Tất cả là phóng viên chiến trường

Tất cả là phóng viên chiến trường
TP - Những năm chống chiến tranh bằng không quân và hải quân của Mỹ, một số phóng viên được giữ lại ở Hà Nội, còn lại phải đi sơ tán hoặc đi thường trú ở các tỉnh.

> Tiên phong trong thể loại điều tra chống tiêu cực
> Những diễn đàn dấu ấn
> Tiền Phong những ngày ở chiến khu Việt Bắc

Phóng viên Tiền Phong luôn có mặt ở các điểm nóng phản ánh đời sống thời chiến
Phóng viên Tiền Phong luôn có mặt ở các điểm nóng phản ánh đời sống thời chiến.

Ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ bắn phá ở Quảng Ninh, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Báo Tiền Phong nhanh chóng vạch ra kế hoạch công tác. Các phóng viên ai cũng xung phong đi đến vùng chiến sự để làm nhiệm vụ nhưng chỉ hai người là Hoàng Phong, Hoàng Văn Tá được điều đi Thanh Hóa và Quảng Ninh để tác nghiệp.

Các số báo sau đó của Tiền Phong đã phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, trong đó có nhiều gương mặt trẻ. Đây là điều rất đáng khích lệ trong thời điểm hiểm nghèo của đất nước vì thế hệ trẻ đã tỏ ra vững vàng, anh dũng trong lửa đạn.

Tháng 4 năm 1965, địch đánh rất ác liệt, các phóng viên của Tiền Phong Lê Văn Ba, Trần Quang và Lê Thị Túy đang đi học ở Trường Đoàn (phóng viên báo Tiền Phong cũng là cán bộ Đoàn, được cử đi học thanh vận, có người thì được sang Liên Xô học), lập tức trở về khi được gọi về để đi tới các điểm nóng. Phóng viên Lê Văn Ba được đặc cử đến mặt trận Hàm Rồng - một cây cầu sắt vừa được khánh thành, một trọng điểm huyết mạch qua sông Mã ở đầu nam thị xã Thanh Hóa, nơi cả đường sắt và quốc lộ 1 đều phải đi qua, cực kỳ quan trọng đối với việc chuyên chở các đơn vị bộ đội, vũ khí, lương thực vào miền Nam nên không quân Mỹ tập trung đánh phá cầu vô cùng ác liệt. Phóng viên báo Tiền Phong đã bám sát các đơn vị tự vệ Khu Tả Ngạn thị xã Thanh Hóa và bộ đội hải quân trên sông Mã để bảo vệ cầu, lên với đơn vị bộ đội pháo binh trên núi Rồng, viết bài báo về trận đánh. Dưới bài còn ghi là “Bài viết từ mặt trận gửi về”.

Trong suốt các năm 1965-1967, các PV Tiền Phong Đỗ Văn Thoan, Lê Thị Túy, Mạc Lân, Mai Nam đã lần lượt bám trụ tại trái bom Yên Vực (phía Bắc cầu Hàm Rồng) để phản ánh tuổi trẻ địa phương tay cày tay súng bám trụ trong những điều kiện ác liệt nhất.

Tất cả là phóng viên chiến trường ảnh 2

Có những câu chuyện như kỳ tích. Tháng 6/1965, phóng viên Mạc Lân từ Hà Nội vào dự hội nghị PV của báo tại Vinh, Nghệ An bằng xe đạp. Chiều 13/6, vừa đến nơi, nghe tin địch ném bom vô cùng dã man vào trại điều trị bệnh nhân phong Quỳnh Lập ở huyện Quỳnh Lưu (trên 2.000 bệnh nhân), phá hủy cơ sở, giết chết hơn 200 bệnh nhân, PV Mạc Lân lập tức đạp xe ngược ra Quỳnh Lập. Vô cùng căm phẫn trước tội ác tày trời, ông đã hoàn thành nhanh chóng bài viết. Ngay sáng hôm sau, do không có phương tiện truyền bài về tòa soạn, lại cũng không gửi được, ông lại đạp xe gần 300 km về Hà Nội để kịp in bài trong số báo gần nhất. Bài báo “Chúng tôi đòi được trả thù” đăng trên trang 1 số báo 1363 là bài báo đầu tiên tố cáo tội ác của giặc Mỹ trước công luận, gây tiếng vang mạnh mẽ.

Phóng viên ảnh Mai Nam, và ngay cả họa sĩ trình bày Tôn Đức Lượng cũng có những chuyến đi thực tế, công tác vào vùng ác liệt. Họa sĩ Tôn Đức Lượng đã ký họa khá nhiều cảnh sinh hoạt, chiến đấu của thanh niên xung phong (năm 2012, ông đã có một triển lãm những ký họa này gây tiếng vang). Nhà nhiếp ảnh Mai Nam xung phong đi công tác vào mặt trận Vĩnh Linh, Quảng Trị năm 1968 lúc đó đang là chảo lửa của miền Trung. Suốt 8 tháng, ông đã ở đây để ghi lại những hình ảnh chiến đấu anh dũng và cuộc sống của nhân dân đất thép Vĩnh Linh. Có lần mải chạy theo chụp ảnh máy bay địch bị trúng pháo kích của quân ta, ông chạy vào giữa trận địa mà không biết, đến khi nghe tiếng đạn veo véo bên tai mới sực tỉnh tìm chỗ nấp. Ông còn đi nhiều nơi khác, chụp những bức ảnh nổi tiếng, được đánh giá cao, có bức được giải quốc tế như “Chạy đâu cho thoát”, “Cô dân quân”, “Đi trực chiến”, “Cảnh giác”... Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Dương, Phó Tổng Biên tập Đinh Văn Nam, các phóng viên Hoàng Phong, Lê Văn Ba và một vài người khác cũng từng vào công tác tại đất lửa Quảng Bình và Vĩnh Linh, nhiều lần gặp nguy hiểm cận kề.

Một số phóng viên báo Tiền Phong được bố trí làm đội phóng viên cơ động ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Có những đợt giặc đánh phá Nhà máy Điện Yên Phụ, nhà máy Xe lửa Gia Lâm nhiều chiến sỹ đã hy sinh anh dũng trong khi bảo vệ nhà máy. Phóng viên báo Tiền Phong đã đến nhà máy, ghi lại những gương chiến đấu dũng cảm và cả những mất mát, đau đớn để chuyển tải đến bạn đọc...

Những năm này, báo Tiền Phong xây dựng một căn hầm tránh bom dưới nền nhà trụ sở ở số 15 Hồ Xuân Hương. Vào giai đoạn ác liệt nhất, phóng viên được tản ra làm việc ở nhà, ở những nơi sơ tán. Còn bộ phận thư ký tòa soạn và một số phóng viên vẫn làm việc dưới hầm. Có lãnh đạo Ban biên tập, đánh máy, phóng viên cơ động, họa sĩ, phóng viên ảnh. Công việc vẫn diễn ra bình thường, có báo động là chui xuống hầm. Khi cần, phóng viên lao ra đường phố giữa lúc còi báo động rú, máy bay địch gầm rít trên đầu. Họ được Ban Phòng không Hà Nội cấp mũ sắt để đội và băng đỏ đeo tay để đi đến những nơi cần thiết.

Đêm 26/12/1972, Khâm Thiên bị B52 của địch ném bom rải thảm. Vệt bom của địch bắt đầu từ hồ Thiền Quang, chỉ cách tòa soạn có 50 mét. Nhóm cán bộ, phóng viên đang làm việc ở tòa soạn do Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Dương chỉ huy ngồi dưới hầm nghe chuỗi âm thanh lục bục, căn hầm chao đảo như đưa võng.

Trong những ngày máu lửa đó, như các đồng nghiệp ở các báo khác, các phóng viên Tiền Phong làm việc trong điều kiện rất khó khăn thiếu thốn. Bản thảo hoàn toàn là viết tay, ít khi có máy ảnh để chụp ảnh kèm bài. Tòa soạn có hai cái máy ảnh. Riêng các phóng viên ảnh Mai Nam, Hoàng Thiết được giữ máy ảnh tốt, còn lại một hai cái máy xoàng xoàng dành cho phóng viên. Nếu phóng viên nào chụp ảnh tốt, đi làm các sự kiện quan trọng thì được cho mang theo máy ảnh. Lúc nào đi, phải xuống văn phòng ký nhận lấy máy và được phát cho một đoạn phim đủ chụp được mấy kiểu. Làm việc xong, về đưa phim cho Mai Nam rửa ảnh, xem nhận xét về chất lượng ảnh. Nếu chụp tốt, lần sau sẽ lại được mang máy ảnh đi.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.