“Chat với Mozart” có gì mà ầm ĩ ?

“Chat với Mozart” có gì mà ầm ĩ ?
TP - Những đĩa kiểu như "Chat với Mozart" không phải là nhu cầu thưởng thức của giới âm nhạc chuyên sâu mảng giao hưởng thính phòng, bởi vậy sự việc diễn ra đã lâu nhưng chẳng mấy người trong giới quan tâm, nay thì khác, dư luận lại bắt đầu ồn lên.

>> Mỹ Linh bị kiện dai dẳng

“Chat với Mozart” có gì mà ầm ĩ ? ảnh 1
Mozart bị "chat"

Xâm phạm bản quyền?

Ngòi nổ cho cuộc tranh luận này hình như bắt đầu từ  bài viết chừng giữa năm ngoái trên một tờ báo ngành nghệ thuật.

Trên tờ báo này, tiến sĩ nghệ thuật học Thế Hùng và nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa, Phó khoa (giờ là Trưởng khoa) Lý luận- Sáng tác-Chỉ huy Nhạc viện Quốc gia HN phản đối việc “gắp” một chút giai điệu trong các bản nhạc nổi tiếng của các nhà soạn nhạc kinh điển thế giới để phổ lời và “đặt” vào bản phối khí theo dòng nhạc hoàn toàn khác với bản nhạc gốc.

Những đĩa kiểu như Chat với Mozart không phải là nhu cầu thưởng thức của giới âm nhạc chuyên sâu mảng giao hưởng thính phòng, bởi vậy sự việc diễn ra đã lâu nhưng chẳng mấy người trong giới quan tâm, nay thì khác, dư luận lại bắt đầu ồn lên.

Cũng từ vụ việc này mọi người trong đó không ít thuộc giới chuyên môn - hoạt động trong các công đoạn ra đời một album hoàn chỉnh - té ngửa hóa ra còn cái quyền vượt quá ngưỡng 50 năm, 70 năm như một vài nước, ấy là quyền nhân thân, mà cái quyền này thì vĩnh viễn không thay đổi.

Điều này thể hiện rõ trong Luật Sở hữu trí tuệ của ta. Gần đây, tỏ chính kiến về vụ Chat với Mozart,  nhạc sĩ Phó Đức Phương- Giám đốc Trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam  chỉ ra những vi phạm bản quyền của nhóm thực hiện.

Không phải lần đầu

Trong sách Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại do Hội Nhạc sĩ VN và NXB Âm nhạc xuất bản năm 1997 có phần ghi nhận thế này về một nhạc sĩ: “Ông là người đầu tiên đưa nhạc nhẹ chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời như Con kênh xanh xanh của Ngô Huỳnh, Cánh chim báo tin vui của Đàm Thanh...”. 

GS- NSND Trọng Bằng từng có giao hưởng thơ Người về đem tới niềm vui phát triển trên nét giai điệu mở đầu ca khúc cùng tên nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao v.v...

Nói chung, những tác phẩm phát triển từ ca khúc hay một làn điệu dân ca không phải hiếm. “Trên thế giới có Paul Mauriat thường lấy bài có lời (chuyển) thành không lời” - Nhạc sĩ An Thuyên phát biểu trên một tờ báo.

Hay nhà soạn nhạc thiên tài J.S Bach cũng là tác giả nhiều bản preludefuga tuyệt vời, được coi là mẫu mực, trong số đó có một bản prelude cung Đô trưởng với những âm hưởng trong sáng, người nghe có thể cảm nhận đó là một bản nhạc đầy đủ, thế nhưng một nhạc sĩ ít tên tuổi hơn J.S Bach tên là C.Gounod (người Pháp) lại thấy nó vẫn thiếu một cái gì đó, và sau những thăng hoa nghệ thuật ông đã vút lên một giai điệu tuyệt vời từ nền nhạc bản nhạc kia của J.S Bach.

Ngay lập tức nó được cả thế giới đón nhận, cho tới tận hôm nay vẫn giữ nguyên giá trị. Đó chính là bản nhạc, ca khúc Ave Maria bất hủ.

Tóm lại, nếu những ca khúc trong Chat với Mozart  đạt chất lượng nghệ thuật thì vẫn có thể được đón nhận và lưu hành thoải mái. Vậy tại sao nó lại bị nhiều người thuộc giới nhạc chuyên nghiệp chỉ trích?

“Hỗn”?

Là từ mà có người đã dùng để chỉ hành động của nhóm thực hiện CD này. Chat nghĩa là trò chuyện theo kiểu tán gẫu - một kiểu giết thời gian qua mạng. Vậy Chat với Mozart?

Mozart là một vĩ nhân, thiên tài âm nhạc, sáng tác của ông có vị trí quan trọng góp phần hoàn thiện và phát triển âm nhạc thế giới. Với những đóng góp của mình Mozart là một trong những ông tổ của nền âm nhạc giao hưởng thính phòng.

Ấy thế mà thế hệ hậu sinh ở một đất nước mà nền âm nhạc giao hưởng thính phòng vẫn còn phải không ngừng học hỏi lại “lôi” ông ra để... tán gẫu!

Không chỉ Mozart, hàng loạt cây đại thụ của lịch sử âm nhạc thế giới, sống cách nay bao năm cũng bị “lôi” vào cuộc tán gẫu trong album này: J.S. Bach, A. Vivaldi, Schumann, Saint Saens, Tchaikovsky, E.W.Elgar, A. Borodin.

Nhiều người cho rằng ngay cả khi đặt cái tên nghiêm túc hơn một chút như: Đối thoại, Trò chuyện,... thay vào Chat vẫn không phải phép, phải đạo. Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói ông e ngại rằng cứ đà này tới đây sẽ có Chat cùng... Nguyễn Trãi.

Còn nhạc sĩ Hoàng Vân phát biểu tại Hội âm nhạc: Chat với Mozart nghe thật mơ hồ. Những người thực hiện phải chăng chỉ tính mục đích thương mại mà không nghĩ đến những chuyện sau này...

Nếu không đặt vấn đề bản quyền đi nữa thì coi như chữ Chat vụ này cũng khá chua chát. Âu cũng là kinh nghiệm cho giới âm nhạc đại chúng trước thời đại bùng nổ thông tin, thời đại nhập nhèm tiếng Ta tiếng Tây.

MỚI - NÓNG