Thanh đồng Hà Nội liên hoan

Thanh đồng Hà Nội liên hoan
TP - Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội lần thứ nhất do Sở VHTT&DL Hà Nội tổ chức theo chủ trương của Bộ nhằm kiểm kê, lập hồ sơ trình Chính phủ công nhận Nghi lễ Chầu văn của người Việt là di sản văn hóa quốc gia và trình UNESCO công nhận là di sản của nhân loại.

> 'Thánh bà' chữa ung thư bằng...nước lã, kiếm tiền tỉ
> Chiêu lừa của 'thần y chữa ung thư'

Nghi lễ chầu văn nằm trong danh sách 30 di sản đề nghị Chính phủ công nhận, ở hạng mục Nghi lễ và tập quán xã hội. Hát văn chỉ là một thành phần trong đó. Theo GS Ngô Đức Thịnh thì từ phía Nam của đồng bằng Bắc Bộ, nghi lễ chầu văn hay còn gọi là hầu đồng hiện phát triển khắp cả nước, nhưng nhìn đi nhìn lại thì Hà Nội chính là nơi hội tụ nhiều tinh hoa nhất.

Chính vì vậy Hà Nội là địa bàn quan trọng trong công tác kiểm kê làm hồ sơ. Khoảng 40 nhóm chầu văn đang hoạt động tại 29 quận huyện thuộc địa bàn Hà Nội được chia thành 4 cụm sẽ “đua tài” tại 4 đền từ ngày 25 đến 30/9 để tìm ra 10 nhóm tiêu biểu tham gia trình diễn tại rạp Công Nhân dự kiến vào 4 và 5/10. Mỗi nhóm sẽ trình diễn trong một khoảng thời gian quy định 3 giá đồng, bao gồm 1 giá nam, 1 giá nữ và 1 giá trung (bé).

Ông Nguyễn Khắc Lợi (Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội) nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường diễn ra nghi lễ hầu đồng- phải là các đền phủ. Nhưng vì không có nơi nào chứa được đông người nên buộc Sở phải chọn rạp Công Nhân và sẽ dùng các đạo cụ để biến nơi này thành địa điểm phù hợp để lên đồng. Ngoài ra một số tiết mục hát văn lời mới cũng sẽ được trình diễn vào đêm cuối cùng. Liên hoan không trao giải thưởng.

Về tiêu chí để lựa chọn các nhóm hầu đồng tiêu biểu, GS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam) cho hay sẽ ưu tiên các nhóm thực hiện đúng quy định của BTC. Các quy định này mang tính hạn chế sự “thăng hoa” tự phát trong khi lên đồng. Chẳng hạn, BTC không cấm hút thuốc nhưng sẽ không chấp nhận kiểu một lúc hút vài điếu khi thanh đồng lên các giá Cậu. Việc tung tiền lộc cũng sẽ được hạn chế tối đa và thay bằng hiện vật. Ngoài ra, các chuyên gia tuyển chọn sẽ đánh giá cao các nhóm nào giữ được bản sắc địa phương.

Nghi lễ hầu đồng đã được các nhà hát chèo chắt lọc đưa lên sân khấu thành nghệ thuật trình diễn. Cho đến nay có khoảng 7-10 giá đồng đã được sân khấu hóa thành công. Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội sẽ là dịp để khán giả đại trà biết thế nào là lên đồng với các nghi lễ thật trong đời sống.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG