Khi khán giả bị truyền hình 'trói chân'

Khi khán giả bị truyền hình 'trói chân'
TP - Sự bùng nổ của truyền hình thực tế và sự trở lại của các chương trình ca nhạc phát sóng trực tiếp không chỉ làm cho khán giả thêm thụ động mà cũng sẽ đem lại một số bất lợi cho ca sĩ, mặc dù thoạt tiên có vẻ như họ đang “được”. Điều gì sẽ xảy ra khi nền âm nhạc chuyển từ sân khấu lớn lên màn ảnh nhỏ?

Dấu ấn - chuỗi liveshow ca nhạc trên sóng VTV9 cùng một số đài địa phương đã mở màn với Thu Minh. Trong liveshow này, Thu Minh trình diễn đủ các thể loại với hầu hết bài hát đã gắn bó với cô trong 20 năm qua. Liveshow đầu tay cũng là liveshow tổng kết một giai đoạn.

Làm liveshow đối với ca sĩ Việt Nam luôn là một cái gì đó xa xỉ. Ngay như liveshow gọi là đầu tay của Thu Minh cũng không hẳn là liveshow. Vì nó được phát sóng cho hàng triệu khán giả truyền hình xem qua màn ảnh nhỏ. Chất lượng âm thanh hình ảnh qua sóng truyền hình đã bị giảm sút phần nào so với trình diễn tại sân khấu.

Tất nhiên đây là điều hạn chế đối với tất cả các chương trình ca nhạc phát trên truyền hình. Nhưng vấn đề là khán giả cứ nghĩ mình đang được xem một liveshow thậm chí là một live-concert (chương trình hòa nhạc trực tiếp) và không còn nhu cầu đến tận sân khấu để xem ca nhạc nữa.

Mấy năm trước, VTV3 cũng có những chương trình phát trực tiếp hằng tháng dành riêng cho một ca sĩ hoặc nhạc sĩ. Cách làm này khá phổ biến trong một thời gian dẫn đến những lo ngại trong chính giới làm nghề. Nếu khán giả cứ ở nhà để xem những chương trình miễn phí, thì ai sẽ mua vé xem hát. Giai đoạn ấy rồi cũng qua.

Khán giả bắt đầu khôi phục thói quen ra rạp. Một số nhà tổ chức mạnh dạn đầu tư những chương trình đúng nghĩa trực tiếp đã và đang được công chúng ghi nhận như Không gian Âm nhạc hay Tâm điểm Âm nhạc.

Nhưng giờ đây, thời của truyền hình thực tế, khán giả lại tiếp tục được chiêu đãi ê hề những chương trình miễn phí. Nhu cầu giải trí tại nhà được thỏa mãn triệt để. Gần như đồng thời với Dấu ấn Thu Minh là 3 chương trình thi hát truyền hình chiếm lĩnh các kênh truyền hình quen thuộc hơn.

Đó là 3 cuộc thi hát lần lượt dành cho các đối tượng: thiếu nhi (Giọng hát Việt Nhí), sinh viên các trường nhạc (Sao Mai), cho các ca sĩ, nghệ sĩ đang hoạt động nghệ thuật (Tôi là người chiến thắng).

Có một sự liên quan giữa các chương trình này. Nó thể hiện bộ mặt hiện tại và tương lai của show-biz. Các ngôi sao thi hát từ bé, lớn lên thi tiếp, trưởng thành thì trở thành giám khảo, huấn luyện viên của các cuộc thi. Khi đẳng cấp đã nâng lên thì làm liveshow. Tất cả đều diễn ra trên truyền hình.

Ca sĩ không phải tốn công tốn của làm các liveshow khắp các tỉnh thành. Thời gian còn lại tiếp tục chạy show lẻ kiếm tiền. Người chi tiền cho các show diễn sự kiện của sao thường là các doanh nghiệp. Nhưng ngay cả show lớn 20 năm mới có một như Thu Minh thực chất cũng là một loại sự kiện có tài trợ.

Như thế khán giả không trực tiếp là người nuôi sống nghệ sĩ và nghệ thuật của họ. Dù rất đông đảo, nhưng khán giả trong trường hợp này cũng tựa như thành phần ăn theo trong một thương vụ quảng cáo.

Và tất nhiên khán giả cũng không cần phải tỏ ra có trách nhiệm với những chương trình miễn phí, cho dù đó là bữa tiệc âm nhạc đi chăng nữa. Nhất là trong thời buổi truyền hình thay thế cho thực tế này, bật kênh nào cũng có vô khối chương trình mời gọi.

Tất cả chỉ là để xem cho vui, cũng có thể là giết thời gian. Các thí sinh, các tài năng, các ca sĩ, nghệ sĩ tham gia những chương trình đó rồi thì đi về đâu? Câu trả lời dễ nhất là họ lại tiếp tục đi đến các chương trình truyền hình khác.

Tất cả đều mải mê hoặc buộc phải tham gia các cuộc thi, các trò chơi, không biết bao giờ mới bước ra đời thực để gây dựng sự nghiệp, góp phần phát triển nền ca nhạc?! Bây giờ công nghệ 3-4D có thể xây dựng được các nhân vật giải trí ảo có thanh sắc hoàn mỹ. Ở Việt Nam, công nghệ đó coi như không có đất sống vì các ngôi sao thật đó nhưng cũng tựa như ảo. Muốn xem chỉ cần bật màn hình lên là có.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.