Nóng bỏng cuộc đua giành cổ vật

Nóng bỏng cuộc đua giành cổ vật
TP - Cuộc đua giành cổ vật đang diễn ra gắt gao giữa bảo tàng nhà nước, bảo tàng tư nhân, các nhà sưu tập cổ vật và người môi giới.

> Đưa cổ vật từ chợ làng ra thị trường

Bộ ấm chén hoàng cung quý hiếm
Bộ ấm chén hoàng cung quý hiếm.

Bảo tàng nhà nước đang chậm chân khiến nhiều hiện vật quý tuột tay, rơi vào các nhà sưu tập nhanh nhẹn và chịu chi. Tình cảnh này được dự đoán sẽ còn thê thảm hơn trong thời gian tới. Trong khi đó, các giám đốc bảo tàng đều được cho là đã phạm pháp mà không biết.

Bảo tàng nhà nước luôn chậm chân

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) Đặng Thị Bích Liên ví von trong một cuộc tọa đàm tuần qua: Mua bán cổ vật bây giờ lãi ngang buôn ma túy, nên sức ép về công tác sưu tầm hiện vật cho bảo tàng công lập là rất nặng nề.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN Phan Văn Tiến nói, công tác sưu tầm hiện vật tương đối thuận lợi trong những năm đầu thành lập Bảo tàng, với nhiều hiện vật tốt, có chất lượng. Càng về sau, việc sưu tầm càng trở nên khó khăn, nhất là khi đã hội nhập. Từ chỗ mua tác phẩm trên tinh thần thỏa thuận, ít cạnh tranh, nay Bảo tàng Mỹ thuật phải nhìn nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật được các nhà sưu tầm trong và ngoài nước mua với giá cao.

Ông Tiến cho rằng, đối tượng tham gia thị trường mỹ thuật ngày càng đông và có tiềm lực tài chính lớn, do đó nhiều tác phẩm có giá trị đã chảy máu ra nước ngoài. “Không hiếm bức tranh VN sang Úc sang Singapore có giá gấp 30- 50 lần so với giá bán tại VN, điều đó cho thấy chúng ta rất thiệt thòi. Chẳng hạn bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh vừa rồi được đấu giá lên tới 360.000 USD, bảo tàng công lập lấy đâu tiền mà mua. Bây giờ không nhanh và không sẵn kinh phí là trượt”.

Bảo vật hoàng cung trong một lần trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Trần Thanh
Bảo vật hoàng cung trong một lần trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Trần Thanh.

Nhiều vị giám đốc bảo tàng khi trao đổi với Tiền Phong đều ví von việc kiếm tìm và mua sắm hiện vật cho bảo tàng đang giống như cuộc chạy đua giành giật sự sống cho thiết chế này. Cuộc đua ấy diễn ra gắt gao, và bảo tàng chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sưu tập cổ vật, các bảo tàng tư nhân và người môi giới. Trong khi đó, đặc trưng của bảo tàng là trưng bày. Không có hiện vật gốc giá trị thì không thể trưng bày.

Cuộc cạnh tranh còn đáng chú ý hơn khi cán bộ sưu tầm của bảo tàng ngả nghiêng trước hoa hồng. Đó là phần trăm mà các nhà sưu tập dành tặng họ khi nhân viên bảo tàng mách trước cho nhà sưu tập những cổ vật mà bảo tàng đang định nhắm tới mua.

Anh Nguyễn Văn Phong - phó giám đốc bảo tàng Bắc Giang nói, hiện vật quý thì rất hiếm, bởi thế trong đêm khuya mưa gió, nhận được điện thoại báo rằng nơi ấy nơi kia đang bán một hiện vật cực “độc”, là các anh tỉnh hẳn người, bật dậy phóng xe đi ngay. Chậm chân là mất. Không chi nhanh cũng mất. Hồi trước, có cái nhà sàn niên đại hàng trăm năm rất giá trị, anh Phong đến mua. Họ đồng ý bán với giá 30 triệu đồng. Về làm giấy tờ thủ tục, quay lại thì họ ra giá 60 triệu đồng. Hóa ra họ đã tiếp xúc với dân chơi cổ vật trong thời gian nhân viên bảo tàng làm thủ tục giấy tờ. Rốt cục, bảo tàng cũng chốt giá 60 triệu đồng. Nhưng quay lại lần hai, họ đã ra giá 120 triệu đồng.

Theo quy chế tự chủ tài chính, các đơn vị cơ quan nhà?nước phải xin phép cấp trên khi mua tài sản hơn 100 triệu đồng, và được tự quyết khi mua sắm tài sản dưới 100 triệu đồng. Bởi vậy, trước những hiện vật, những tác phẩm giá trị, các bảo tàng rất tốn thời gian mới hoàn tất được thủ tục.

Nhiều bảo tàng công lập cho rằng, quy trình sưu tầm hiện vật - vốn đã chậm - sẽ càng chậm hơn nếu tuân thủ đầy đủ 7 bước mà Cục Di sản soạn thảo trong dự thảo thông tư về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập.

Bảy bước ấy gồm: tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về hiện vật dự kiến mua; lập phiếu hiện vật dự kiến mua theo mẫu; lập kế hoạch mua hiện vật trình giám đốc bảo tàng xem xét quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch; hội đồng thẩm định mua hiện vật bảo tàng tổ chức thẩm định để lựa chọn hiện vật có đầy đủ tiêu chí của đối tượng sưu tầm theo quy định và xác định giá mua hiện vật theo quy định; trình cấp có thẩm quyền quyết định mua hiện vật; tổ chức mua hiện vật; hoàn thiện hồ sơ hiện vật theo quy định của bảo tàng. Dự kiến thông tư này sẽ có hiệu lực từ giữa tháng 11 năm nay.

Mua sắm hiện vật không giấy tờ

Phó cục trưởng Cục Di sản Nguyễn Hữu Toàn kể: Có vị thứ trưởng nói với tôi, bây giờ nếu không quy định rõ về việc sưu tập hiện vật cho bảo tàng công thì ông bà  giám đốc bảo tàng nào cũng có thể bị bắt bỏ tù. Vì các vị ấy đã mua sắm hiện vật rất bừa bãi, chẳng có giấy tờ căn cứ gì cả. Thích là mua.

Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Đặng Thị Bích Liên khẳng định: Không thể mua sắm hiện vật cho một đơn vị nhà nước mà thiếu thủ tục giấy tờ được. Đây là tiền nhà nước, tiền thuế của nhân dân. Muốn tiêu tiền nhà nước chúng ta phải tuân thủ quy định mà nhà nước đã đặt ra, chứ không thể cứ thích là mua ngay, thích ra giá bao nhiêu cũng được.

Như vậy, bảo tàng công lập đang (và sẽ) vừa chậm chân vừa ít tiền, rất khó giành được các hiện vật quý, nhất là những cổ vật đang ở trong dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".