Nick Út - Từ "địa ngục" tới Hollywood

Nick Út - Từ "địa ngục" tới Hollywood
(TPO) Đó không chỉ là tên bộ phim sắp tới của Hollywood về Nick Út, mà chính là tên cuộc triển lãm ảnh đầy tham vọng của Nick về chiến tranh Việt Nam và những tài tử Hollywood.

Nhắc tới Nick Út, người ta nghĩ ngay tới bức ảnh đã từng làm chấn động thế giới  bức ảnh chụp bé Kim Phúc bị bỏng bom na-pan với lời kêu gào: "Nóng quá”. Bức ảnh đã được đăng tải trên trang nhất báo chí thế giới ngay ngày hôm sau và đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Năm  2005, bức ảnh này được tôn vinh là một trong 10 bức ảnh báo chí đáng ghi nhớ nhất trong vòng 50 năm qua của Tổ chức nhiếp ảnh báo chí thế giới (World Press Photo).

Bức ảnh đó và cùng chiếc máy ảnh Leica mà Nick  Út chụp đã được Viện bảo tàng Anh mượn  trong10 năm từ 2002-2012. Năm 2002, ông và Kim Phúc được  đích thân nữ hoàng Anh Elizabeth Taylor II mời sang gặp gỡ và trò chuyện bởi bức ảnh đó đã để lại trong bà những ấn tượng sâu sắc.

Nick Ut than  thở: “Có lẽ tôi phải đòi lại thôi, chứ lâu thế chắc tôi chết mất.” Một trong những ước vọng của ông hiện nay  là được mang những bức ảnh đó về triển lãm tại Việt Nam và sau này khi về hưu sẽ ở hẳn Việt Nam.

Phải cứu em bé trước đã

Nick Út - Từ "địa ngục" tới Hollywood ảnh 1
Bức ảnh gây chấn động thế giới của Nick Út

Hơn 30 năm đã trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ như in cảnh tượng lúc bấy giờ. Đó là sáng sớm ngày 8.6.1972 khi Nick nghe tin có đánh nhau ở Trảng Bàng, cách Sài Gòn 30 km về hướng bắc, ông vội lái  xe xuống đó. Khi tới nơi, đã thấy nhiều người  VN đang bỏ chạy.

Tại đó, ông đã chụp  cảnh máy bay Mỹ ném bom, lính ngụy chết, người dân bỏ chạy tán tác. Sau khi chụp được nhiều bức tâm đắc, ông nghĩ bụng, thế là đủ rồi, về thôi. Bỗng nhiên, ông nhìn thấy một chiếc máy bay bay qua nóc nhà thờ, 4 trái bom từ thân máy bay bắt đầu rơi xuống - bom na pan.

Khi ghi lại được hết  hình ảnh bom rơi, Nick định bụng về ngay để truyền ảnh, thì đột nhiên trong đống khói đen sì đó có một số trẻ em, bà già chạy tán loạn. Một bà cụ bế người cháu chưa đầy một tuổi và kêu la: “Ai cứu tôi, cứu tôi” .

Nick chạy tới gần để chụp bức ảnh đứa nhỏ, thấy đứa trẻ bị lột da, chết trên tay bà nội. Đó chính là bà nội của Kim Phúc. Thêm hai người nữa ẵm hai đứa bé cũng đã... chết. Năm phút sau, Nick nhìn thấy mấy đứa nhỏ khóc, trong đó có Kim Phúc, giang hai tay chạy từ trong đám khói đen sì, miệng la hét: “ Cứu tôi, nóng quá, nóng quá”  rồi Phúc  nói với người anh trai đứng kế bên: “Chắc là em chết mất anh ơi. Em cần nước uống”

Nick đã lấy ngay chai nước uống của mình cho cô bé uống, rồi tưới cả lên người cô bé. Nick nghĩ, cô bé này chắc chết mất. Lúc đó như phản xạ, ông bế cô bé lên xe của mình, chạy về bệnh viện Củ Chi, rồi về Sài Gòn gấp để  tráng và rửa phim.

Bức ảnh đó sẽ không được thế giới biết đến, nếu...

Tráng phim xong, Nick thấy bức ảnh đẹp quá. Một người Mỹ làm việc trong AP không đồng ý gửi bức ảnh đó đi vì cho rằng, bức ảnh đó trần truồng quá, không sử dụng ở bên Mỹ được vì luật không cho phép chụp trẻ em trần truồng đăng báo.

Đợi “sếp lớn”  đi ăn trưa về, ông trình bày đó là do bom nổ, cô bé bị nóng quá, cởi quần áo để chạy. Ông sếp nghe hay quá và nói: “Tôi muốn chuyển bức hình này gấp”

Bức ảnh đó được gửi qua Tokyo và New York, mấy phút sau,  văn phòng AP tại Sài gòn nhận được cú điện thoại từ Mỹ gọi về cho biết, bức hình đó quá xuất sắc. Ngay ngày hôm sau, hầu hết các trang nhất những tờ báo lớn đều đăng bức ảnh này.

Nick Út - Từ "địa ngục" tới Hollywood ảnh 2
Nick Út, Kim Phúc  đang trò chuyện với nữ hoàng Anh

Mấy tháng sau, bên Mỹ  thông báo, ông sắp được giải thưởng lớn. Quả nhiên,  bức ảnh đó đoạt giải World Press Photo, Oversea Press Club. Một năm sau, năm 1973, bức ảnh lại đoạt giải Pulitzer và nhiều giải thưởng khác.

Người “xếp lớn” đó chính là Horst Faas, trưởng phân xã AP tại Sài gòn, thành viên Quĩ IMMF, người hai lần đoạt giải Pulitzer. Nếu không có ông, bức ảnh kia sẽ không được thế giới biết đến, và tất nhiên người ta sẽ không biết Nick Út là ai, cô bé Kim Phúc chưa chắc đã được cứu sống. Bởi sau sự kiện đó Kim Phúc được các bác sỹ hàng đầu thế giới sẵn sàng chữa chạy miễn phí cho cô.

Nick Út -  Cái tên định mệnh

Sinh ra trong gia đình đông anh em ở Long An, Huỳnh Công  Út là con bé nhất trong gia đình. Khi người anh trai là Huỳnh Thanh Mỹ làm việc cho hãng AP bị chết trong chiến tranh, Út được nhận  vào làm việc thế chỗ người anh.

Lúc đầu, năm 1966, công việc của ông là  làm việc trong phòng tối. Sau thời gian tập sự, ông đi chụp ảnh và những bức ảnh của ông được  AP đánh giá tốt và chính thức nhận ông làm phóng viên ảnh. Lúc đó, văn phòng AP tại Sài gòn rất đông nhân viên, chủ yếu  người Mỹ, chỉ có  hai, ba phóng viên VN.

Tại AP, ông chơi thân với Henri Huet (bố là người Pháp, sinh ra tại Đà Lạt). Thấy Huỳnh Công Út nhỏ bé, lại bé nhất nhà  nên Huet gọi ông là Nick (có nghĩa là bé nhất). Mùa hè  những năm cuối của thập kỷ 60, một số người trong AP được  đi nghỉ tại Hồng Kông, Út có tên trong danh sách những người được đi. Nhưng Huet nói với Ut  rằng, ông ta rất muốn đi, Ut đã nhường lại cho bạn.

Ngờ đâu, chiếc máy bay  trong đó có Huet đã bị nổ tung trên đường tới Hồng Kông. Nghe tin sét đánh này, Huỳnh Công Ut thấy bàng hoàng cả người. Sáng sớm hôm sau, ông bay lại đường Hồ Chí Minh để tìm xác bạn, nhưng chẳng tìm thấy một vết tích nào. Cái tên Nick Ut đã ra đời để tưởng nhớ người bạn thân đó.

Sự nổi tiếng  có giúp ích gì cho ông trong công việc?

Mình đi đâu cũng được mời chào mặc dù lúc đó sự kỳ thị sắc tộc vẫn còn tồn tại ở nước Mỹ. Sau khi đoạt nhiều giải thưởng lớn, tôi vẫn đi làm như thường. Nhất là kể từ sau 11/9/2001, ở nhiều nơi các nhà báo phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ, nhưng tôi đã  không bị gây khó dễ khi tác nghiệp, thậm chí có lúc tôi còn quên không đem theo giấy tờ gì cả.

Dự định trong tương lai của ông là gì ?

Tôi muốn mang những bức ảnh của mình đi triển lãm khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Triễn lãm mang tên  Từ  Địa ngục tới Hollywood. Đó  là tất cả những bức ảnh để đời trong cuộc đời cầm máy của tôi. Đó là  những bức ảnh về sự khốc liệt của cuộc chiến tranh VN  và  những bức ảnh về thân phận cũng như cuộc đời nhiều cay đắng, truân chuyên của các tài tử Hollywood. Sau này, khi không làm việc cho AP nữa, tôi sẽ về định cư tại Việt Nam.

Khi còn là một chàng trai trẻ đi chơi lang thang trên đường phố Sài Gòn, Nick Ut được một ông thày bói ngồi vỉa hè xem tay và phán: “Anh sau này sẽ được đi khắp thế giới và nổi tiếng khắp thế giới” Nick không tin và nghĩ rằng, mình giỏi lắm là đi ... Tây Ninh là cùng. Câu chuỵện đó không ngờ đã trở thành sự thật. Ông nói: “Giờ mà mình gặp lại ông già đó, mình sẽ tặng ông thật nhiều tiền”

MỚI - NÓNG