹ nhàng. Không ai thích bị giáo huấn cả. Mọi người đều sắc sảo và thông minh. Sẽ là vớ vẩn nếu tôi đưa ra một thông điệp mang tính dạy đời hay đại loại vậy. Sự chân thành chính là lối tiếp cận tốt nhất và ngắn nhất.

“Những bóng ma ban ngày” gồm hai phần: một, sắp đặt hơn 10.000 bức ảnh gắn lên 40 bức tượng người bằng gỗ phản ánh thực trạng sự dụng áo chống nắng trên đường phố hiện nay. Hai, phần múa tạo hình của Đoàn Minh Hoàn với sự kết hợp của 15 diễn viên múa thể hiện cảm xúc về thực trạng này.

Đạo diễn: Đoàn Minh Hoàn; Âm nhạc: Vũ Nhật Tân, Brett Sweizman (New York); Body paintings: họa sỹ Phương Vũ Mạnh; Diễn viên múa (chính): Đoàn Minh Hoàn, Jakob Schenker.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG