'Người cố nhân'

'Người cố nhân'
TP - 1.Câu 1 đề thi Văn khối D năm nay: Trong tùy bút “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân từng nhìn "sông Đà như một cố nhân”. Người cố nhân ấy có tính nết như thế nào? Cách ví von ấy có ý nghĩa gì?

> Hào hứng với đề Văn về lối sống
> Bộ GD&ĐT trần tình việc cộng điểm cho ... Bà mẹ VN anh hùng

Trong đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, “người cố nhân” này trở đi trở lại mấy lần, in đậm in nghiêng các kiểu. Các “nhà giáo dục gia”, “người giáo viên” này mải lo toan cho những “người học sinh” thế nào mà sơ sẩy thế. Và đầy lỗi diễn đạt khác, ví dụ đã “cập” lại còn “đến”: “Ý kiến này muốn đề cập đến tính cách thụ động…” (đáp án câu 2).

Đề thi Văn khối C, câu 2 có đoạn: “Nhìn lại vốn văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu có nêu một nhận xét về lối sống của người Việt Nam truyền thống là: Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, gỡ được tình thế khó khăn”.

Thành ngữ Việt Nam nói: “Ăn cỗ đi trước lội nước theo sau”. Hãy hình dung những thành ngữ tục ngữ quen thuộc bị xén bớt, thiếu những chữ trong ngoặc sau đây, thì còn gì là sự chính xác và nét đẹp của nó nữa: Tốt đẹp phô ra, xấu (xa) đậy lại; Của người bồ tát, (của) mình lạt buộc; Ở bầu (thì) tròn, ở ống thì dài; Anh em khinh trước làng (nước) khinh sau. Vân vân.

Tôi đoán GS Trần Đình Hượu bị in sai mo-rat ở sách nghiên cứu của ông hoặc SGK, chứ một danh tiếng như ông chắc không định cải tiến một câu thành ngữ đã hoàn chỉnh. Và nay, việc trích dẫn một cách thật thà câu văn không hoàn hảo đã khiến đề thi bị khiếm khuyết không đáng có.

2.Trong cơn sốt cả xã hội khao khát những đề văn mở, nhất là loại đề nghị luận về phẩm chất và thói tật Việt Nam, đồng thời kêu ca về sự cũ kỹ sáo mòn của chương trình học và thi, thì sao không làm mới những Kiều, Chí Phèo, Chị Dậu anh Pha, Nguyễn (Nguyễn Tuân), Từ (Đời thừa)…bằng cách biến họ thành nhân vật nghị luận, không phân tích nữa.

Quả thật khó mà có gì mới để mổ xẻ ngoại diện, nhân cách của những “người cố nhân” này. Nhưng giả sử, đề nghị học sinh luận rằng thời đại mà anh/chị sống hôm nay có còn những Mã Giám Sinh, Sở Khanh không, Chí Phèo không, A Phủ A Sử, giáo Thứ…không, thì sao?

Phần đầu câu 2 đề thi Văn khối D năm nay viết: “Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm hiểu nguồn cội bằng trải nghiệm của chính mình, chàng trai Việt kiều Trần Hùng John có một nhận xét: Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn”. (John đi tìm Hùng, NXB Kim Đồng, 2013, tr113).

Một học sinh bình luận trên facebook: Đọc đề xong, Xuân Diệu vội vàng cùng phóng viên Phùng cướp chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, lội ngược dòng sông Đà đi tìm cố nhân để truy tìm tung tích của Trần Hùng John. Chả lẽ sắp tới lại xuất bản cuốn “Tớ đã đi tìm Hùng John như thế nào”.

(“Vội vàng” của Xuân Diệu, Phùng trong“Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân là những VIP của đề Văn khối D năm nay).

Đề ra như thế đã là mở rồi. Song sẽ bớt mạo hiểm hơn, đỡ phân tán tập trung của thí sinh vào cái tên lạ, thông số lạ, chưa được kiểm chứng qua thời gian và những thước đo khác, nếu đặt vấn đề kiểu như: Từ đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu (hoặc Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Quỳnh, Tản Đà…) đã viết về tính thụ động của người Việt. Cho đến hôm nay, tính thụ động đó vẫn được giới trẻ đề cập qua cuốn sách X, diễn đàn Y… Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình…

Như thế, đề sẽ còn mở hơn nữa, trải rộng hơn nữa. Văn học là nhân học, đề thi Văn phải biểu hiện được tính căn cốt, gốc rễ, kể cả bàn về quá khứ hay hiện tại, tương lai. Chứ không phải là cơn gió thổi từ tờ nhật trình in tin sốt dẻo được người ra đề tình cờ vớ được trong ngày đẹp trời.

Biến “người cố nhân” thành người hùng thời đại, làm mới luôn luôn những giá trị tưởng không còn có thể đào xới được nữa, mới là nghệ thuật của người ra đề. Học sinh sẽ yêu môn Văn hơn và nếu có sợ, sẽ sợ sao không cảm thụ thấu đáo vẻ đẹp của văn chương, phả vào đó hơi thở cuộc sống. Sẽ bớt đối phó, học tủ học lệch đi, bớt chém gió...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG