Học để biết thua

Học để biết thua
TP - “Môn võ này dạy người ta biết thua, người biết thua thì không chết”- lời dạy của võ sư Ngô Sỹ Quý cho các võ sinh môn Vịnh Xuân Quyền. Ông Quý là học trò của một người thầy lớn khác, quyền sư Tế Công.

> "Tiền Phong trợ giá - Khám phá hàng tuần"

Quyền sư của tác giả Trần Việt Trung, một trong những học trò của Ngô Sỹ Quý, nói là viết về võ thuật cũng được, mà nói là viết về một triết lý giáo dục cũng đúng.

Cuốn sách của Trần Việt Trung
Cuốn sách của Trần Việt Trung.

Cuốn sách chứng minh điều này: một triết lý giáo dục đúng đắn và “đắc đạo” thì không cũ, dù có đến hàng chục, hàng trăm năm tuổi. Và triết lý đó chính là: giáo dục lấy trung tâm là người học.

Trong Quyền sư, chân dung hai người thầy của hai thế hệ được dựng lên đậm nét: cụ Nguyễn Tế Công - một võ sư Hoa kiều được tôn là “tôn sư của phái Vịnh Xuân Việt Nam”, và ông Ngô Sỹ Quý - người gốc Hà Nội theo học cụ Tế Công và thành tài. Dù hình tượng hai người thầy được dựng lên với thái độ trân quý và tâm phục, nhưng tác giả vẫn ghi nhận tư tưởng giáo dục đầy dân chủ của họ.

Cụ thể, thầy Tế Công (1877-1959) dạy hai học trò (gồm thầy Quý và người bạn thân) luyện nội khí trong 100 ngày, hết 100 ngày là cụ ngừng dạy, bất kể kết quả chưa tốt. “Trò phải tự luyện tiếp chứ thầy không dạy kéo dài. Những ai quyết tâm, tuân theo đường lối… thì mới mong thành công”.

“Lấy học trò làm trung tâm”, đường lối giáo dục đó không chỉ nói về quyền của người học (được là trung tâm), mà còn là nghĩa vụ (phải là trung tâm). Tư tưởng này thực ra rất dân chủ: nó coi trọng tố chất và sự phát triển tự nhiên ở mỗi con người, đồng thời cũng đưa ra những thử thách không nhỏ cho người học.

Còn Ngô Sỹ Quý (sinh 1922), dạy các học trò (theo ghi chép của một trong các học trò, nhà thơ Trần Hữu Việt): “Học môn võ này không phải để đánh người mà là để đánh mình” và “Môn võ này dạy người ta biết thua, người biết thua thì không chết”.

Vậy, học võ nhưng không chỉ là học võ. Bất cứ môn học nào đạt đến đạo, đều có ảnh hưởng bao trùm tâm tính con người. Có võ nhưng không để đánh bại bất kỳ ai, mà để có được sự tự tin đến nỗi người ta tôn trọng và không dám đánh mình. Giỏi võ nhưng đủ khiêm tốn để biết thua lúc cần thiết.

Biết thua là thế nào? Theo lời kể của thầy Quý, thầy Tế Công có lúc nhận thua một võ sĩ Vịnh Xuân hạng xoàng bởi người này kiếm sống bằng nghề dạy võ. Nếu ông đánh thắng võ sĩ kia thì người đó sẽ không còn ai theo học. Bởi vậy, thà mình nhận thua một lần để người ta còn đường sinh sống, còn hơn đánh tan tác và làm hại đến cuộc đời họ.

Đó là cách đối nhân xử thế trong đời, không chỉ là ứng xử trên sàn đấu võ. Cái đích của việc học là vậy. Học võ hay học chữ đều vậy.

Cũng như giáo dục. Nhiều người chỉ đơn giản dạy chữ và dạy kiến thức. Nhiều người lại dạy cho đứa trẻ hình thành nhân cách từ tố chất của chính nó.

Tính nhân văn ở triết lý giáo dục của Tế Công nằm ở chỗ, ông coi tố chất tốt là yếu tố quyết định giúp học trò học giỏi, nhưng lại nhận trách nhiệm về chính mình – người thầy – nếu kết quả giáo dục đi theo chiều hướng xấu: người học có nhân cách tồi tệ.

Trả lời câu hỏi của học trò Quý: “Thầy có giấu võ để phòng sau này học trò làm phản?”, Tế Công nói: “Nó có phản hay không là do mình chứ không phải do nó! Dạy không cần giấu, chỉ sợ nó không học được”. Tác giả phân tích thêm: “Trò có phản thì chỉ có 50% cái phản đến từ bản thân họ, một nửa còn lại là do ông thầy”.

Khi ra mắt, Quyền sư gây chú ý trong giới võ thuật, đề tài của cuốn sách dễ gây cảm giác khó đọc, xa lạ, nhưng khi trực tiếp đọc, lại lôi cuốn bởi lối viết gần gũi và khiêm nhường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG