Thần tượng, tượng thần

Thần tượng, tượng thần
TP - Gốc của hai chữ “thần tượng”, té ra có một nghĩa, đó là “tượng được tôn thờ như vị thần”.

> Trộm 'viếng' chùa lấy 6 tượng Phật

Trong khi xã hội, nhất là giới trẻ đua nhau chạy theo thần tượng, thì đang có một hiện thực thô bạo khác, đó là báng bổ, trộm cắp tượng thần. Nhẹ thì dúi tiền “hối lộ” vào tay tượng Phật, ngả ngớn trong lòng tượng. Nặng thì trộm luôn cả tượng.

Như tượng nữ thần Chăm vốn là thứ hậu Bia Than Can của vua Po Rome tại tháp Po Rome (Ninh Thuận), vừa bị kẻ gian chặt ngang lưng bưng đi mất. Đáng nói là trước đó pho tượng này từng bị trộm chặt ngang lưng lấy cắp.

Một nghệ sĩ người Chăm sau đó phục chế lại phần bị mất. Nhưng rồi một lần nữa, chính phần phục chế, tức không phải tượng cổ tượng gốc, lại bị trộm “xẻ thịt”. Cũng tại ngôi tháp này, tượng hoàng hậu Bia Than Cih bị đạo chích “vặt” mất phần đầu, vương miện của vua thì “không cánh mà bay”.

Oai linh như Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định cũng vừa bị trộm “vặt” mất hơn chục thanh kiếm và giáo mác tại đền thờ ông ở Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Trước đó, trộm cũng thó mất 6 thanh kiếm quý của Hai Bà Trưng tại đền thờ Hát Môn (Hà Tây cũ) cùng nhiều cổ vật, sắc phong.

Đây là ngôi đền rất linh thiêng, hàng năm vào dịp lễ, chỉ một vài vị tiên chỉ trong làng mới được phép vào cung thượng hành lễ sau khi tắm rửa sạch sẽ và ăn, ở kiêng trước đó nhiều ngày. Thế nhưng bọn trộm chẳng thèm nể nang. Báo chí bây giờ ít hôm lại đăng tin nơi này mất tượng Phật, nơi nọ mộ cổ, lăng tẩm bị đào bới, đột nhập.

Một xã hội đang diễn ra nhiều thứ bi hài. Với nhiều người vẫn đang là “thời của thánh thần”, sì sụp lễ bái khắp nơi. Với lắm kẻ, xẻ thịt tượng thần thánh, trộm cắp linh vật đem bán trở thành thứ nghề quen thuộc. Trong khi lũ trẻ, ít biết Bà Trưng là ai, chỉ châu đầu vào những “bà Tưng, ông Tưng”.

Câu chuyện Bà Trưng mất kiếm, còn “bà Tưng” được hò hét, mang tính biểu trưng nhiều nghĩa của một thời mạt pháp. Mà đầu tiên là một bước tiến lớn của sự thụt lùi nhân cách.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG