Triển lãm mười năm điêu khắc Việt: Vẫn nặng tính phong trào

Triển lãm mười năm điêu khắc Việt: Vẫn nặng tính phong trào
TP - Dẫu rằng trong mọi khâu tổ chức, cuộc triển lãm này đã có sự thay đổi đáng kể, tuy nhiên nó vẫn mang màu sắc “phong trào” như vô số các cuộc triển lãm “tổng động viên” trước đây. Và thế là, ai thích phong trào thì tham gia, ai không thích thì nghỉ cho khỏe.

> Bức tranh trên khúc gỗ đạt kỷ lục Guinness
> Vợt tennis to như xe buýt

8X - Thế hệ điêu khắc bứt phá

Chiếm trọn không gian tầng trệt và không gian ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội, đa dạng về thể loại, ngôn ngữ, chất liệu và kích thước, ấn tượng đầu tiên của triển lãm điêu khắc lần này có lẽ chính là không gian. Các tác phẩm hầu như ít bị chen chúc hơn khi số lượng các tác phẩm được chọn lên đến gần 300 bức.

Trong số đó, những tác phẩm mang phong cách và ngôn ngữ hiện đại cũng chiếm một tỷ lệ lớn so với ngôn ngữ hiện thực của điêu khắc 10 năm về trước. Người ta có thể nhìn thấy ở đó một hơi thở đương đại qua tác phẩm của đa số các tác giả trẻ. Họ được đánh giá là một thế hệ điêu khắc mới với nhiều bứt phá về tư duy và làm thành tiêu điểm mới mẻ của cuộc triển lãm này.

Người ta có thể nhìn thấy rất rõ về sự vặn mình trong sáng tạo của điêu khắc đương đại Việt Nam. Đặc biệt là các tác giả thế hệ 8X. Tác phẩm Lớp vo (giải nhì) của Trần Văn An là một khối sắt vuông hàn màu tối, bị ghìm bó, chằng chịt nẹp, gợi cảm giác nặng nề, tù túng của không gian, kiến trúc đô thị.

Bên cạnh đó là cách khai thác ngôn ngữ hiện thực trần trụi hơn bởi cảm giác ám ảnh của lối sống đô thị đương đại, hào nhoáng, gấp gáp. Tuyến xe sô (giải khuyến khích) của Hoàng Văn Thắng với đoàn người đầu nhỏ mà những trang phục công chức thì lớn lao về phía trước như một quán tính khó kìm giữ. Shopping (giải khuyến khích) của Lương Đức Hùng là một sự phô trương kệch cỡm của thời đại tiêu dùng và tình dục trong hình ảnh các cô nàng đương đại áo khoét sâu, quần ngắn.

Trong khi đó Góc phố (giải khuyến khích) của Đỗ Thế Thịnh lại là thân phận những kẻ bụi đời vạ vật được treo lên trên một cái trục rất nhỏ hay tác phẩm Dơi (giải khuyến khích) của Trần Việt Hưng là những đôi tay thò ra vô vọng trong hình chiếc máy bay giấy đang lao ngược lên. Đa nghĩa, đa chất liệu, đa không gian, có thể nói sáng tạo của những tác giả trẻ này ít nhiều đã đặt dấu ấn vào điểm mốc cuối cùng của thập niên đầu TK 21.

Nhìn vào hệ thống các tác phẩm được giải thưởng có thể thấy rằng việc chấm và trao giải của hội đồng đã nhặt ra được những tác phẩm tốt nhất. Ngoại trừ chuyện dị nghị xung quanh vấn đề giải nhất bị phế truất trước khi công bố kết quả được một số báo nêu ra với lý do tác giả này bắt chước ý tưởng một tác giả nước ngoài.

Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác của cuộc triển lãm tổng kết 10 năm điêu khắc Việt Nam, liệu thành tựu của vài tác giả thế hệ 8X này đã là đầy đủ? Theo như chính nhận định của ban tổ chức là triển lãm đã vắng bóng khá nhiều các tác giả tiêu biểu. Phải chăng điều này là hệ lụy của chính cung cách tổ chức của một triển lãm mang tầm cỡ quốc gia.

Vẫn nặng tính phong trào, thụ động

Tác phẩm
Tác phẩm "Lớp vỏ" của Trần Văn An, giải nhì.
 

Với tiêu chí “nhằm tổng kết và giới thiệu sự sáng tạo, phát triển của nghệ thuật Điêu khắc Việt Nam trong 10 năm qua” (theo thông cáo báo chí của BTC), có lẽ ban tổ chức đã chưa thực thi đủ phận sự của mình. Bởi nếu là sự tổng kết, thì chắc chắn vai trò này đặt lên vai hội đồng nghệ thuật quốc gia (gồm những người đủ uy tín chuyên môn) phải nêu ra trong 10 năm đó điêu khắc Việt có những thành tựu gì?

Đằng này, hội đồng nghệ thuật lại chỉ lập ra để xét chọn những tác phẩm do các tác giả gửi đến. Cung cách này dẫn đến triển lãm bị bó vào một hạn chế là chỉ những người chủ động gửi tác phẩm mới được xét duyệt để trưng bày.

Trong khi đó, nhiều tác phẩm tốt, tiêu biểu, hoặc nhiều tác giả đóng một vai trò quan trọng trong điêu khắc Việt suốt 10 năm lại không hề tham dự. Do vậy có làm tổng kết cũng bằng không và triển lãm vẫn mang màu sắc “phong trào” như vô số các cuộc triển lãm “tổng động viên” trước đây. Và thế là, có vẻ như ai thích phong trào thì tham gia, ai không thích thì nghỉ cho khỏe.

Điêu khắc hay mỹ thuật Việt, trên một phương diện chung không hề thua kém với các nước trong khu vực, bởi ngay từ thời mỹ thuật Đông Dương, ta đã có một tiếng nói riêng, một con đường khác biệt. Nhưng nếu không tiếp thu, học hỏi từ những phương cách hoạt động linh hoạt hiệu quả hơn như các cuộc triển lãm quốc tế Biennale (tổ chức hai năm một lần) hay Triannale (ba năm một lần), chúng ta vẫn chỉ có một cuộc triển lãm thụ động kiểu “góp gạo thổi cơm chung”.

Đồng thời, các giải thưởng mỹ thuật tầm cỡ quốc gia cũng không phát huy được đúng vai trò của chúng trên mọi phương diện: kinh tế - văn hóa - xã hội để tìm được một chỗ đứng cho mỹ thuật Việt trong bản đồ mỹ thuật thế giới.

Triển lãm lần này, với 675 tác phẩm của 352 tác giả trong cả nước gửi đến để tuyển chọn qua ảnh, Hội đồng Nghệ thuật đã lựa ra 286 tác phẩm của 230 tác giả trưng bày và trao giải cho 21 tác phẩm xuất sắc nhất. Trong đó tỷ lệ những tác giả được giải thuộc thế hệ điêu khắc 8X chiếm đa số.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG