Mẹ tôi là ngọn lửa sưởi ấm gia đình

Gia đình Hoa hậu

Gia đình Hoa hậu
TP - Gặp lại gia đình Hoa hậu vào một sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội, bà Đại sứ kể: “Ngày em Lan chào đời, em khóc thật to và bố của em cười hạnh phúc... 20 năm sau, khi em Lan cười rạng rỡ trong đêm đăng quang, thì trên khán đài ông nhà tôi cố ngăn niềm xúc động đang trào dâng ở hai khóe mắt".

Sau đêm chung kết tại Vinpearl (Nha Trang), báo Người đại biểu nhân dân điện tử chạy dòng title dài là lạ: “Con gái Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đăng quang Hoa hậu Thế giới người Việt 2007”.

Đại sứ Ngô Quang Xuân, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva (Thụy Sĩ), chính là ông Phó Chủ nhiệm có cô con gái vừa đăng quang.

Gia đình Hoa hậu ảnh 1
Đại sứ Ngô Quang Xuân cùng vợ và con gái trong một triển lãm tranh tại Hà Nội  Ảnh: Phạm Yên

Những khoảnh khắc không nói nên lời

Còn nhớ sau cái tích tắc mà ông Chủ tịch Ban công tác giơ búa chuẩn bị gõ để khẳng định Việt Nam đã hoàn toàn đủ điều kiện gia nhập WTO, vào 5 giờ chiều ngày 13/10/2006, chúng tôi điện thoại từ Hà Nội sang Geneva để hỏi về cảm xúc của Đại sứ sau 2.500 ngày ông đóng góp sức mình vào lộ trình đưa đất nước tới sân chơi kinh tế lớn nhất hành tinh.

Lúc đó, dường như ông Ngô Quang Xuân không nói nên lời. Mãi sau này ông Đại sứ mới tâm sự với báo giới rằng đó là một thời khắc ngưng đọng đến tận cùng của nỗ lực, khát vọng trong suốt hơn 11 năm của bao nhiêu trí tuệ Việt trong và ngoài bàn đàm phán.

Những ngày đất nước vào thu này, ở Hòn Ngọc Việt, sau khi người dẫn chương trình xướng danh Hoa hậu, chúng tôi gọi điện cho ông Ngô Quang Xuân từ Hà Nội, ở đầu dây Nha Trang, ông Ngô Quang Xuân cũng dường như không nói nên lời.

Phải chăng có những khoảnh khắc mà một nhà ngoại giao chuyên nghiệp nhất cũng khó biểu lộ được cảm xúc của mình?

Gia đình Hoa hậu ảnh 2
Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 Ngô Phương Lan.
Ảnh: Hồng Vĩnh

Vẻ đẹp mặn mà Châu Á

Khi tường thuật về cuộc thi Hoa hậu người Việt tại London (Anh quốc), phóng viên BBC đã viết: “Teressa Sam, cô sinh viên 20 tuổi mang dòng máu Việt-Hoa có vẻ đẹp trong sáng và hồn nhiên, đăng quang trong sự tán thưởng của phần đông khán giả.

Nhưng, cũng có nhiều người tỏ rõ sự tiếc nuối cho Á hậu I Ngô Phương Lan-một thí sinh khá tự tin và mang vẻ đẹp mặn mà Châu Á”. Ngày Lan đến khoe sắc ở Hòn Ngọc Việt, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng đã thốt lên: “Nếu tìm gương mặt mang vẻ đẹp Hà Nội xưa thì chính là cô ấy”.

Thật lạ kỳ là mặc dù sinh ra ở Hà Nội, nhưng phần lớn thời gian Lan lớn lên (theo cha đi sứ) ở những đô thị hiện đại nhất thế giới như New York, Paris, Geneva..., vậy mà Lan vẫn giữ được hồn cốt của vẻ đẹp thuần Việt.

Một vẻ đẹp mà để hình dung, nhiều người thường nhắc tới bức hoạ “Thiếu nữ bên hoa huệ”. Tình cờ, theo lời kể của ông Đại sứ, một bản sao của bức hoạ này từng nhiều năm là kỷ vật quen thuộc trong gia đình ông.

Gia đình Hoa hậu ảnh 3
“Diễn viên” chính trong điệu “Múa công”

Ái nữ của ông Đại sứ quê nội ở xứ Nghệ nắng gió, quê ngoại ở miền quan họ xưa. Gia đình có bốn thành viên, Ngô Phương Lan là người cao nhất nhà. Ông Đại sứ bật mí: “Chiều cao của Lan giống ông nội. Tôi bình thường nhưng ông nội của cháu cao lắm”.

Theo lời kể của những người thân trong gia đình ông Đại sứ, ông nội Ngô Trí Tài của Hoa hậu lúc sinh thời là một người cao lớn, có sức vóc hơn người. Ông Ngô Trí Tài từng gương mẫu đi đầu trong phòng trào khai hoang ở huyện Nghĩa Đàn.

Lần giở gia phả họ Ngô huyện Diễn Châu, mới hay Hoa hậu là dòng dõi của danh thần đời Lê Ngô Trí Hoà (1565 - 1626). Năm 28 tuổi, Ngô Trí Hoà đỗ Nhị giáp tiến sỹ (Hoàng Giáp).

Ông học thuật uyên bác, có tài trị nước an dân, làm quan đến chức Hiệp mưu tá dực vận tán trị công thần. Hộ bộ thượng thư kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Thiếu bảo tước Phú Xuân Hầu.

Ông nổi tiếng với bài “Khải” nêu 6 vấn đề cần thiết để sửa sang chính trị gửi cho Chúa Trịnh Tùng. Khi ông mất được tặng tước Xuân Quận Công. Đền thờ ông ở xã Diễn Kỷ, được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia.

Hai cô con gái đều đã lớn, nhưng gương mặt của bà Đại sứ vẫn còn lưu lại nhiều nét đẹp thanh xuân. Một vẻ đẹp đã từng hút hồn chàng trai Ngô Quang Xuân ngày nào.

Nghe kể, nhà thơ quê xứ Nghệ Nguyễn Trọng Tạo là bạn học thời phổ thông với Đại sứ Ngô Quang Xuân, hai người học giỏi như nhau, nhưng lúc bấy giờ nhà ngoại giao tương lai lại thua bạn mình ở ngón đàn hát.

Vì vậy, có một người đẹp mà thời áo trắng cả hai cùng theo đuổi, thì cuối cùng nghiêng về ... Nguyễn Trọng Tạo. Sau này nhà ngoại giao đã tự học thêm đàn hát, ngón đàn cũng khá ngọt đủ để giúp ông chinh phục ... mẹ của Hoa hậu bây giờ.

Gia đình Hoa hậu ảnh 4
Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 Ngô Phương Lan

Trong đêm đăng quang, khi được hỏi “Bạn nghĩ đến ai đầu tiên?”, Lan nói ngay: “Em nghĩ tới mẹ. Những ngày diễn ra cuộc thi mẹ luôn ở bên động viên em rất nhiều”.

20 mùa xuân qua, bà Hòa - phu nhân Đại sứ Ngô Quang Xuân - luôn là chỗ dựa ấm áp cho hai người con gái. Từng là cán bộ của Bộ Ngoại giao, nhưng khi chồng được cử đi sứ, bà đã đi theo chế độ phu nhân đại sứ theo chồng sang Hoa Kỳ để chăm sóc gia đình bé nhỏ.

Những mùa đông băng giá đầu tiên của Lan ở New York, bà Hòa đã cặm cụi ngày hai buổi đưa đón con gái đến trường. Ngô Thu Hương -chị gái của Hoa hậu - hiện vừa học xong cao học Kinh tế tại Hoa Kỳ.

Lan kể rằng hai chị em mặc dù ở xa nhau nhưng mỗi khi rảnh rỗi là lại lên mạng “chát chít” để tâm sự. Sắp tới, Ngô Thu Hương sẽ về nước theo một dự án y tế của Hoa Kỳ tại Việt Nam mà cô tham gia.

Kết nối người Việt trên khắp thế giới

Vào khoảng thời gian ít ỏi của tuổi thơ, những năm học ở quê hương khi gia đình về Hà Nội, Lan đã được ba mẹ chở đến theo học các lớp piano, thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội...

Những vốn liếng chưa nhiều này đã được Lan phát huy thêm khi theo ba đi sứ nước ngoài, để có đủ khả năng làm “diễn viên” chính trong nhiều điệu múa quê hương như “Trống cơm”, “Múa công”, “Hương Xuân”, “Lung linh mai vàng”, “Chim Ktiêng gọi bầy”...

Những màn diễn mộc mạc này, thường là một phần không thể thiếu trong các chương trình hoạt động văn hóa của cộng đồng người Việt ở New York trước đây và Thụy Sỹ hôm nay.

Gia đình Hoa hậu ảnh 5
Cùng các bạn SV ngoại quốc

“Sau khi Lan đăng quang tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt, điện thoại của tôi nóng ran với hàng trăm cuộc gọi chúc mừng, trong đó có rất nhiều bà con người Việt tại Thụy Sĩ, Pháp, Hoa Kỳ..., đã nhắn tin về bày tỏ tình cảm tự hào, phấn khởi”-Ông Ngô Quang Xuân nói.

Ông Bùi Kiến Thành, một Việt kiều từng là gương mặt “Vinh danh nước Việt”, bình luận rằng kết quả cuộc thi Hoa hậu ở Nha Trang đã góp phần kết nối người Việt trên khắp thế giới. Còn ông Ngô Quang Xuân, khi được phỏng vấn với tư cách khán giả, thì cho rằng đây là một hoạt động ngoại giao văn hoá đầy ý nghĩa.

Giữ truyền thống quê nghèo

Là con gái Đại sứ, từ thuở nhỏ bước chân của Lan đã theo ba “đi sứ nước người”, đi sứ Liên Hợp Quốc và sứ WTO. Mùa hè năm 1993, ngay khi học hết lớp một, bước chân nhỏ bé của Lan đã bỡ ngỡ đặt trên đường phố New York ồn ào, đồ sộ.

Vào lại lớp 1 nơi đất khách quê người để “làm lại từ đầu”, Lan đã vượt qua các lớp ở cấp tiểu học với thành tích xuất sắc, được Tổng thống Bill Clinton đích thân ký tặng bằng khen.

Nếu như vào lúc Việt Nam đàm phán gia nhập WTO, đại sứ Ngô Quang Xuân thường dành riêng cho Tiền phong những bản tin độc quyền, thì từ thuở nhỏ ái nữ của Đại sứ cũng đã có duyên với chuyên san Người đẹp Việt Nam - một ấn phẩm của Tiền phong.

Ông Đại sứ còn nhớ một số của chuyên san Người đẹp Việt Nam cuối năm 1998 đã đưa tin về sự kiện trên và đăng ảnh hoa hậu tương lai đội mũ mặc áo “tốt nghiệp” tiểu học ở Hoa Kỳ. Sau đó Lan tiếp tục học hết lớp bảy ở New York...

Trước khi được nhận vào Đại học Tổng hợp Geneva, Lan đã xuất sắc vượt qua kỳ thi tú tài toàn phần Pháp của một trường trung học quốc tế vùng Pháp giáp Thụy Sĩ.

Với kiến thức thu được trên ghế nhà trường và kinh nghiệm góp nhặt trong những năm tháng bôn ba theo ba mẹ tới các nền văn hóa khác nhau, khả năng sử dụng thành thạo ba ngôn ngữ Việt - Anh-Pháp, Lan đã được chọn vào Ban lãnh đạo “Chương trình Liên Hợp Quốc” của Liên Hội sinh viên toàn thế giới, diễn ra từ tháng 8/2006 đến tháng 3/2007.

Đây là hoạt động để các sinh viên thực tập về Liên Hợp Quốc, Chương trình dù mang tính tượng trưng nhưng có nội dung rất khoa học về hoạt động toàn diện của Liên Hợp Quốc.

Vượt qua nhiều vòng sát hạch, Lan trúng cử làm “Chủ tịch ECOSOC” (Ủy ban Kinh tế xã hội của Liên Hợp Quốc), và ái nữ của ông Đại sứ đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình. 

Đại sứ Ngô Quang Xuân tâm sự: “Không chỉ truyền cho Lan tình yêu tiếng Việt, yêu quê hương, mà tôi vẫn thường bảo Lan phải cố gắng học hành. Quê tôi từ xưa đến nay vẫn là một vùng đất học nổi tiếng của xứ Nghệ. Người Việt mình đi ra nước ngoài nên biết thu nạp kiến thức của thiên hạ để về xây dựng quê hương”.

“Cái thiện cũng chính là cái đẹp”, phần trả lời ứng xử của Ngô Phương Lan đã nhận được những tràng pháo tay không ngớt trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt. Với cô sinh viên Ngô Phương Lan, tôi tin rằng trí tuệ cũng là một cái đẹp của em.

Mẹ tôi là ngọn lửa sưởi ấm gia đình

Ước mơ trở thành một nhà ngoại giao, ba tôi chính là một tấm gương mà hàng ngày tôi vẫn noi theo. Khi cuộc đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam còn diễn ra căng thẳng, ba vẫn thường tâm sự với hai mẹ con tôi những chuyện khó khăn trên bàn đàm phán, mà những chuyện đó thường không thể đưa tin trên báo.

Chứng kiến ba vất vả ngày đêm, tôi rất thương ba mình và cũng hiểu thêm những công việc thầm lặng của một nhà ngoại giao. Những lúc đó, mẹ tôi thường là ngọn lửa sưởi ấm gia đình, giữ thăng bằng cho công việc của ba cũng như chuyện học hành của tôi.

Từ nhỏ, tôi đã được ba mẹ cho học đàn, học hát và khuyến khích tham gia các hoạt động xã hội. Bài hát tôi thích nhất là “Mong ước kỷ niệm xưa”, mặc dù không trải qua tuổi học trò trong nước, nhưng mỗi lần nghe bài hát này tôi vẫn rất xúc động.

Ban đầu, những ngày đi học của tôi nơi đất khách thường gặp khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ, nhưng rồi khó khăn này nhanh chóng được vượt qua. Mọi người thường nhận xét rằng tôi giống ba ở tính cách “càng khó khăn thì càng quyết tâm hơn”.

Theo cảm nhận của tôi, các bạn trẻ Việt Nam trong nước cũng như khi ra nước ngoài, thường không tự tin bằng giới trẻ quốc tế trong các hoạt động xã hội, nhưng chính sự rụt rè đó cũng tạo nên nét dễ thương và dễ mến “truyền thống!”.

Các bạn trẻ người Việt dù ở đâu cũng thường học rất giỏi, các bạn Việt Nam của tôi trong trường đều đứng đầu lớp. Đó là điều mà chúng tôi rất tự hào.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.