Cái bóng ông chồng cũ

Cái bóng ông chồng cũ
TP - Buổi sáng khi thức dậy, tôi nằm lặng im trên cái giường rộng, giữa đám chăn ngổn ngang thơm mùi nước xả vải, cố gắng hít thở bầu không khí trong căn phòng ngủ hơn hai mươi mét vuông.

> Bụi
> Bản án chưa kết thúc

Vì lý do nào đó mà sáng nay tôi không thể cảm nhận rõ ràng ngay cả việc mình hít thở. Ngay cả loại nhạc quen thuộc đứa con gái mới lớn vẫn mở vào mỗi sáng vẳng sang từ phòng bên cũng trở thành một thứ âm thanh lạ lùng.

Minh họa: đỗ phấn
Minh họa: đỗ phấn.

Trong sân nhà tang lễ, ngập những người. Lép nhép và ẩm ướt lẫn mùi nhang, và cả thứ mùi đặc trưng của nơi tổ chức đám tang. Mùi của cái chết.

Tôi đứng cuối hàng vào viếng, mưa rơi lộp độp trên mái nhà tang lễ, trên những cái ô đủ màu, dưới gót giày. Trong bộ quần áo màu đen đầu tiên mà tôi nhìn thấy trong tủ quần áo sáng nay, tôi thấy mình trống rỗng. Tựa như một cái vỏ rỗng đã bị ăn mòn toàn bộ những gì bên trong. Mỏng đến nỗi nếu mưa nặng hạt hơn chút nữa, có lẽ tôi sẽ vỡ tan bên trên đôi giày xám xịt của mình.

Đi đám tang chồng cũ. Quả thật là một kinh nghiệm lạ lùng mà ít khi tôi nghĩ mình có thể sẽ trải qua. Chẳng nên dự báo sớm tất cả những gì xảy đến trong cuộc đời mình.

Loa gọi đoàn người vào viếng. Tôi bước đi chầm chậm, nhích từng bước. Trong lòng không ngừng tự hỏi, có thật ngần ấy năm đã trôi qua, tôi đã sống cuộc đời dài như một cái chớp mắt. Trong bao nhiêu khắc đã đầu gối tay ấp với cái người nằm trong quan tài phía đằng kia. Di ảnh đặt trên cái bàn mới bày mỉm cười nụ cười chẳng biết xa lạ hay gần gũi. Khói hương mờ mịt phủ lấy tấm ảnh.

Tôi lấy người chồng cũ trong một mối quan hệ chớp nhoáng. Lúc ấy, hai mươi mốt tuổi, còn quá trẻ để suy xét nhiều. Cứ nhiều cái gật gù của người quen, xem xét vài tiêu chuẩn mà xã hội vẫn coi là tiêu chuẩn, là lấy.

Từ lúc quen nhau đến lúc đám cưới được tổ chức vừa tròn bốn tháng. Sau này, khi ngầm nghĩ lại, có lẽ, tôi đã yêu không khí những buổi hẹn hò, yêu cái cảm giác có người yêu thành đạt, yêu việc được chiều chuộng hơn là yêu con người ấy.

Lúc nào tôi cũng băn khoăn tự hỏi, chúng ta được dạy dỗ thế quái nào về tình yêu. Hầu như chẳng ai trong chúng ta hiểu một cách rõ ràng và đúng đắn về việc yêu một người như thế nào. Chúng ta chỉ biết rõ cách yêu chính bản thân mình. Và về những tiêu chuẩn.

Những tiêu chuẩn chết tiệt. Những cuộc hôn nhân mù lòa.

Tôi sống trong hôn nhân nhạt nhẽo gần mười năm. Chứng kiến vài chục người đàn bà đi qua cuộc hôn nhân của mình. Vào một buổi tối tháng năm, trước khi đi ngủ, uống một ly rượu vang, tôi biết rằng mình chỉ ở cạnh người đàn ông mà chưa bao giờ mình hiểu ấy thêm một đêm.

Thời điểm ấy đến một cách tự nhiên, như chuông đồng hồ đổ đúng mười hai giờ. Sáng hôm sau, tôi đặt gọn ghẽ đơn xin ly hôn trên mặt bàn giữa phòng khách, rồi xách va ly đi du lịch một tuần.

Những trải nghiệm dị thường của việc ra khỏi cuộc sống của một người, ra khỏi cuộc sống quen thuộc, đảo lộn toàn bộ nếp sống của việc ly hôn quả tình là những kinh nghiệm không nên có trong cuộc sống. Khi cái gì đó vỡ, chạm vào thường gây đứt tay.

Sau này, khi khuyên nhủ những người bạn, tôi vẫn nhắc lại điều ấy như một ám ảnh. Đó là điều không ai muốn trải qua. Khi những người đã từng gần gũi nhất được đặt vào thế sẵn sàng ném đủ thứ, kể cả phi dao găm vào nhau chỉ để thỏa mãn lòng tự yêu mình.

Khi chuyển đến nơi ở mới, trong thời gian chờ ly hôn, tôi đã gặp phải một sự việc kỳ lạ. Tối nào cũng thế, từ khoảng chín giờ, cái bóng của đức ông chồng lăng nhăng lại tới, đem theo đủ thứ thông điệp.

Ban đầu là chửi rủa. Cái bóng sẫm màu đổ bóng trên bức tường đối diện bàn làm việc. Lần đầu tiên nó xuất hiện, tôi cứ ngỡ nó là cái bóng của chính mình. Nhưng khi định thần nhìn kỹ lại, tôi nhận ngay ra nó, cái dáng nghiêng nghiêng, mái tóc bờm xờm và điếu thuốc phì phèo trên môi, cái bóng tôi đã nhìn không biết bao nhiêu lần trong suốt quãng thời gian chung sống, những lúc quay mặt vào tường thổn thức.

Cái bóng chửi rủa đủ kiểu, đủ bài. Phong phú tới mức tôi ban đầu từ kinh sợ phải chuyển sang phì cười vì ngạc nhiên. Chính xác kiểu ăn nói của ông chồng, với đủ thứ giận dữ, rồ dại, hăm dọa.

- Cái bóng của anh có ở đó không? Tôi hỏi trong một lần nhắn tin cho anh chồng sắp ly hôn. Anh ta không bao giờ nghe điện thoại tôi gọi kể từ ngày tôi dọn ra ngoài.

- Không có! Anh ta trả lời nhát gừng.

- Anh có thể gọi nó về không? Chửi rủa trong giai đoạn này không phải là cách hay. Tôi nhắn.

- Nó tự bỏ đi mỗi tối. Em biết đấy. Cái bóng là phần có màu tối nhất ở anh. Anh chịu.

Ờ thì phần đen tối nhất. Nếu không có việc ly hôn, chắc hẳn tôi cũng không có dịp được giao tiếp với cái phần đen tối mà tôi tưởng là mình biết rất rõ ấy. Tôi cũng không đề cập vấn đề ấy thêm lần nào với anh ta. Không thể nói lý lẽ với một người không có bóng.

Anh ta rõ ràng bất lực trước sự bỏ đi của cái bóng. Đôi lúc có những việc ta biết nó xảy ra và đành để nó trượt theo đà vận động mà không cách nào ngăn cản được. Tôi quay sang trò chuyện với cái bóng.

- Chửi nhiều có đau mồm không? Tôi hỏi.

- Đỡ hơn đau đớn trong lòng. Nó trả lời. Trong lòng tôi giờ toàn nọc độc, không phun ra được thì tôi chết. Cô phải thông cảm. Kẻ khác chết vẫn hơn là mình chết.

- Ái chà, kể cả khi nọc độc là tự anh sản sinh ra, anh vẫn phải phóng độc vào kẻ khác?

- Phải vì mình trước!

- Ối chà, tại sao anh không tự mình triệt tiêu cái phần sinh ra nọc độc bên trong mình nhỉ? Hoặc giả, tìm ra nguyên nhân khiến nọc độc không ngừng được sinh ra. Như thế đỡ mệt mỏi cho cả hai bên.

- Cô chẳng hiểu gì cả, như thế không sung sướng bằng việc tôi đang làm. Vả lại, chẳng ai làm như thế cả.

- Không ai ư?

- Phải, nếu vui vẻ nhìn nhận những thất bại từ một mối quan hệ thì dị thường quá. Phải chửi bới cắn xé nhau, đổ hết tội lỗi cho kẻ khác mới dễ chịu được. Cô nhìn xung quanh xem, chẳng ai không hành động như thế cả.

Tôi tự chấm dứt cuộc đối thoại, để mặc cái bóng tự lảm nhảm và lại tiếp tục chửi bới mà suy nghĩ mãi về câu nói cuối cùng của nó.

Sau chửi rủa là năn nỉ, khóc lóc. Cái bóng khóc đến mức màu đen của nó nhợt thành một màu xám nhờ nhợ. Tôi phải bật nhạc thật to để át tiếng khóc của nó. Một mối quan hệ dài hơi nhưng chẳng có chút gì sâu sắc. Chúng tôi chưa bao giờ thấu hiểu nhau. Huống chi là cái bóng.

Tôi sống với những dằn vặt, những tự đau thương rồi oán trách trong khi tự ý thức rõ rồi mọi việc sẽ qua. Tất cả những gì đang diễn ra là điều phải xảy ra, những cảm xúc đang trải qua là quá trình tự nhiên của tâm trạng. Như thể lội trong một đường hầm ngập nước nhớp nhúa mà ánh sáng từ lối ra vẫn rọi lấp lánh trên mặt nước đen ngòm.

Việc chủ động từ bỏ tất cả trước đủ kiểu khuyên nhủ sặc mùi phải hy sinh của bạn bè họ hàng khiến đám đông quanh tôi nổi giận. Cơn giận nào chả có hồi chấm dứt, tôi tự nhủ.

Nhất là khi nguồn gốc của sự nổi giận ấy là do việc được dạy phải nổi giận, tôi thấy cả cái bóng đen sì của phong kiến mấy nghìn năm đổ bóng trong từng khuôn mặt của họ.

Câu trả lời duy nhất cho mọi sự khuyên nhủ thời điểm ấy là: Tôi cũng có quyền được hạnh phúc! Quả thực, huân chương hy sinh vĩ đại không phải thứ tôi cần.

Sau hơn một năm, tôi chính thức ly hôn. Cái bóng của anh ta cũng thôi không đến tìm tôi từ khoảng trước khi ly hôn sáu tháng. Anh ta nói nó đã chịu trở về và hoàn toàn không nói một lời nào. Chúng tôi vốn không còn việc gì để nói với nhau ngoài chuyện cái bóng, nên việc liên lạc cũng chấm dứt.

Trong nhiều năm sau đó, đôi lúc tôi vẫn tự hỏi về mối quan hệ gần chục năm ấy của mình, cách nó hình thành và rạn nứt. Những vết nứt li ti mong manh chạy ngoằn nghèo khắp nơi như những đường vằn khô hạn. Cách nó vỡ nát.

Cách nó cứa vào cuộc đời của cả tôi và con người đó những vết sẹo dài không thể xóa mờ. Cho dù là chuyện đã qua, chưa bao giờ tôi hết buồn thương về mối quan hệ ấy.

Trong vài chục năm sau, có đôi lần bắt buộc phải gặp nhau, trong những mốc quan trọng của cuộc đời những đứa con chung, những lần hiếu hỉ của những mối quan hệ chung, hay giải quyết tất cả những gì đã từng chung, lần nào tôi cũng thoáng chua xót khi nhìn thấy con người ấy. Chúng tôi thậm chí tránh nhìn vào gương mặt của nhau. Tôi thấy rõ sự muốn chối bỏ những gì đã từng có, như một cách tự bảo vệ.

Dần dà, anh ta trờ thành một kẻ xa lạ tới mức tôi không dám tin đã từng có gì là có thật với con người ấy. Tất cả những kỉ niệm buồn vui. Lần đầu tiên hẹn hò, nụ hôn đầu tiên, đứa con đầu tiên chào đời, lần phản bội đầu tiên... Tất cả những gì đã từng ném vào nhau trong cơn điên loạn cũ. Tất cả nhòa đi thành một đám kí ức của giấc mơ gần sáng. Loại giấc mơ bạn chỉ nhớ được một nửa chi tiết, còn lại chỉ là cảm giác.

Mưa vẫn rơi. Tôi bước qua bậc tam cấp vào trong nhà tang lễ. Hương khói mù mịt. Ở chỗ đứng của gia quyến, có người vợ sau, những đứa con khác và cả hai đứa con của tôi. Tôi đứng đây với tư cách người đến dự lễ.

Tôi cầm nén hương, bước tới bàn để di ảnh khi người phía trước lễ xong. Chắp hai bàn tay với que hương ở giữa, tôi nhắm mắt. Tôi không định nói điều gì với anh cả. Chỉ để cho những hình ảnh kí ức đã cũ chạy qua một cách tự nhiên.

Vái ba vái, cắm nén hương lên bát hương, nhìn thật lâu vào bức ảnh có nụ cười chẳng biết xa lạ hay gần gũi, tôi bước đi nhường chỗ cho người đứng chờ phía sau.

Đi qua quan tài, chạm một tay lên lớp gỗ lành lạnh, tôi không nhìn vào lớp kính vuông, nơi có khuôn mặt của người vừa mất. Tôi nghĩ đến đám tang của mình và của những người khác. Về cách chúng ta sẽ tan rữa, trở về những bộ xương mà ai trông cũng như ai.

Chẳng biết ai từng giàu có, từng nổi tiếng, từng khốn khổ, từng thù hận hay yêu thương nhau. Cho đến khi tan nát vào đất. Còn gì để lại cho một kiếp sống trên cõi đời này?

Đám tang vẫn tiếp tục. Người quen cũ lâu ngày không gặp, họ hàng, bạn bè. Đám đông ngập trong những câu chuyện rủ rỉ. Chẳng ai nói to, nhưng không phải cuộc đối thoại nào cũng liên quan đến người vừa chết.

Tôi chọn một góc phòng và đứng một mình. Sàn nhà trơn và đầy những vệt buồn. Chuẩn bị đến phút tưởng niệm. Gã nhân viên nhà tang lễ bắt đầu đọc cái tiểu sử dài mà tôi từng biết rất rõ một phần trong đó. Chủ yếu là thông tin như sơ yếu lý lịch. Sinh ra ở đâu, làm việc gì, phấn đấu ra sao, mọi người yêu mến thế nào.

Tôi quan sát gương mặt những người đang cúi đầu. Vài người nhắm mắt, có người khóc, có kẻ len lén tắt chuông khi có cuộc gọi đến. Một cuộc đời được tóm tắt trong vài phút. Không có mốc ly hôn, không có câu nào nhắc đến cái bóng, không cả những niềm vui hạnh phúc đã từng trải qua. Một bảng tổng kết vô hồn dập khuôn theo mẫu.

Mưa vẫn rơi lúc tôi ra về. Tôi cảm thấy rõ ràng việc bợt màu của chính mình. Như một cái ti vi cũ hình ảnh nhoè nhoẹt và nhiễu mù mịt.

Tối, chín giờ, khi ngồi đọc sách bên ly trà nóng, tôi bắt gặp cái bóng của chính mình trên tường. Nó có cái gì khang khác.

- Một nửa của mày đâu rồi? Tôi hỏi. Cái bóng chỉ còn một nửa.

- Ở lại nơi cần ở lại. Nó trả lời.

Tôi thoáng nhớ ra cảm giác nhẹ bẫng lúc đi qua cái quan tài người chồng cũ. Có thể, nó đã ở lại nơi ấy. Vĩnh viễn!

Truyện ngắn của An Hạ

Truyện ngắn có hơi hướm cổ kiểu Bồ Tùng Linh này tải đi một nội dung đương đại: hôn nhân (được quyết định) chóng vánh để lại những di chứng dài lâu. An Hạ tỏ ra có phong độ tốt cho những truyện ngắn được cô viết thành chuỗi kiểu này. Ở đó, chúng được pha trộn giữa cái ma mị và cái phồn tạp của đời sống hai mặt - âm và dương.

Cái bóng ông chồng cũ ảnh 2

Những cái bóng trong truyện ngắn này có đời sống của chúng. Và thực tình thì ai biết chúng sống ra sao? Nhưng tôi vẫn ngờ rằng câu chuyện này còn nữa, bởi khi người đàn bà còn chưa gặp lại chiếc bóng của ông chồng cũ thì chuyện như chưa hết…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.