Ai cũng có thể làm phim tài liệu?

Ai cũng có thể làm phim tài liệu?
TPCN - Bây giờ, ai muốn xem phim tài liệu, hay bảo rằng không ở đâu có, trừ chương trình định kỳ trên Truyền hình Việt Nam.
Ai cũng có thể làm phim tài liệu? ảnh 1
Cảnh trong phim Trở lại Ngư Thủy

Với những người sống qua thời bao cấp, nhất là những người ở Hà Nội, đều biết cái từ đã cũ bia kèm lạc.

Khi mất tiền mua vé vào rạp, món mở hàng là chiếu phim thời sự tài liệu, được gọi là món “kèm” trước khi sang đến món phim truyện.

Tuy vậy, với một bộ phận không nhỏ ở đất nước chúng ta, xem phim tài liệu nghĩa là thưởng thức văn hóa. Tôi từng chứng kiến có những cụ ông cụ bà chống gậy vào xem phim tài liệu ở Trung tâm văn hóa văn minh Pháp tại Hà Nội.

Các cụ xem chăm chú gần như không rời mắt khỏi màn hình. Được thấy những khán giả như thế, người làm phim tài liệu cảm thấy ấm lòng.

Khác với nhiều nước, điện ảnh tài liệu là thể loại phim khai sinh ra nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.Phim tài liệu (cách nói gọn 3 trong 1 của các thể loại phim phóng sự, phim khoa học, phim tài liệu) không phải là con đẻ của khoa học kỹ thuật mà là sản phẩm tất yếu của hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, hy sinh của dân tộc.

Phim tài liệu Việt Nam trưởng thành từ trong chiến tranh, vì vậy, các tác phẩm phim tài liệu nặng lòng với những mất mát, đau thương, chia sẻ với những số phận con người.

Hàng loạt bộ phim sản xuất trong những năm tháng chiến tranh đã đoạt giải thưởng cao nhất tại nhiều liên hoan phim có uy tín trên thế giới.Trong phòng truyền thống của Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương, của Xí nghiệp phim Quân đội còn lưu giữ chân dung hàng chục nhà quay phim hy sinh trong chiến tranh.

Các nhà làm phim liệt sĩ trả bằng máu của mình đổi lấy những  thước  phim vô giá - những thước phim mà ngay cả bản thân người quay phim cũng chưa một lần được xem lại.

Sau này, khi chiến tranh đi qua, có thêm nhiều bộ phim tài liệu của Điện ảnh Việt Nam được trao tặng giải  thưởng quốc tế như Chìm nổi sông Hương, Chị Năm Khùng, Trở lại Ngư  Thủy, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai

Một đặc điểm khác của phim tài liệu Việt Nam là luôn gắn bó với cuộc sống, có những bộ phim tạo nên bước ngoặt trong tư duy sáng tác, tạo ra sự lôi cuốn và tiếng vang trong đời sống xã hội.

Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế  một thời gây sốc cho người xem bởi những vấn đề bộ phim đặt ra, không chỉ nhìn vào sự thật, nói ra sự thật, mà còn định hướng tư duy và phong cách sáng tác mới cho những người làm phim tài liệu.

Hình dung lại cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước đang mò mẫm tìm đường đổi mới, hai bộ phim nói trên đủ sức nặng chứng tỏ tài năng, bản lĩnh của người làm phim.

Những năm 90, còn có Xa mẹ như một nỗi ám ảnh, tiếng gọi “mẹ ơi” trong phim đầy day dứt về những đứa trẻ thiếu vắng bàn tay và tình mẫu tử. Còn có Trở lại Ngư Thủy  chỉ kể lại sự thật, một sự thật  làm đau lòng người, nhưng hiệu quả xã hội nhiều hơn mong đợi, đến nỗi các ngành các cấp xúm tay vào giúp đỡ, làm thay đổi hẳn cuộc sống vật chất tinh thần của những nữ anh hùng pháo binh Ngư Thủy huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Ngày đạo diễn của bộ phim mất, những nữ anh hùng Ngư Thủy vượt 500 km ra tận Hà Nội, viếng và khóc. Vinh quang của người làm phim như thế là lên tới đỉnh.

Trong quá trình phát triển của Điện ảnh Việt Nam, thứ đặc sản đủ sức mang giới thiệu với nước ngoài, không phải là phim truyện mà là phim tài liệu. Phim truyện ăn giải quốc tế không nhiều, chỉ đếm vừa đủ những ngón tay.

Phim tài liệu nhiều hơn rất nhiều. Ngay đến bây giờ, khi phim truyện ra nước ngoài gian truân vì yếu về kỹ thuật và nghệ thuật, phim tài liệu vẫn có chỗ đứng ngang với mặt bằng chung chung của thế giới.

Nhiều  nghệ sỹ danh tiếng như Bùi Đình Hạc, Đặng Nhật Minh, Trần Thế Dân… đã từng làm phim tài liệu và rất thích làm phim tài liệu. Những nghệ sĩ đi sau đều mong có dịp làm phim tài liệu.

Trên thế giới, Olive Stone đã làm một bộ phim tài liệu về Phiden Castro hay đến mức có thể đưa vào sách giáo khoa chuyên ngành điện ảnh!

Nghề làm phim tài liệu đòi hỏi cao, khán giả lại ít nên không đắt hàng. Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, mấy năm đãi cát tìm vàng cũng chỉ nhận được vài quay phim trẻ, đạo diễn không có một ai.

Chức danh biên kịch chỉ duy nhất có một người được đào tạo chính quy, còn lại từ các ngành nghề khác chuyển sang. Hoặc như Phòng Phim tài liệu Đài truyền hình Việt Nam, biên kịch đi thuê người ngoài viết, hoặc kiêm nghiệm, còn đạo diễn không ai dưới tuổi 30- một nghịch lý, nơi cần vẫn cần, nơi thiếu vẫn thiếu.

Người làm phim tài liệu thành nghề như một nhu cầu tự nhân. NSND Đào Trọng Khánh, đang là một nhà thơ, “bị” vào trường Điện ảnh, “bị” vào Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, “bị” trở thành một đạo diễn.

Ông làm phim như người lên đồng, dựng phim theo cảm xúc, hình ảnh toàn sương, lời bình toàn khói, thế là thành phim, tưởng dễ mà không ai có thể lặp lại. NSND Lê Mạnh Thích vào nghề bằng một con đường nào đó không ai biết, “bị” đi học quay phim, “bị” làm đạo diễn.

Ông làm phim như nông dân vác đất, cứ lấy tấm lòng của mình ra mà chơi, dựng phim như anh nhà giàu keo kiệt, các hình ảnh chân thật đứng cạnh nhau không cần nói gì về nhau cũng đủ sức nặng.

Người đi trước làm nghề hoàn toàn bằng tài năng và tấm lòng, nếu tính theo giá trị vật chất kiếm được, người đi sau không đủ bền gan theo đuổi.

Làm phim tài liệu không sang trọng, không sa lông, không “nghệ sĩ” như làm phim truyện. ở mọi ngóc ngách của cuộc sống, ở mọi quốc gia trên trái đất đều có nghề làm phim tài liệu.

Bạn cứ xách máy đi quay tất cả những gì đã thấy, ghi chép nó lại như một quyển nhật ký, rồi bạn sàng lọc, sắp xếp nó theo một đường dây nhất định, tự bản thân các hình ảnh sẽ nói lên tất cả.

Một người Campuchia đã làm bộ phim như sau: Vì lý do nào đó một gia đình phải sinh sống bên lề đường, ban ngày mọi người lê la kiếm sống bằng mọi nghề, đêm họ nghỉ ngơi ở vỉa hè, đánh bài sát phạt lẫn nhau, rồi một cơn gió cuốn đi những quân bài - thân phận con người sau  họa diệt chủng.

Một học viên khác người Colombia kể câu chuyện cãi nhau giữa hai vợ chồng nghèo, chống muốn lên thành phố kiếm việc làm đổi đời, vợ đang bụng mang dạ chửa muốn chồng ở nhà - một mâu thuẫn đầy tính người của cư dân các nước đang phát triển.

Tiến sĩ người Pháp tên là Boris, một nhà làm phim nghiệp dư sang Việt Nam nhiều lần, làm nhiều bộ phim ghi chép về cuộc sống của các cựu chiến binh Việt Nam. Cuộc sống của cựu chiến binh Việt Nam hiện nay ra sao, tự bản thân các câu chuyện của bộ phim là câu trả lời.

Phim tài liệu là câu chuyện giữa con người với con người được ghi chép lại bằng hình ảnh. Bất cứ ai đều có thể làm phim tài liệu.q

Đào Thanh Tùng (Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW)

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.