Văn học nghệ thuật: Đang vàng thau lẫn lộn

Văn học nghệ thuật: Đang vàng thau lẫn lộn
TP - Đó là cảnh báo của nhiều chuyên gia tại hội thảo khoa học văn học nghệ thuật 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - thực trạng và giải pháp”

> Nhà văn làm cho giải thêm sang trọng

Hội thảo do Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương tổ chức, diễn ra tại TPHCM trong hai ngày 27 và 28/11. Nhiều nhà phê bình nêu thực trạng có quá nhiều tác phẩm điện ảnh câu khách bằng các cảnh “nóng”, là nhân viên văn phòng nhưng trong phim lại ăn vận hở hang như vào quán bar… không phù hợp thuần phong mỹ tục.

Hết cởi đến… chửi bậy

Biểu diễn nghệ thuật “cởi” và “mở” gây phản cảm. Ảnh: T.L
Biểu diễn nghệ thuật “cởi” và “mở” gây phản cảm. Ảnh: T.L.
 

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo (Hội Mỹ thuật VN) cho rằng, nghệ thuật đương đại VN vẫn đang ở phía trước. Hoạt động sáng tạo của từng tác giả còn nhiều vấn đề phải bàn nhưng nhìn chung tính chuyên nghiệp và tính hoàn thiện chưa cao.

Ông Bảo ví dụ: Tại Hà Nội, một nữ họa sỹ đã diễn nude (khỏa thân) trước mặt mọi người. Tác giả cởi bỏ mọi thứ trên người, lấy keo dán lên cơ thể và cho lông gà phủ toàn thân là lúc biểu diễn một vài động tác của một con chim bay, lấy con chim thật trong lồng cho vào miệng rồi thả ra.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng, sự thiếu hụt tác phẩm hấp dẫn giới trẻ tạo cơ hội cho những sản phẩm lởm khởm thả sức tung hoành. Không ít phụ huynh tá hỏa khi biết con cháu đang nghe gì, hát gì. Trên nền âm thanh lặp đi lặp lại một cách đơn điệu là những lời ca nhảm nhí, dung tục, thô thiển.

Đơn cử như trong chương trình Art work is work - lễ hội âm nhạc ASEAN ở Hà Nội (tháng 5/2013) nhộn nhạo những lời rap như: “Tao hỏi hàng em đâu? Em ấy nói đây nè. Các em gái cởi bớt đồ nhanh, các em không phải che hết.

Quậy thật đã sống đời hoang dã” (Đêm tàn) hay “thằng nào bố láo giành giật với tao, tao cũng chơi tất, xơi tất. Vô đây uống với tao trăm phần trăm nha thằng chó” (Đi bụi) hoặc “…Phải đánh cho nó chừa đi, bỏ thói bố láo” (Đánh nó đi).

GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, ngay trong lãnh địa văn học đầy rẫy các chiêu câu khách rẻ tiền với các cái tên sách Thoát y dưới trăng, Gạ tình lấy điểm; Váy ướt quấn vào bắp chân; Nắm tay và làm tình; Hễ sướng thì hét lên; Những người đàn bà tắm…

Đại tá Nguyễn Phương Diện, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) nhìn nhận: Một số văn nghệ sỹ cố gắng tự làm mới mình bằng cách cho ra đời những sản phẩm dị thường, nếu không nói là quái thai của lối tư duy bệnh hoạn. Một số chạy theo thị hiếu tầm thường, sáng tạo, quảng bá những sản phẩm dung tục, phản cảm, phản văn hóa.

Loạn nhà thơ, nhà văn cấp… phường

Theo nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương, nhiều tác giả văn chương, nhiều ấn phẩm văn học, câu lạc bộ thơ nở rộ khắp các làng xóm, phố phường, nhất là ở các tổ chức người cao tuổi.

Thú vui tao nhã vô hình trung đã trở thành tai nạn hệ thống gây tốn kém, hiệu quả văn hóa ngày càng teo tóp, tệ nạn mua bán danh hiệu hão, mua bán giải thưởng, bằng khen tự phong, huy chương tự tạo… làm nhiễu loạn giá trị đích thực của văn chương và tư cách người cầm bút, dù nghiệp dư, tạo ra những danh hiệu vô lối, có tính phỉnh nịnh, lừa bịp, kiếm lời.

Rồi, các tác giả này cũng ra báo, in sách với chất lượng văn chương rất lộn xộn, với những tuyên ngôn học thuật rất khôi hài, làm hỏng thị hiếu thưởng thức và định giá văn chương.

Nhiều tác phẩm văn chương kém chất lượng tràn ra thị trường, quảng cáo trên trời, in và trình bày đẹp, bắt mắt gây nhầm lẫn cho người đọc trong nước và cả một số thư viện nước ngoài, tạo nên một bộ mặt dị dạng về văn chương đương đại VN. Tác hại nhãn tiền là bạn đọc không biết dựa vào đâu để tìm được một cuốn sách đáng đọc.

Giải thưởng chính thức cũng “loạn” không kém. Theo ông Vũ Quần Phương, chưa có thời kỳ nào lại lắm giải thưởng nhưng hiện nay. Nơi nào cần tuyên truyền cho công việc, từ tăng thuế đến giảm sinh đẻ đều treo giải văn chương. Giải cấp tỉnh cũng tương tự ban bệ như vậy. Đến nay thì giải thưởng không còn thuyết phục được người đọc.

Ông Phương nhìn nhận: Cứ năm năm một lần Nhà nước tặng giải cấp quốc gia. Văn chương mỗi đợt bốn năm chục người được tặng, bình quân mỗi năm 8 người, biết lấy đâu cho đủ văn tài để tặng?

Theo ước tính của ông Vũ Quần Phương, mỗi năm, Hội Nhà văn VN kết nạp bốn năm chục hội viên. Tính cả các hội địa phương thì có khoảng dăm sáu trăm nhà văn được khai sinh mỗi năm. Phong tặng nhiều quá nên không tránh khỏi vàng thau lẫn lộn.

Không nên đưa tài năng sáng tạo sang vị trí quản lý

Tài năng văn học nghệ thuật là sự cô đơn đến tận cùng. Và, quyền lực luôn hấp dẫn hơn học lực. Một nhạc sỹ tài năng xuống sân bay âm thầm nhưng nếu giữ một vị trí quản lý sẽ có kẻ đưa, người đón, ra về còn được tý chút, cuộc sống ổn định hẳn lên, dần xa rời những trăn trở. Để họ sang làm quản lý, sẽ được một nhà quản lý trung bình, thậm chí dưới trung bình nhưng sẽ mất đi một tài năng sáng tạo.

Nhà văn Chu Lai

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG