Lạc đề

Lạc đề
TP - Vừa đọc trên một tờ báo, thấy có đăng bài với cái tít thật hấp dẫn “Tên cướp hoàn lương sau lần đọc truyện Mùa lạc”. Chốt hạ bài báo là tâm sự của nhân vật chính: “Truyện Mùa lạc của Nguyễn Khải đã cho tôi tư tưởng để hoàn lương và làm người. Tôi rất biết ơn ông nhà văn ấy”.

> Những cựu binh ở Điện Biên, hồi ức về Đại tướng trong nước mắt
> Người thương binh già nghẹn ngào viếng Tướng Giáp

Nội dung bài báo không có gì đáng nói. Điều quan tâm duy nhất của tôi, rằng tại sao lại phải là “Mùa lạc”? Anh chàng hoàn lương này từng đủ điểm đậu vào ĐH Sư phạm, tất nhiên đã học giảng văn truyện ngắn trên từ hồi cấp II. Và củ lạc, hẳn nhiên là gần gũi nhất với một ông chủ trang trại chuyên canh tác nông nghiệp như anh.

Thế là bài báo, vốn là tác phẩm phi hư cấu, viết về một nhân vật có thật, làm lại được cuộc đời nhờ cú hích từ một tác phẩm hư cấu.

Huyền Chip vừa phải thừa nhận đã “cường điệu” so với sự thật khi viết “Xách ba lô lên và đi” để “tạo thêm sự hấp dẫn”. Trong khi loại sách du ký này đòi hỏi phi hư cấu một cách tuyệt đối. Nhưng từ trường hợp của “tên cướp hoàn lương nọ”, không ngạc nhiên khi ít hôm nữa sẽ có ai đó lên báo, rằng tôi trở thành phượt thủ có hạng, hay thành nọ kia cũng nhờ đọc Xách ba lô…!

Để nói rằng loại sách du ký, hồi ký, bút ký, ký báo chí… mang tính phi hư cấu đang nở rộ hiện nay (Hội Nhà văn Hà Nội vừa trao cả mùa giải thưởng cho thể loại này), có những vấn đề đáng nghĩ. Từ sự phóng tay theo óc tưởng tượng của người viết. Và nhầm lẫn thể loại của người đọc. Mới có chuyện hai nhà văn nọ vừa “choảng” nhau, vì trong bộ phim ông kia viết kịch bản, thấp thoáng hình bóng phản diện của ông này.

Rồi xuất hiện không ít tác phẩm văn học ám chỉ. Có ông nọ bỏ mấy năm trời viết một cuốn dăm sáu trăm trang gọi là tiểu thuyết, chỉ để vạch vòi cạnh khoé ông Bí thư tỉnh ủy vừa chuyển công tác, cùng một ông giám đốc doanh nghiệp tầm tầm.

Không rõ ông nhầm thể loại, hay không đủ dũng khí nói ra sự thật, mà phải giải quyết ân oán dưới hai chữ “tiểu thuyết”. Từng nghe “nghi án” văn chương oái oăm từ truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao, mà “khổ chủ” nghe bảo chính là nhà văn…Vũ Bằng!

Trở lại “Mùa lạc”, có chuyện thế này. Con trai nhà văn Nguyễn Khải hồi học cấp II, cô giáo dạy văn ra đề phân tích “Mùa lạc”, bèn hớn hở mang về nhà nhờ bố phân tích giúp. Nhà văn liền trịnh trọng ngồi làm bài. Kết quả bài văn bị cô giáo phê hai chữ …“lạc đề !”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG