Một thời nhạc 'phủi'

Một thời nhạc 'phủi'
TP - Khoảng 100 nhạc công, nghệ sỹ và những người yêu nhạc như được quay trở về với không gian âm nhạc của thủ đô thập niên 70-80 trong cuộc hội ngộ âm nhạc lần thứ hai diễn ra ngày 8/8 tại Hi Bar Cafe. Những bài hát của The Beatles, Lobo, ABBA... đưa mọi người trở lại cái thời sống và chơi nhạc mộc mạc năm xưa.

> Hội ngộ các ban nhạc thập niên 70-80
> 'Người Hà Nội' như mơ

Ban nhạc Hùng Hào năm 1979
Ban nhạc Hùng Hào năm 1979.

Vương Tử Lâm, Hùng "húp", Đạt "tây", Lợi "loe", Vượng "ốc", Hùng "râu"... - những nhạc công hàng đầu thời đó nay vẫn được nhắc đến. Thời đó, Hà Nội có khoảng 10 ban nhạc "phủi" đình đám khuấy động phong trào. Tên ban nhạc cũng giản đơn, lấy luôn tên của người đứng đầu.

Vì thế có những ban nhạc như Dũng Lãn Ông, Dũng Xẩm Mơ, Hùng Hào, Lang Tràng... Có những nhóm nhạc đã hình thành từ những năm đầu thập niên 70 nhưng đa số được thành lập vào những năm sau 1975.

Có những ban nhạc được mời về làm việc nhà nước như ban nhạc Du lịch (Tổng cục Du lịch), ban nhạc của Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Trung ương sau này. Nhưng có những ban chỉ đi đánh ở những đám cưới hay ở những trường đại học.

Từ ban nhạc "phủi" đến ban nhạc "mậu dịch"

Những năm 70-80, ở Hà Nội xuất hiện các ban nhạc "phủi". Gọi thế vì họ là sinh viên các trường đại học, đam mê âm nhạc và tự thành lập ban nhạc để hát cho sinh viên hoặc hát tại các đám cưới. Một ban nhạc thời đó thường có khoảng 4 người gồm ba tay ghi ta, một tay trống. Nhạc công vừa đàn, vừa hát.

Làn sóng nhạc pop từ nước ngoài du nhập về Việt Nam theo nhiều ngả: từ Sài Gòn mang ra, từ những Việt kiều Tân Đảo hồi hương mang về và từ những đĩa nhạc của những người đi nước ngoài gửi về. Các bài hát thịnh hành lúc bấy giờ thường là các bài hát tiếng Anh của The Beatles hay Lobo...?

 Tôi tin rằng xu hướng ban nhạc sẽ quay trở lại, tất nhiên đời sống và cách hưởng thụ âm nhạc phải có sự thay đổi nhất định.

Nhạc công
Nguyễn Văn Hạnh

Hồi đầu, thứ âm nhạc đó không được phép lưu hành vì bị cho là a dua, học đòi. Nhạc sỹ Quang Vinh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam kể: "Chơi những bản nhạc pop tôi cũng bị nhà trường phê bình (lúc đó anh đang là sinh viên nhạc viện) dù mình có chơi cả nhạc Việt". Nếu như các ban nhạc đình đám thời đó có Sông Hồng, Hoa Sữa, Mùa Xuân, Tây Hồ, Sao Mai, Thăng Long... thì tên ban nhạc của nhạc sỹ Quang Vinh khá độc đáo: 4+1. Năm 1979, khi gia nhập Đoàn nhạc nhẹ Trung ương, nhạc sỹ Quang Vinh vẫn tham gia ban 4+1. Khoảng năm 86-87, ban nhạc 4+1 có ca sỹ Hồng Nhung tham gia. Ca khúc Lời của gió (nhạc sỹ Duy Thái) Hồng Nhung và Quang Vinh hát chung khá đình đám lúc bấy giờ.

Ban nhạc Sông Hồng thời đó nổi danh với các tên tuổi Vương Tử Lâm, Quốc Trung, Quyền Văn Minh... Ban nhạc này may mắn có nhà tài trợ Immer, ông làm việc ở đại sứ quán Đức tại Việt Nam từ 1988-1993. Đó cũng là thời rực rỡ nhất của ban nhạc này.

Ông Immer có bộ âm thanh và thường xuyên cho mọi người mượn chơi. Do đó, các thành viên ban nhạc có điều kiện tập luyện và biểu diễn liên tục. Các khách sạn như Thắng Lợi, Hà Nội lúc bấy giờ luôn sôi động với sự góp mặt của ban nhạc Sông Hồng. Sau khi ông Immer hết nhiệm kỳ về nước, ban nhạc Sông Hồng không duy trì được nữa, các thành viên tự đi theo đường riêng của mình.

Họa sỹ Vương Tử Lâm, thành viên ban nhạc Sông Hồng cho biết, anh vốn là sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nhưng mê nhạc. Lúc đó, trào lưu nhạc pop bắt đầu. Đó là văn hóa thời hậu chiến đến đúng lúc các chàng trai trẻ như anh khao khát tìm tòi cái mới.

Theo anh, trong những thay đổi về văn hóa như cách ăn mặc, hội họa, âm nhạc thì âm nhạc thay đổi nhanh nhất và rõ nhất. Anh bồi hồi: "Thời đó, sướng nhất là được chơi nhạc, được tiếp cận với văn minh của thế giới".

Ban nhạc Lang Tràng năm 1978
Ban nhạc Lang Tràng năm 1978.

Thời ấy, chỉ ban nhạc "mậu dịch" mới được biểu diễn ở các sân khấu lớn, vũ trường của các khách sạn dành cho khách nước ngoài như ban nhạc Du Lịch. Còn lại, sân chơi của các ban nhạc "phủi" là các đám cưới.

Kiến trúc sư Trần Lang, ban nhạc Lang Tràng năm xưa cho biết: "Ngày xưa đi tập với nhau, làm gì có đàn mà đánh, chỉ tập đàn gỗ, trống thì gõ vào mẹt. Khi nào đi đánh thuê mới thuê nhạc cụ.

Có những cửa hàng chuyên cho thuê nhạc cụ, của ông Thắng "héo" (ở phố Hàng Trống) hay ông Tâm "thọt" (phố Trần Nhân Tông). Lúc đó, chơi nhạc cho vui, chứ tiền cát-xê chơi nhạc cho một đám cưới nhiều khi không đủ tiền thuê nhạc cụ".

Thời đó, ban nhạc Du lịch (thuộc Tổng cục Du lịch) là ban nhạc nhà nước được trang bị hiện đại nhất. Đồng thời là nơi tập trung nhiều nhạc công đánh hay nhất thời đó như trống Lợi "loe", organ Hùng "râu", saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Tuấn Phương... Anh Nguyễn Xuân Hùng (tức Hùng râu) giờ đang sinh sống tại Đức nhớ lại: "Ban nhạc Du lịch là ban nhạc có cường độ làm việc kinh khủng khiếp: Sáng tập, tối đánh đến 1- 2 giờ sáng. Một tháng 30 ngày, cứ thế suốt bao năm trời".

Nhớ thuở chơi nhạc mộc

Nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn, ban nhạc Du lịch kể: "Thời đó cái gì cũng mộc. Chơi với nhau cũng mộc mạc, kiếm tiền cũng mộc mạc. Chơi nhạc được hưởng lương tháng. Nhạc công phải kiêm luôn cả người khuân vác.

Ca sỹ Sao Mai tại cuộc hội ngộ âm nhạc lần 2. Ảnh: NTL
Ca sỹ Sao Mai tại cuộc hội ngộ âm nhạc lần 2. Ảnh: NTL.

Mỗi lần đi diễn, các nhạc công phải khuân vác trang thiết bị âm thanh, tổng cộng nặng hàng tấn từ khách sạn Thống Nhất về khách sạn Bờ Hồ. Lúc đó nhà nước hay có chế độ thưởng, tuần này được cân len, tuần sau được cân mì chính, tuần sau nữa lại được cái phích. Mọi người chia nhau. Sau đó, thì mang ra phố bán, có tiền lại rủ nhau đi bia hơi... Đó là những kỷ niệm không thể nào quên".

Nhạc sỹ Quang Vinh trầm ngâm: "Xã hội thay đổi nhiều, nhưng tôi vẫn nhớ cái thời mộc mạc đó và rất muốn duy trì dòng nhạc này". Chính vì vậy, Hi bar café nằm bên trong Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (trực thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) đã hai lần đăng cai cuộc hội ngộ các ban nhạc thập niên 70-80 với mong muốn ôn lại kỷ niệm xưa và khôi phục lại giá trị âm nhạc thuở xưa. Quang Vinh chia sẻ: "Tôi muốn đưa dòng nhạc này lên biểu diễn ở nhà hát, chứ không chỉ trong quán bar".

Hiện nay, nhạc công Hạnh "đen" (Nguyễn Văn Hạnh) đang duy trì các đêm nhạc xưa tại Hi bar café, nơi anh làm giám đốc âm thanh, vào các tối từ thứ 5 đến chủ nhật. Anh Hạnh là người có công trong việc duy trì ban nhạc Thăng Long, khi anh Hào, trưởng nhóm qua đời. Có thể nói, đây là ban nhạc duy nhất từ thập niên 80 được duy trì đến nay. Anh Hạnh chia sẻ: "Tôi tin rằng các ban nhạc sẽ hình thành trở lại".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG