'Đờn ca tài tử không bao giờ chết!'

'Đờn ca tài tử không bao giờ chết!'
TP - Đờn ca tài tử và đỉnh cao là cải lương là nghệ thuật truyền thống cuối cùng của Việt Nam đang còn sống khoẻ, trong khi chèo, tuồng không được như vậy. Vì đâu?

> Sau vinh danh là lo lắng
> Lặng thầm hai nữ đờn trứ danh
> Đờn ca tài tử trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền.

Ba năm trước, khi tham gia khảo sát hiện trạng để làm hồ sơ trình UNESCO, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã tin chắc vào thành công của đờn ca tài tử. Vì đây là thể loại âm nhạc truyền thống tiêu biểu và có sức sống mạnh mẽ nhất của âm nhạc cổ truyền Việt Nam tính đến ngày nay. Anh từng tuyên bố: “Nếu đờn ca tài tử không được công nhận thì… nên giải tán UNESCO!”.

Đờn ca tài tử giống như các loại hình nhạc truyền thống khác đã bị đóng khung bài bản, hay vẫn còn được sáng tác mới?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Đây là một đặc điểm kỳ thú. Trên cơ sở 20 bản Tổ có sẵn được coi là kinh điển, các nhạc sĩ vẫn tiếp tục sáng tác bài bản mới. Họ sử dụng thủ pháp giãn nhịp, thêm nốt. Ví dụ lớn nhất là bản Vọng cổ. Từ Dạ cổ hoài lang nhịp đôi trở thành nhịp 4. Khi trở thành Dạ cổ hoài lang nhịp 8 thì người ta đặt cho nó cái tên mới là bản Vọng cổ. Sau đó chuyển thành Vọng cổ nhịp 16, rồi 32.

Từ những năm 80 trở lại đây, bài Phi vân điệp khúc và Đoản khúc lâm giang là của danh cầm ghi ta phím lõm nổi tiếng Văn Giỏi. Giữa thế kỷ XX, bác Mộng Vân là người sáng tác nhiều bài bản và đọng lại sau này. Sự sáng tạo liên tục như thể hiện đờn ca tài tử không ngừng phát triển và không phải lo về việc nó đóng băng.

Buổi sinh hoạt của CLB Đờn ca tài tử xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hòa Hội
Buổi sinh hoạt của CLB Đờn ca tài tử xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hòa Hội.

Vọng cổ là tên một bản nhạc vậy mà tôi cứ nghĩ nó là cả một dòng nhạc cơ đấy?

  Gốc gác âm điệu của đờn ca tài tử chịu ảnh hưởng từ tuồng Bắc (theo dòng chảy người Việt di cư về phương Nam), nhạc lễ Nam bộ và một phần nhạc thính phòng- cung đình Huế… Khởi đầu là phong trào “đờn cây” cuối thế kỷ XIX, đến đầu thế kỷ XX trở thành phong trào đờn ca tài tử phổ biến rộng khắp, sau chuyển sang hình thức ca ra bộ (hát có điệu bộ, diễn hẳn một câu chuyện) rồi nhanh chóng phát triển thành sân khấu cải lương đầu những năm 1920 

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

Điều này cũng dễ hiểu. Đờn ca tài tử là nghệ thuật ngẫu hứng ở đỉnh cao, cùng một bản nhạc người ta có thể đàn n lần hoàn toàn khác nhau. Điều này lý giải tại sao trong giới đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ hình thành một lối chơi một bản nhạc.

Tiêu biểu là bản Vọng cổ - hết tỉnh này đến tỉnh kia, hết thế hệ này đến thế hệ khác chơi mãi không chán. Có lẽ trên thế giới này hiếm có bản nhạc nào được như Vọng cổ, nó được chơi nhiều đến mức người ta đệ ra những cuộc thi dành cho nó. Rồi nổi lên những bậc tài danh như Út Trà Ôn vì ca nó hay quá mà một thời được phong Đệ nhất Danh ca Vọng cổ. Tức là đệ nhất danh ca nhờ chỉ một bài.

Bản nhạc đó có đất diễn rất lớn đến mức một người bình dân cũng có thể hát được, và một cao thủ cũng có thể đưa đầy đủ tài năng sáng tạo, ứng tác của mình vào đấy.

Gọi là “tài tử” nghĩa là các nghệ nhân phải làm nghề khác để sống?

Đúng thế. Nhưng ở một số tỉnh những người đàn hay học giỏi vẫn sống được bằng nghề dạy học. Khoảng năm 1993, Sở Văn hóa TPHCM bắt đầu khôi phục phong trào đờn ca tài tử thì người chơi đờn ca tài tử được đẩy lên bán chuyên nghiệp, biểu diễn chủ yếu cho khách du lịch. Từ đó đến nay nó sống rất mạnh.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Nhà nước bắt đầu chú ý tới đờn ca tài tử?

Khi nhà nước nhúng tay vào thì nó như con dao hai lưỡi, người cầm cân nảy mực đúng thì nó tốt lên. Còn nếu những nhà quản lý văn hóa không hiểu biết mà làm thì rất dễ sai, gây nên những cái không hay trong giới nghề. Ví dụ tôn vinh không đúng người. Đơn cử các tài danh đờn ca tài tử đông như thế, nhưng người đại diện được đưa sang Paris dự lễ trao bằng hôm kia lại là NSƯT Hải Phượng của Nhạc viện. Đi biểu diễn ở đâu cũng đưa dân Nhạc viện đi như đại diện của đờn ca tài tử. Hoàn toàn không phải. Trong dòng đờn ca tài tử, những người ở Nhạc viện được coi là đánh rất kém, thậm chí chưa sạch nước cản. Nhạc viện đánh theo kiểu đồ-rê-mi, còn hệ thống nhạc tài tử đào tạo theo hò-xừ-sang và ngẫu hứng bên ngoài hoàn toàn khác. Khi Nhà nước nhúng tay vào sẽ sinh ra những cái như thế. Khó phết! Thà cứ để tự thân nó phát triển như bao đời nay.

Anh tiên lượng sự phát triển trong tương lai của đờn ca tài tử?

Sẽ tồn tại song hành với hơi thở và đời sống của người dân Nam bộ, không bao giờ chết, vì nó quá hay. Nó là một loại âm nhạc vừa tinh tế vừa phóng khoáng. Dễ đàn nhưng để đạt đến đỉnh cao thì phải có sự khổ luyện cả cuộc đời.

N.M. Hà
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG