Ám ảnh du lịch Việt

Ám ảnh du lịch Việt
TP - Du lịch, ngành công nghiệp không khói được xác định sẽ là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của cả nước, thế nhưng, ngành mũi nhọn tương lai đang có nguy cơ tụt hậu khi hội đủ “thói hư tật xấu” từ chặt chém, trộm cắp… đến bỏ rơi du khách. Đáng tiếc hơn khi một báo cáo của ngành du lịch mới đây cho biết, hơn 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam “một đi không trở lại”, còn khách nội địa có tiền lại chọn vi vu tour nước ngoài.

Du khách ngoại: Mồi ngon?

Giữa tháng 7/2017, nữ phượt thủ 26 tuổi người Anh Rita Rasimaite mất xe đạp tại TPHCM ngay khi hoàn thành chuyến xuyên Việt dài 3.600km vẫn đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. “Hãy giúp tôi với! Tôi đã đạp xe xuyên Việt trong vòng 2 tháng và sau khi hoàn thành hơn 3.600 km, tôi cũng đến được Sài Gòn. Đáng lẽ, tôi đã phải ăn mừng cột mốc này thật lớn nhưng thay vào đó, sáng 20/7 tôi không thể nhịn được và bật khóc vì ai đó đã trộm mất chiếc xe đạp của tôi”. Rita đăng tải một status “cầu cứu” trên diễn đàn của người nước ngoài sinh sống tại TPHCM. Trước đó, Rita cũng đã bị trộm mất điện thoại khi tới Nha Trang. Rất may, lực lượng chức năng đã sớm tìm ra chiếc xe đạp bị mất chỉ vài ngày sau đó.

Ngày 26/7, hai cô gái nước ngoài chở nhau bằng xe máy bị trượt ngã trên một con đường ở quận Gò Vấp, TPHCM. Khi được người dân hỗ trợ đưa họ vào lề đường thì nhìn lại, chiếc xe máy đã “không cánh mà bay”. Không biết làm gì, hai cô gái chỉ biết ôm mặt khóc sướt mướt. “Xấu hổ vô cùng, lợi dụng lúc người khác gặp nạn để “hôi của”. Hình ảnh của người Sài Gòn sẽ xấu đi rất nhiều sau vụ trộm này” - anh Võ Văn Tài, một nhân chứng của vụ việc lắc đầu nói.

Mới đây nhất, đêm 4/8, nữ du khách Hàn Quốc đón xe của hãng taxi Hải Vân từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng về khách sạn trên đường An Thượng 26 (P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) chỉ có 5km nhưng bị tài xế “chém” 700.000 đồng. Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế này thừa nhận tổng cước chỉ có 60.000 đồng. Nhưng lợi dụng khách nước ngoài không biết gì nên “chém đẹp”.

Nhóm phóng viên báo Tiền Phong đã từng tiếp xúc với nữ du khách Sarah Wai (26 tuổi, quốc tịch Myanmar) khi cô bị tài xế một hãng taxi ở TPHCM “phù phép” lấy tiền trong ví. Theo cô Sarah, tài xế giật ví rồi tự ý lục lọi. Lúc xuống xe kiểm tra, cô phát hiện mình mất 2 triệu đồng. “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Tôi rất sốc khi chứng kiến mình bị cướp trắng trợn như vậy. Tôi không còn muốn ở lại đây nữa và sẽ về nước luôn” – nữ du khách tức tưởi khi kể lại câu chuyện với phóng viên.

Ám ảnh du lịch Việt ảnh 1 Mời du khách “gánh dừa” trước dinh Thống Nhất.

Chuyện khách nước ngoài ăn tô phở giá “cắt cổ”, không có nhu cầu vẫn bị đeo bám và bị buộc phải đánh giày với mức giá trên trời, hoặc bị “ép” đội nón lá, gánh quang gánh bị người bán hàng đòi tiền hoặc ép mua những túi hoa quả với giá cắt cổ... là những vụ việc từng bị dư luận lên án. Trưa ngày 8/8, trước cổng Dinh Thống Nhất luôn có đội quân bán dừa dạo thường xuyên chèo kéo, dụ dỗ du khách. Đạo cụ là quang gánh với vài trái dừa, chiếc nón lá, những người này thường chào mời du khách “gánh thử” để chụp hình. “Thử” xong thì phải mua dừa hoặc trả tiền cho mượn đạo cụ với giá từ 50.000 đồng/lần. Rất nhiều du khách sau khi “gánh thử” xong ngớ người vì bị đòi tiền.

Treo đầu dê, bán thịt chó

Sau hè lại đến những tháng cuối năm, du lịch trong và ngoài nước đang ngày càng sôi động. Đây cũng là thời cơ để các hãng du lịch “chui” có dịp hoành hành bằng cách đưa ra các tour du lịch với giả rẻ bất ngờ... Nhiều du khách “sập bẫy” mang theo sự ấm ức, thiệt thòi. Tình trạng tổ chức tour với giá “sốc”, “rẻ bất ngờ”, chất lượng “cho có” của nhiều công ty du lịch làm ăn chụp giựt ở TPHCM không hề hiếm. Khách chỉ vỡ lẽ khi đã kết thúc tour.

Tại công ty du lịch B.B tourist trên đường Tân Kỳ Tân Quý, Q. Tân Bình, chúng tôi hỏi tour Phan Thiết – Mũi Né – Hòn Rơm 3 ngày 2 đêm, nơi đây chào giá chỉ tầm 1 triệu đồng/người. “Giá này rẻ gần 50% so với các nơi khác rồi. Công ty mới lập nên đang trong chương trình khuyến mãi, em không thể tìm nơi nào có giá tốt hơn ở đây đâu. Giá rẻ, chất lượng miễn chê” – nhân viên quảng cáo. Tuy nhiên, nhiều khách hàng từng đi tour của B.B phản ánh: “Nhìn vào hợp đồng thấy ghi rõ đi xe đời mới có máy lạnh, ghế bật ti vi; ăn 5 món, nước 3 chai/người, có bảo hiểm du lịch, ở resort 3 sao. Ai ngờ đến lúc nhận phòng mới phát hiện chỉ là nhà trọ cũ kỹ, hôi hám không sao ngủ được...! Hướng dẫn viên thì cứ dẫn vào các lò nước mắm, lò bánh kẹo”.

Ám ảnh du lịch Việt ảnh 2 Tàu du lịch trên sông - điểm hút khách du lịch khi đến Sài Gòn.

Tìm hiểu nhiều công ty lữ hành tại TPHCM, chúng tôi còn phát hiện có những chuyến du lịch “chui” ở những công ty có giấy phép hẳn hoi. Du lịch “chui” là dịch vụ do công ty lữ hành tự ý mở thêm dù chưa được cấp phép. Ví dụ như đăng ký kinh doanh cho thuê xe du lịch nhưng vẫn tổ chức các tour tham quan trong và ngoài nước; hay chỉ được phép kinh doanh lữ hành nội địa nhưng vẫn bán tour outbound (tổ chức đưa khách trong nước ra nước ngoài)... Do đó, để bán được tour và cạnh tranh với hãng lữ hành uy tín, các công ty này thường giảm giá tour 30-35%. Những tour này không chỉ chào bán trên đường, trên vỉa hè mà tiếp thị tận khách sạn. Không chỉ tìm “con mồi” là du khách nước ngoài, các công ty “lậu” còn nhắm tới du khách Việt có tâm lý thích của rẻ.

Chị Lê Thị Hồng (ngụ Q.10) có một chuyến du lịch nhớ đời khi mua tour giá rẻ của công ty T. ở quận này để tham quan Tây Nguyên. Dù trong hợp đồng cam kết bao trọn gói nhưng đến nơi mình phải ở nhà rông tập thể, khách ăn sáng tự trả tiền… “Trong chương trình ghi uống rượu cần, xem múa cồng chiêng Tây Nguyên nghe có vẻ hấp dẫn, sau khi khách thưởng thức vừa xong, hướng dẫn viên thông báo cùng góp tiền vào trả, vì khoản này nằm ngoài chương trình. Khách mua tour cũng không có bảo hiểm tai nạn… Số tiền tự bỏ ra để tham gia các dịch vụ còn gấp đôi giá tour đã mua. Cảm giác như mình bị lừa vậy” – chị Hồng bực tức.

Anh Trần Minh Hưng – thâm niên 10 năm trong nghề hướng dẫn viên du lịch bộc bạch: một số công ty du lịch cho thêm điểm tham quan vào chương trình đánh lừa tâm lý của khách là được tham quan nhiều, chương trình phong phú hơn..., nhưng thực ra họ đưa đến những điểm tham quan không cần phải mua vé. Một số tour có chương trình dành thời gian mua sắm rất nhiều nhằm đánh vào tâm lý thích mua sắm của khách, nhất là nữ. Chẳng hạn như đi du lịch Thái Lan hay Singapore giá rẻ, có công ty cho khách tha hồ mua sắm để giết thời gian, công ty khỏi phải trả tiền phí xe cộ đi lại, phí tham quan ở các điểm du lịch.

Số liệu thống kê mới đây tại Việt Nam, có hàng ngàn công ty lữ hành “chui” chủ yếu tập trung vào các tỉnh thành lớn như: Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng… Sáu tháng đầu năm 2017, Thanh tra Sở Du lịch TPHCM cho biết đã kiểm tra 154 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và hoạt động hướng dẫn viên, trong đó có tới 92 đơn vị, cá nhân vi phạm. Cụ thể, phát hiện và xử phạt 4 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế không có giấy phép lữ hành quốc tế gồm: Công ty TNHH Đất Mẹ, Công ty TNHH DVDL Sai Gon River Tour, Công ty TNHH Tàu Sài Gòn, Công ty Cổ phần Dream Holidays; lập biên bản vi phạm hành chính 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH TM và Du lịch Hành trình Việt và khách sạn Des Arts; tước giấy phép lữ hành quốc tế 2 đơn vị.

“Hiện vẫn còn tình trạng một số công ty lữ hành hoạt động “chui”, theo thời vụ, tự lập trang web và giao dịch qua mạng, không có trụ sở nên rất khó quản lý trong khi chất lượng phục vụ của các hình thức này không đảm bảo, ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành…”.

Đại diện Thanh tra Sở Du lịch TPHCM

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Du lịch TPHCM: Còn nhiều công ty du lịch kiểu lừa đảo

Ám ảnh du lịch Việt ảnh 3
Thời gian qua Sở Du lịch TPHCM đã nhận được nhiều phản ánh của khách hàng về tình trạng mua tour từ những lời chào bán tour du lịch giá siêu rẻ qua mạng nhưng thực tế du khách đi xong thì phát hiện chất lượng các sản phẩm này cực kì tệ, hoàn toàn không giống như “quảng cáo” trước đó.

Đây rõ ràng là một hành vi lừa đảo người tiêu dùng, cũng như gây khó khăn cho những doanh nghiệp đủ điều kiện tạo nên các sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng tốt thật sự và gây ảnh hưởng chung đến môi trường kinh doanh lữ hành của ngành du lịch TP.

Hành vi kinh doanh gian dối trên cần được báo động và lên án mạnh mẽ. Hiện, Sở Du lịch TPHCM đang phối hợp cùng các ban ngành theo dõi sát các trang mạng quảng cáo chào bán tour du lịch giá cực rẻ này. Trong thời gian chờ cơ quan chức năng thu thập đủ chứng cứ để xử lý nghiêm những đơn vị làm ăn bất chính trên, người tiêu dùng cần cẩn thận hơn khi mua tour du lịch qua mạng với những lời chào mời hấp dẫn kiểu “không tưởng”.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt tour: Chúng tôi rất xấu hổ!

Ám ảnh du lịch Việt ảnh 4
Là người trong cuộc, chúng tôi rất xấu hổ! Nhưng không phải bây giờ Việt Nam mới có những hành vi trộm cắp, chặt chém du khách mà chuyện này đã có từ lâu, nhưng tại sao không được xử lý đến nơi đến chốn?

Ở nước ngoài, tình trạng du khách bị chặt chém, mất trộm cũng có chứ không phải không. Tuy nhiên, họ đều có biện pháp xử phạt rất nặng. Điều quan trọng là chế tài ở mỗi nước như thế nào để ngăn chặn tình trạng này. Cần phải thay đổi thể chế, hình thức xử phạt mạnh tay đối với kẻ có hành vi trộm cắp, hành hung du khách. Thậm chí, sự việc xảy ra ở đâu thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm. Hiện nay, việc xử phạt còn quá nhẹ, không đủ hình thức răn đe thì ai sợ, ai còn muốn đến Việt Nam du lịch.

Nghiên cứu sinh Đàm Duy Long - Giám đốc Trung tâm Project Design Đại học công nghệ TPHCM: Du lịch đâu chỉ để nhìn ngắm?

Ám ảnh du lịch Việt ảnh 5
Tội phạm khiến du khách quay lưng chỉ là bề nổi. Điều quan trọng là chúng ta có gì khác hơn để khách muốn quay lại. Đã qua rồi cái thời đi du lịch chỉ để nhìn ngắm, du lịch bây giờ là phải trải nghiệm, khám phá. Du lịch nói riêng và dịch vụ nói chung có thuật ngữ “khoảnh khắc của sự thật”.

Suốt hành trình của du khách có đẹp đẽ và hài lòng đến mấy, chỉ một hành động thiếu chuẩn mực của tài xế taxi trên đường đưa khách ra sân bay hoặc toa tàu mất vệ sinh khi đưa khách ra Hà Nội, thừa đủ để du khách quên hết mọi điều đẹp đẽ mà chúng ta đã tốn công xây dựng.

Tuy nhiên, đừng cái gì cũng đổ lỗi cho ngành du lịch. Có những mâu thuẫn dân sự giữa “ta” với “Tây” giải quyết bằng to tiếng, xô xát trong thời gian qua là mặc nhiên chúng ta cho rằng ngành du lịch có trách nhiệm với việc này. Một cái nhìn khách quan hơn sẽ giúp cho ngành du lịch có thể phát huy tốt hơn vai trò của mình.

Đem con bỏ chợ

Mới đây, hàng chục khách du lịch Việt vô cùng bức xúc khi bỏ tiền mua tour du lịch Thái Lan của Công ty CP Giáo dục ứng dụng EPAC (Cần Thơ) nhưng lại lọt vào tour “ảo”, đến nỗi bị bỏ rơi nơi xứ người. Theo đó, EPAC tổ chức tour du lịch cho 17 du khách với giá 6,5 triệu đồng/người (5 ngày). Đến nơi, du khách lãnh trọn “ba không”: không nơi ăn chốn ở, không người đưa đón, hướng dẫn viên không biết ngoại ngữ… đến nỗi bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ. Khi Sở VH-TT&DL Cần Thơ kiểm tra mới phát hiện EPAC không đủ điều kiện về kinh doanh lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên dẫn đoàn đi Thái Lan cũng không có thẻ hoạt động theo quy định.

Trước đó, Công ty TNHH MTV dịch vụ cuộc sống du lịch Travel Life cũng gây choáng váng khi bỏ rơi 701 khách Việt Nam ở Thái Lan. Theo thanh tra Bộ VH-TT&DL và Sở Du lịch, công ty này phạm 8 lỗi. Trong đó, lỗi nghiêm trọng nhất là hoạt động “chui” do không có giấy phép lữ hành quốc tế nhưng vẫn tổ chức cho khách trong nước đi du lịch nước ngoài. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.