Đạo diễn ba lần đoạt giải Oscar: 'Tôi học được nhiều từ thất bại'

Đạo diễn ba lần đoạt giải Oscar: 'Tôi học được nhiều từ thất bại'
TP - Đạo diễn người Mỹ Mark Jonathan Harris, người ba lần đoạt giải Oscar thể loại phim tài liệu cho biết, bên cạnh những bộ phim thành công, ông cũng có không ít thất bại, nhưng ông học được nhiều từ những thất bại đó.

> Nhà sản xuất đoạt 3 giải Oscar đến Việt Nam giới thiệu về điện ảnh

Một cảnh trong phim tài liệu “Into the arms of strangers” đoạt giải Oscar năm 2000
Một cảnh trong phim tài liệu “Into the arms of strangers” đoạt giải Oscar năm 2000.

Ngày 25/10, đạo diễn Mark Jonathan Harris đã chia sẻ kinh nghiệm gần 40 năm làm phim tài liệu của mình với các nhà làm phim trẻ thuộc Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội về chủ đề “Sức sống của phim tài liệu”.

Tò mò, cởi mở và đồng cảm

Thế nào là một bộ phim tài liệu hay và làm thế nào để làm được bộ phim hay, thưa GS Harris?

Những phim tôi làm bao giờ cũng bắt đầu bằng một câu hỏi: Tôi chuẩn bị khám phá cái gì? Khi tôi làm việc với sinh viên, tôi luôn muốn đảm bảo những câu hỏi này càng rõ ràng, càng tốt. Nếu câu hỏi càng rõ ràng, ta càng dễ tìm ra câu trả lời trong quá trình làm phim. Thông thường câu hỏi đó thay đổi trong quá trình làm phim. Là một người làm phim giỏi, đầu tiên phải là người tò mò và cởi mở với những gì mình khám phá, đặc biệt phải có sự đồng cảm với đối tượng chúng ta đang làm phim.

Bộ phim Spellbound mà tôi giới thiệu với các bạn kể về một cuộc thi đánh vần quốc gia ở Mỹ. Bộ phim này có cốt truyện, có tình huống khiến khán giả hồi hộp muốn xem nó sẽ diễn ra thế nào. Đấy mới chỉ là phần nhỏ để làm phim hay. Mục đích lớn nhất của bộ phim là thông qua đó, nó mô tả một lát cắt của xã hội Mỹ, cho thấy cuộc sống của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội Mỹ. Đó là cô bé Angela sinh ra trong một gia đình nhập cư bất hợp pháp, là cô bé gốc Ấn Độ cùng gia đình di cư sang Mỹ để tìm kiếm cơ hội, là cô bé Emily xuất phát từ gia đình giàu có…

Đạo diễn Mark Jonathan Harris
Đạo diễn Mark Jonathan Harris.

Yếu tố nào là quan trọng nhất trong làm phim tài liệu?

Chọn nhân vật rất quan trọng. Qua giới thiệu, hai nhà làm phim Spellbound đã đi quay 14 nhân vật. Bản phim đầu tiên họ cho tôi xem dài hơn 3 tiếng. Tôi bảo quá dài, thế là họ phải cân nhắc để cắt bỏ 6 nhân vật ra khỏi phim. Khi họ thực hiện bộ phim thì vòng thi chung kết quốc gia chưa diễn ra và người đoạt giải nhất là cô bé người Ấn Độ lại không có trong phim. Thế là họ phải bổ sung thêm đoạn về nhân vật này.

Phải chăng một bộ phim tài liệu hay thì hình ảnh nhiều, lời thoại ít?

Giữa các nhà làm phim tài liệu, chúng tôi có qui định, 70% phim làm ra, dù là ngoại ngữ nhưng làm sao để người xem vẫn hiểu được. Lời nói của nhân vật chỉ là yếu tố bổ sung, âm thanh và hình ảnh mới là cái mà nhà sản xuất cống hiến cho bộ phim.

Có đủ điên rồ?

Ông có tới ba bộ phim tài liệu đoạt giải Oscar, vậy ông có bao giờ thất bại ?

Với kinh nghiệm hơn 35 năm làm phim, tôi nhận thấy, nếu chúng ta đã làm được một bộ phim thành công, không có nghĩa là bộ phim tiếp theo sẽ thành công. Khi làm phim dài, tôi luôn đặt câu hỏi: Tại sao lại làm bộ phim này, mình có đủ điên rồ để thực hiện dự án này không. Trong quá trình làm phim, tôi luôn tự đặt câu hỏi và phải tìm ra câu trả lời.

Tôi cũng có những bộ phim rất tồi, chưa ai xem, chưa bao giờ trình chiếu. Nhưng tôi không bao giờ hối hận vì những gì tôi làm. Dù nó không thành công, nhưng tôi học hỏi được nhiều điều, khám phá được bản thân mình.

Phim tư liệu thành công có phải là phim có tác động xã hội lớn?

 Qua buổi tọa đàm với GS Harris, tôi học được nhiều điều về cách làm phim tài liệu của ông. Phim tài liệu là một con đường để khám phá. Chúng ta phải tôn trọng sự thật, nếu chúng ta điều khiển sự thật thì nó không còn là sự thật nữa.

Đạo diễn
Bùi Thạc Chuyên

Khi tôi bắt đầu sự nghiệp làm phim, tôi nghĩ rằng, mình sẽ làm những bộ phim thay đổi cả thế giới. Khi tôi bắt tay vào làm phim, tôi đã thay đổi mục tiêu. Đó chỉ đơn giản là, làm xong phim này còn muốn làm phim nữa. Thay vì mục tiêu cao cả là làm thay đổi thế giới, tôi chọn cách thay đổi tư duy con người. Mỗi lần có ai đó đến gặp tôi và nói : “Tôi đã xem bộ phim của ông nhiều năm trước và nó giúp tôi thay đổi”.Thế là tôi đã rất vui.

Một trong những bộ phim đầu tiên tôi làm, đó là The Redwood (Cây gỗ đỏ) kể về quá trình thành lập vườn quốc gia Redwood bảo vệ cây này. Bộ phim của tôi được các đại biểu quốc hội Mỹ xem và sau đó họ thành lập một ủy ban bảo vệ quốc gia. Tôi không biết bao nhiêu phần trăm bộ phim của tôi có tác động tới họ. Nhưng rất vui.

Một bộ phim nữa tôi làm cách đây 4 năm. Đó là phim Doctors in dark side (Mặt sau của nghề bác sỹ) kể về các bác sỹ tâm thần Mỹ làm việc tại các trại tập trung Mỹ. Bộ phim này không có đài truyền hình nào của Mỹ muốn chiếu, nhưng nó lại được các nhóm chống lại những trại tập trung tù nhân của Mỹ ở nước ngoài sử dụng nhiều.

Như vậy, việc chọn chủ đề cho phim cũng rất quan trọng?

Đúng vậy, nó phải đạt được tiêu chí: ám ảnh. Khi chọn một chủ đề nào đó, nó phải luôn ám ảnh tôi, kể cả khi ngủ, buộc tôi phải đặt ra những câu hỏi xung quanh chủ đề đó trước khi bắt tay làm phim.

Theo ông, liệu ít tiền có thể làm được phim hay và đoạt giải Oscar?

Phim Spellbound ngân sách rất ít, chỉ có hai người thực hiện, đó chính là hai người quay phim nên ngân sách không nhiều, vậy mà phim này được đề cử giải Oscar của Viện hàn lâm khoa học Mỹ.Tài chính sẽ phụ thuộc vào nội dung phim, nếu đi phải đi nhiều nơi, quay nhiều đối tượng, chi phí sẽ tốn kém.

Thông thường một bộ phim tài liệu đầy đủ là 90 phút, thì tôi mất khoảng 2 năm, từ khi lên ý tưởng đến việc hoàn thành phim. Còn những phim 10 phút thì chỉ mất khoảng 1 tháng.

Xin cảm ơn ông.

Giáo sư Mark Jonathan Harris là nhà làm phim, nhà báo và nhà văn. Ông đã từng đoạt ba giải thưởng Oscar thể loại phim tài liệu gồm: phim The Redwood (Cây gỗ đỏ) năm 1968, phim The Long way home (Đường về còn xa) năm 1997 và phim Into the Arm of Strangers: stories of the Kindertransport (Trong vòng tay những người lạ: Câu chuyện đưa những trẻ em Do Thái tị nạn về Anh quốc) năm 2000. Ông giảng dạy về làm phim tài liệu tại Trường nghệ thuật điện ảnh thuộc Đại học Nam California từ năm 1983.

Anh Vũ

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG