Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ

Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ
"Nguyễn Ái Quốc được coi là một trong những nhà văn Pháp ngữ Việt Nam không những sớm nhất mà còn thành công nhất "- Đó là đánh giá của giáo sư Alain Guillemin, chuyên gia hàng đầu của Pháp về Văn học Pháp ngữ Việt Nam.

Văn học Việt Nam, ngoài bộ phận viết bằng tiếng Việt (dùng chữ Nôm hoặc chữ Quốc ngữ), và bộ phận viết bằng chữ Hán, còn có một bộ phận ít được biết đến: văn học viết bằng tiếng Pháp.

Cho đến nay, chỉ có một cuốn sách viết riêng về để tài này là cuốn The Vietnamese Novel in French: A Literary Response to Colonalims (Tiểu thuyết Pháp ngữ Việt Nam: Văn chương đáp lại Chủ nghĩa thực dân) của giáo sư Mỹ Jack A. Yeager 1, dựa trên luận án tiến sĩ của ông. Ngoài ra, còn có một luận án tiến sĩ khác, cũng ở Mỹ, viết về Phạm Văn Ký 2.

Giáo sư Alain Guillemin, chuyên gia hàng đầu của Pháp về lĩnh vực này, trong La Littéature Vietnamienne Francophone: Entre Colonisalisme et Nationalisme (Văn học Pháp ngữ Việt Nam: Giữa chủ nghĩa thực dân và Chủ nghĩa dân tộc) cho biết rằng từ năm 1913, thời điểm xuất bản tập thơ “Mes heures perdues” (Những giờ khắc tôi đã mất) của Nguyễn Văn Xiêm, cho đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, đã thu thập được khoảng một trăm tác phẩm của 47 tác giả, bao gồm 62 tác phẩm văn xuôi (34 tiểu thuyết, 18 tập truyện kể, 8 tập tiểu sử tự thuật, 2 tập truyện ngắn), 31 tập thơ, và 6 vở kịch.

Phạm Văn Ký, tác giả của 10 tiểu thuyết và tập truyện ngắn, 4 tập thơ, 3 vở kịch, do các nhà xuất bản lớn ở Paris như Fasquelle, Le Seuil, Grasset, Gallimard, NRF phát hành, đoạt Giải thườn Lớn của Viện Hàn lâm Pháp năm 1961 3 có lẽ là tác giả hội nhập sâu sắc nhất vào xã hội Pháp.

Bên cạnh đó, theo tôi, Nguyễn ái Quốc cũng phải được coi là một trong những nhà văn Pháp ngữ Việt Nam không những sớm nhất mà còn thành công nhất.

Theo Yeager, tập văn xuôi Pháp ngữ đầu tiên của Việt Nam là Contes et Légendes du Pays d’Annam (Truyện cổ và thần thoại nước An Nam, 1913). Nhưng cuốn tiểu thuyết, và có lẽ cũng là tác phẩm văn xuôi hư cấu đầu tiên, Mademoiselle Lys (Cô Huệ) của Nguyễn Phan Long, mãi đến năm 1921 mới xuất bản.

Theo Alain Guillemin, trước năm 1945, ảnh hưởng của văn học Pháp ngữ Việt Nam chỉ đóng khung ở địa phương, vì trong 44 tác phẩm, 32 in tại Hà Nội và Sài Gòn, và trong số 25 tác phẩm văn xuôi, chỉ có 3 in ở Pháp. Tuy nhiên, Alain Guillemin khi cho rằng có lẽ mảng chuyện ngắn đã bị đánh giá chưa đúng mức, bởi lẽ đó mới chỉ là các tuyển tập, vì thế “cần khảo sát các báo và tạp chí Pháp ngữ xuất hiện trong thời thuộc địa 4”.

Điều đó rất đúng với trường hợp Nguyễn ái Quốc. Như chúng ta đều biết, Nguyễn ái Quốc đến sống tại Pháp vào khoảng cuối năm 1917. Chàng trai Việt Nam hai mươi bảy tuổi kết thân với nhiều nhà hoạt động cách mạnh quốc tế, và nhanh chóng trở thành một cây bút quan trọng của báo chí các nhóm cách mạng thuộc địa hoạt động ở Paris.

Giáo sư Hayes Edwards (Rutgers University), trong bài The Shadow of Shadows5, khi so sánh sự tương đồng giữa Nguyễn ái Quốc và nhà hoạt động cách mạng Senegal Lamine Senghor, có viết: “Trong bài này, tôi sẽ tập trung vào tác phẩm của Nguyễn ái Quốc, ông là cây bút quan trọng và kỳ lạ nhất trong các nhóm cách mạng ở Paris trong nửa đầu thập kỷ 1920, người ta đã cho đăng cả một cơn lũ bài viết thuộc nhiều thể loại không chỉ trên tờ Le Paria, mà cả trên L’Humanité, Le Journal du Peuple, La Voix ouvrière, Le Libétaire, Clarté, và L’action Colonialé 6”.

Riêng với tờ Le Paria, Nguyễn ái Quốc vừa là người phụ trách, người biên tập, vừa là cây bút chính, nhiều khi phải viết bài thay cho những tác giả không viết kịp.

Không chỉ viết báo, tiểu luận, Nguyễn ái Quốc còn viết truyện. Giáo sư Hayes Edwards gọi nhiều bài viết của Nguyễn ái Quốc là những “Kiệt tác nhỏ về thể văn nhại và tiểu luận (“There are a number of little masterpieces of parody, essays”) và đánh giá cao những cách tân văn chương của Nguyễn ái Quốc mà ông coi là đóng vai trò không thể thiếu trong sự phát triển tư duy chính trị của các chiến sĩ cách mạng thuộc địa7.

Những truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn ái Quốc như Lời than văn của bà Trưng Trắc (Les lamentations de Trung - Trac), Paris (Trích Những bức thư gửi cô em họ – extrait de Letters à ma cousine), Con người biết mùi hun khói (“enfumé”) đều in trên tờ L’Humanité trong năm 1922, như vậy chỉ một năm sau Mademoiselle Lys (Cô Huệ) của Nguyễn Phan Long.

Truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc khá độc đáo và hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh đầu thập niên 1920, nghĩa là mấy năm trước Tố Tâm và hàng chục năm trước Tự Lực Văn Đoàn.

Văn xuôi của Nguyễn ái Quốc, cũng như của Hồ Chí Minh sau này, rất đa dạng tùy theo đối tượng bạn đọc và các yêu cầu cụ thể: khi khá cầu kỳ, như trong Paris (1922), khi lại mộc mạc, như trong Giấc ngủ mười năm (1949). Truyện Con rùa (1925) đầy chất trào lộng mà sau này ta sẽ gặp lại ở Nguyễn Công Hoan, còn Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922) lại đầy chất mộng mị, ma quái mà ta có thể nhận thấy rất rõ dù đã qua dịch thuật: “Đó chính là lúc Thiên tử nằm mơ. Ngài mơ thấy những con rồng chạm trên tủ, bàn bỗng biến động, hóa thành những con rắn gớm ghiếc, mở thao láo những con mắt đỏ ngầu tia máu. Còn những con phụng hoàng, giống chim tượng trưng cho uy quyền vua chúa, thì vươn chiếc cổ dài ngoẵng tua tủa lông, quệt mỏ xoè cánh, y hệt đám gà trống cáu kỉnh, đáng ghét. Mọi vật bằng ngọc thạch, bằng châu báu, đều xỉn đi, xám xịt lại. Tất cả cứ từ từ quay tròn, và tan dần, tan dần. Rồi một bóng ma trùm khăn, trăng trắng hiện lên. Nhà vua kinh hoàng run lên lập cập, vì không phải vua chúa nào cũng đều can đảm như Hămlét, và thông minh như thế thì lại càng không. Ngài muốn kéo chiếu che mặt mà không được 8”.

Con người biết mùi hun khói, đúng như Hayes Edwards nhận định, là một truyện ngắn đặc sắc về nhiều mặt. Trước hết là tính quốc tế – tác phẩm của một người Việt Nam được bắt đầu bằng lời đề tặng một người Algeria bị một sĩ quan pháp tên là Vidart giết hại: “Xin tặng Nahông, người đã bị quân phiệt thực dân ám hại, bài viết này”. Lời đề tặng này lại được đặt trong sự tương phản với đoạn trích lời Albert Sarrault, bộ trưởng bộ thuộc địa: “Chính cuộc chinh phục hệ thống thuộc địa đã rèn luyện tài năng chiến đấu của số đông những nhà chỉ huy quân sự lớn của ta, những con người đã đưa ta đến chiến thắng, đã được dư luận Pháp ca ngợi vinh quang và chiến công ngay khi mang lá cờ nước ta đến dưới những bầu trời châu Phi hay châu Á”.

Nhưng độc đáo nhất là tính viễn tưởng, Sáng tác năm 1922, nhưng bối cảnh câu chuyện lại diễn ra vào năm 1998, nghĩa là sau đó 75 năm. Hãy đọc đoạn mở đầu:

“Thành phố Haoussas cờ xí tưng bừng. Tưởng đâu như một vị chúa xuân đã gõ cây đũa thần lên gỗ ván khô khốc ở các bao lơn và các cửa sổ, làm mọc ra muôn vàn tấm lá đỏ phấp phới yêu kiều trước gió. Đây là lễ kỷ niệm lần thứ năm mươi ngày thành lập Cộng Hòa Liên Hiệp Phi. Chưa bao giờ dân chúng lại tham gia với mức độ ấy những hội hè loại này. Từ sáng sớm, các đường phố, các quảng trường y như một dòng sông người. Từng đoàn học sinh, giương cờ đi đầu, vừa diễu qua các phố vừa hát Quốc tế ca, được dân chúng vỗ tay hoan nghênh. Trên quảng trường Xô viết, một cụ già hô hào đám đông. Đó là cố Kimengo, mệnh danh là Con người biết mùi hun khói”.

Trong cảnh lễ hội đó, cố Kimengo kể lại câu  chuyện xưa: những người dân thuộc địa Pháp nghèo khổ không có tiền nộp thuế, phải bỏ trốn vào hang. Bọn thực dân hun khói làm những người trong hang chết ngạt. Riêng cố Kimengo may mắn ở gần một kẽ nứt, đào một cái ngách, thoát ra được và trở thành “chiến sĩ của quân đội cách mạng, một trong những người sáng lập Cộng hòa da đen”. Cụ Kimengo “không những đã ra sức thức tỉnh anh em cùng màu da ra khỏi giấc ngủ mê say của con người nô lệ, mà còn cố gắng phá tan mọi thành kiến dân tộc và chủng tộc, tập hợp những người bị bóc lột thuộc các màu da trong cuộc đấu tranh chung”.

Con người biết mùi hun khói của Nguyễn ái Quốc có lẽ là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại viễn tưởng ở Việt Nam. Đặc biệt hơn, nếu lưu ý rằng lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Cộng hòa liên hiệp Phi trong truyện diễn ra vào năm 1998, ta sẽ thấy Nguyễn ái Quốc đã tiên đoán rất chính xác sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa cuối thập kỷ 1940.

Nhân đây, cũng xin nói thêm rằng sau này Hồ Chủ tịch còn trở lại với thể loại viễn tưởng trong Giấc ngủ mười năm (1949). Nông Văn Minh, nhân vật trong truyện, là người Nùng, vào Vệ Quốc quân đánh Tây. Trong trận đánh đèo Bông Lau, Minh bị thương vào đầu, ngất đi, khi tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Một cô gái trẻ ôm chầm lấy anh hôn lấy hôn để làm Minh ngượng nghịu. Mãi lúc đó Minh mới sửng sốt nhìn thấy tờ lịch đề ngày 15 tháng 8 năm 1958. Cô gái chính là con gái anh, nay đã lớn, đang học đại học y khoa, ngồi kể cho bố nghe về những đổi thay trên quê hương đã hoàn toàn độc lập.

Xin trở lại với những tác phẩm Pháp ngữ của Nguyễn ái Quốc. Theo Hayes Edwards, sáng tác của nhà cách mạng trẻ tuổi Việt Nam còn âm vang nhiều năm sau khi anh rời Paris đi Moskva năm 1923. ảnh hưởng của Nguyễn ái Quốc có thể thấy rất rõ trong sáng tác của Lamine Senghor (Sénégal).

Chẳng hạn, một câu trong tác phẩm Con người biết mùi hun khói, “cụ Kimengo đã ra sức thức tỉnh anh em cùng màu da ra khỏi  giấc ngủ mê say của con người nô lệ”, dường như vọng lại trong đoạn kết bài diễn văn Lamine Senghor đọc tại Đại Hội Phản Đế tại Bruxelles. Cũng theo Hayes Edwards, giọng văn châm biếm, cũng như việc sử dụng hình minh họa trong La violation d’un pays (ức hiếp một dân tộc) có lẽ cũng được Lamine Senghor học theo gương Nguyễn.

1. J.A.Yeager, The Vietnamese Novel in French: a literary Response to Colonialism, Hanover, New Hampshire University Press, 1990.

2. Nguyen Hon Nhiem Lucy, L’échiquier et l’antinomie: Je/moi comme singe et substance du conflit Occident-Extrême-Orient dans les oeuvres de Pham Van Ky, University of Massachussets Amhers, 1992 (Chú thích của Alain Guillemin).

3. Giáo sư Alain Guillemin, hiện làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam á (Institut de Reserche sủ le Sudét Asiatique, Marseille). Bài La Littérature Vietnamienne Francophone: Entre Colonisalisme et Nationalisme được ông gửi riêng cho tôi.

4. “II est probable que le poids des nouvelles est-sous - estimé car, surtout en ce qui concerne les récits  courts édités au Vietnam, il ne s’agit que de publications en volume. Une enquête dans les nombreux journaux et revues francopohnes parus pendant la période coloniale serait nécessaire”.

5. Hayes, Brent Edwards, The Shadow of Shadow, Xin xem bản trên internet: <http://muse.jhu.edu/journals/positions/v011/11.1edwards.html>

6. “I will concentrate here oarticularly on the work of Nguyen Ai Quoc, who may well stand as the most important and prodigious writer in radical circles in Paris during the first part of the 1920s, publishing a torrent of wide-ranging articles not only in Le Paria but also in L’Humanité, Le Journal du Peuple, La Voix Ouvrière, Le Libétaire, Clarté, and L’Action Coloniale”.

7. “It is even more surprising that literary innovation-and efforts in fiction in particular-play an indispensable role in the development of a number of anticolonial militants’ sense of politics”.

8. Tìm hiểu truyện và ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sở Văn hoá Thông tin Đồng Tháp, 1985.

MỚI - NÓNG